Dù đã được tìm thấy và đưa về với gia đình nhưng những thông tin về vụ bắt cóc bé Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi, Bắc Ninh) tại khu vui chơi trẻ em Công viên Nguyễn Văn Cừ vẫn khiến các phụ huynh, đặc biệt là bố mẹ có con nhỏ giật mình bởi chỉ 1 vài phút lơ là thôi là kể bắt cóc có thể đưa con đi rất nhanh. Vụ việc cũng rung lên hồi chuông cảnh báo về việc trẻ dễ dàng bị dụ dỗ bởi người lạ.
Mùa hè năm 2019, nhóm Lisa Alert - là một tổ chức tình nguyện tìm kiếm và cứu hộ phi lợi nhuận để tìm người mất tích - đã thực hiện một thí nghiệm xã hội ở Saratov, Nga: những người lạ sẽ cố gắng dụ dỗ trẻ em trong độ từ 3 đến 12 tuổi rời khỏi sân chơi với họ (tất nhiên, là nhóm đã được sự cho phép từ cha mẹ của trẻ). Kết quả là, trong số 17 trẻ tham gia thí nghiệm, thì có đến 15 trẻ đồng ý đi cùng người lạ và chỉ có 2 trẻ 6 tuổi hoàn toàn không chịu rời khỏi sân chơi. Lý do vì sao điều này lại xảy ra?
Làm thế nào có thể bắt cóc được trẻ từ sân chơi đông người?
Một trong những quan sát đáng sợ nhất trong cuộc thử nghiệm nơi trẻ em bị thuyết phục đi cùng người lạ, là những người xung quanh hoàn toàn thờ ơ. Theo các tình nguyện viên của nhóm Lisa Alert, họ đã "đánh cắp" trẻ em từ các sân chơi có nhiều người xung quanh nhưng không hề có một người lớn nào chú ý đến những gì đang xảy ra hoặc cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Kẻ bắt cóc đã "đánh cắp" trẻ em từ các sân chơi có nhiều người xung quanh nhưng không hề có một người lớn nào chú ý đến những gì đang xảy ra.
Những kẻ bắt cóc thường sử dụng những câu rất phổ biến nên nếu chỉ cần chú ý một chút là những người xung quanh sẽ "đánh hơi" thấy mùi nguy hiểm như:
- Đi theo chú ra kia, chú mua kẹo cho con ăn.
- Con có muốn đi cho chim bồ câu ăn không?
- Có những con sóc đang chạy kìa. Con đi xem sóc không?
- Bố mẹ con nhờ chú chở con đến chỗ bố mẹ. Đi nào!
Ngoài ra, còn có một kiểu dụ dỗ mang lại hiệu quả nữa là nhờ trẻ giúp đỡ tìm kiếm một chú mèo con hoặc chó con đang bị đi lạc. Một số tội phạm còn giả làm cảnh sát, bác sĩ hoặc lính cứu hỏa để đánh lừa trẻ con.
Một trong những lý do hiếm gặp là bắt cóc để bán trẻ làm con nuôi cho những gia đình hiếm muộn. Thậm chí, còn có kiểu bắt cóc trước khi sinh. Đó là người ta đánh cắp phôi được giữ trong các trung tâm đặc biệt. Trong con mắt của pháp luật, hành vi trộm cắp này tương đương với việc đánh cắp một đứa trẻ còn sống.
Ngay cả trẻ lớn cũng đồng ý rời đi với người lạ
Cơ hội mà một đứa trẻ sẽ đi với một người lạ tăng lên đáng kể nếu kẻ bắt cóc là một phụ nữ hoặc một thiếu niên. Bởi trong tưởng tượng của mọi người, tội phạm thường là những người đàn ông giống như trong những bộ phim: họ cao lớn, dữ dằn và thù địch. Tuy nhiên, cha mẹ nên giải thích cho trẻ rằng ngay cả một bà già hay một cô gái trẻ cũng có thể là một người xấu.
Những đứa trẻ tham gia thí nghiệm khi được hỏi tại sao lại đồng ý đi theo người lạ đã trả lời rằng:
- Người phụ nữ ấy bảo con đi theo cô ấy.
- Con biết đây chỉ là một thử nghiệm!
- Con nghĩ mẹ đang đợi con ở đó.
Có một điều rất đáng lo ngại rằng tất cả trẻ em trong cuộc thử nghiệm đều biết hậu quả có thể xảy ra khi đi với người lạ. Các em đều được cha mẹ hướng dẫn rất nhiều lần. Nhưng tiếc là những hướng dẫn này đều vô ích.
Cái trẻ cần là một lời giải thích về lý do tại sao đi với người lạ lại nguy hiểm. Bởi vì nhân viên thu ngân trong các cửa hàng, hàng xóm và các bà mẹ khác trên sân chơi cũng là những người xa lạ, nhưng cha mẹ và trẻ vẫn trò chuyện cùng. Do đó, quy tắc không bao giờ được nói chuyện với người lạ là không thể tuân theo.
