Người ta thường chúc nhau con cái ngoan ngoãn, nghe lời. Tất nhiên ở vai trò là phụ huynh, đây là những ước mong và mục tiêu chính đáng. Có những bố mẹ tự hào vì con nói gì nghe đó, không dám phản kháng lại lời người lớn, biết đón ý người khác để được khen ngợi. Tuy nhiên trên thực tế, có những kiểu ngoan ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai trẻ.
Những đứa trẻ thường xuyên bị khiển trách, dọa nạt sẽ cảm thấy sợ hãi trong lòng, trước mặt người lớn sẽ kìm nén suy nghĩ và cảm xúc của mình, giả vờ ngoan ngoãn.
Kiểu trẻ em này trông rất hiểu biết, luôn luôn xem xét tâm trạng cha mẹ, trong mắt người lớn là đứa trẻ ngoan, không hề có bất kỳ hành vi xấu nào. Mặc dù "trẻ ngoan" thường được người khác khen ngợi, nhưng bản thân chúng sẽ không vui.
Nếu đứa trẻ có hiện tượng này, cha mẹ không nên tự mãn, ngược lại cần nâng cao cảnh giác: Liệu con mình có quá ngoan ngoãn không?
Điều gì đã xảy ra với những "đứa trẻ ngoan" đó khi chúng lớn lên?
Theo các nhà tâm lý học, việc luôn đòi hỏi sự vâng lời từ đứa trẻ sẽ lấy đi tiếng nói nội tâm của chúng - thứ khi lớn lên sẽ giúp phân biệt được sự đúng, sai khi đưa ra quyết định. Hoặc khi cha mẹ, người thân liên tục đưa ra quyết định cho con trẻ mà không cho chúng sự lựa chọn, đứa trẻ đó có thể phải lớn lên mà không có khả năng tự đưa ra quyết định và không thể đứng lên vì lợi ích của chính mình.
Một "đứa trẻ ngoan" lớn lên dưới sự áp đặt của người lớn, vì thế sẽ dễ dàng phát triển 2 tính cách sau:
1. Tính cách xu nịnh
Khi nhà văn Jiang Fangzhou (Trung Quốc) còn nhỏ, cha mẹ cô thường xuyên nổi nóng. Để làm hài lòng cha mẹ, cô đã nỗ lực học cách ngoan ngoãn, biết điều. Bởi vì đã quen với việc lấy lòng người khác từ khi còn nhỏ, cô cũng hạ thấp bản thân khi lớn lên.
Cô từng nói trong cuốn Chuyện của những bông hoa kỳ lạ rằng: Khi không hài lòng với bạn trai của mình, cô ấy rõ ràng rất tức giận, nhưng không dám bày tỏ, để đối phương nguôi ngoai đã liên tục gọi điện bên kia xin lỗi.
Trong nhiều gia đình, không ít em bé được khen ngợi ngoan ngoãn, luôn làm mọi cách để lấy lòng người khác, để được khen ngợi. Từ quan điểm xã hội, đây cũng là một loại năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài, những đứa trẻ này có thể hình thành tính cách thiếu trung thực.
"Những đứa trẻ ngoan ngoãn sẽ lớn lên thành những người lớn biết vâng lời. Họ ít có khả năng đứng lên bảo vệ bản thân và dễ bị lợi dụng hơn. Họ cũng có xu hướng chỉ làm theo mệnh lệnh mà không thắc mắc và không có ý thức trách nhiệm cao về hành động của mình”, tiến sĩ tâm lý Laura Markham (Đại học Columbia) chia sẻ.
Ngoài ra, những đứa trẻ này thường đè nén suy nghĩ và cảm xúc thật của mình, cho dù trong lòng đau khổ, oan ức cũng không thể hiện ra ngoài. Vì vậy dễ gặp các vấn đề tâm lý.
2. Tính cách nổi loạn
Có một câu hỏi và câu trả lời trên Zhihu: “Điều gì xảy ra với những người luôn được đánh giá là ngoan ngoãn khi họ lớn lên?”.
Câu trả lời này được đánh giá cao: "Bề ngoài, tôi vẫn cư xử rất tốt, nhưng trái tim luôn muốn nổi loạn. Tôi đặc biệt khao khát hút thuốc, nhảy disco và uống rượu vì đó là những thứ mà cha mẹ cực kỳ phản đối... Một khi có cơ hội thoát khỏi xiềng xích của cha mẹ, tôi đặc biệt muốn thử".
Một số trẻ bị ép làm trái ý mình nhưng không có khả năng phản kháng, đành phải phục tùng, thỏa hiệp. Một khi có khả năng, chúng sẽ nổi loạn với cha mẹ mình để trút bỏ sự bất mãn trong lòng!
Một chuyên gia tâm lý nói: "Quan hệ gia đình căng thẳng, cha mẹ độc đoán, không tôn trọng nhân cách của con cái, không tôn trọng sự dân chủ và các yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập và cuộc sống của con cái".
Gia đình thiếu tình yêu thương không thể có tiếng cười, cha mẹ độc đoán không thể dạy con cái trưởng thành hạnh phúc.
Vì vậy, để con cái được vui vẻ và hạnh phúc hơn, cha mẹ nên làm 3 điều sau:
1. Đừng làm cha mẹ độc đoán
Đừng luôn ép trẻ làm những việc trái với mong muốn của bản thân, hãy tôn trọng suy nghĩ bên trong của trẻ, để trẻ trút bỏ cảm xúc và sự bất mãn.
2. Hướng dẫn trẻ trở thành con người thật của chúng
Hãy khuyến khích con mạnh dạn bày tỏ ý muốn của bản thân và hãy là con người thật của mình. Những đứa trẻ dám bày tỏ nhu cầu thực sự của mình mới có thể tự tin và hạnh phúc hơn.
3. Tạo cho trẻ một môi trường phát triển thoải mái và yêu thương
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường thoải mái và yêu thương mới dám bộc lộ bản chất và thể hiện cảm xúc của mình.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.