Một trong những cách để giải quyết vấn đề này là cho trẻ tham gia các khóa học bảo vệ bản thân. Bởi trong các khóa học này, trẻ được thực hành các tình huống thực tế, và biết đâu trong một tình huống khẩn cấp, nó sẽ cứu sống con bạn một cách ngoạn mục. Giống như câu chuyện về 2 đứa trẻ người Mỹ vừa thoát khỏi một vụ bắt cóc vào mùa hè năm nay. Hai bé đang ngồi trong xe ô tô và đợi bà của họ thì bất thình lình một thanh niên trẻ đã nhảy vào ghế lái. Cậu bé 8 tuổi phản ứng ngay lập tức: Cậu mở cửa xe và ra ngoài, sau đó nắm tay chị gái 10 tuổi của mình và giúp chị thoát ra. Tên tội phạm bị bắt khá nhanh sau đó.
Điều gì ngăn cản một đứa trẻ chạy trốn?
Một thông tin khác đáng lo lắng từ những tình nguyện viên giả làm kẻ bắt cóc là: ngay cả khi nhận ra là không có bất kỳ con sóc nào, trẻ cũng không cố gắng chạy trốn. Và khi bố mẹ hỏi tại sao, những đứa trẻ chỉ nói những điều mơ hồ như chúng cảm thấy xấu hổ khi la hét hoặc cầu cứu.
Xấu hổ hoặc sợ mọi người cho rằng mình là kẻ ngốc là những nguyên nhân khiến trẻ không hét to hoặc bỏ chạy khi gặp nguy hiểm.
Các yêu cầu hét lên khi đang gặp nguy hiểm dường như không có ý nghĩa gì với trẻ. Bởi trẻ không hiểu: phải hét lên những gì? Mức độ nào là hét to? Nếu không ai nghe thấy thì sao? Nếu họ nghe thấy nhưng họ vẫn không giúp đỡ thì sao? Vì thế, một trong những giải pháp khả thi là luyện tập hét lớn: "Cứu tôi. Tôi không biết người đàn ông này! Tránh xa tôi ra!". Chỉ có cách làm trực quan này mới giúp trẻ thoát khỏi sự xấu hổ.
Bên cạnh việc xấu hổ, trẻ em thường sợ mọi người nghĩ mình ngu ngốc. Rằng "nếu người lạ đó không có làm hại mình mà mình lại la hét thì mình sẽ trông như một kẻ ngốc và mọi người sẽ cười nhạo".
Có một yếu tố quan trọng góp phần vào việc trẻ tin tưởng người lớn là bởi trẻ thường được cha mẹ dạy rằng: người lớn nói phải nghe. Thế nên, bất kể ai, cứ là người lớn, đều được trẻ mặc định là phải nghe theo lời họ.
Một số khuyến nghị từ các chuyên gia Mỹ trong việc phòng tránh trẻ bị bắt cóc:
- Không viết tên của trẻ trên quần áo. Trẻ có khả năng tin những người gọi chúng bằng tên hơn.
- Nếu một đứa trẻ bị lạc trong một trung tâm mua sắm lớn, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ đến gặp bất kỳ nhân viên nào của trung tâm để được giúp đỡ. Trẻ không nên đi đến bãi đậu xe một mình để tìm cha mẹ. Vì bãi đậu xe là nơi có rất nhiều trẻ em bị bắt cóc.
- Nếu bị bắt cóc, trẻ nên biết cách cung cấp cho những người xung quanh một tín hiệu rằng trẻ đang gặp rắc rối. Chẳng hạn như năm 2007, một kẻ bắt cóc đã mang một cô bé tuổi teen lên máy bay. Cô bé ấy đã để lại một lời nhắn "Tôi cần giúp đỡ" trong nhà vệ sinh của máy bay. Nữ tiếp viên hàng không đã đọc được dòng chữ này và đã báo cảnh sát. Khi máy bay đến, cảnh sát đã chờ đợi kẻ bắt cóc.
- Không khuyến khích trẻ đi nhờ xe hoặc cho người khác đi nhờ xe của mình, mặc dù việc này cực kỳ phổ biến.
- Ở những nơi công cộng, nhà vệ sinh là địa điểm đặc biệt nguy hiểm. Cha mẹ không nên cho trẻ em đi vào nhà vệ sinh một mình, tốt nhất, cha mẹ nên dắt trẻ đi và đợi chúng ở đó.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/mot-cuoc-thu-nghiem-rung-len-chuong-dang-bao-dong-ve-nan-bat-coc-tre-em-1517-tre-dong-y-di-voi-nguoi-la-221391
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.