Bệnh nhân là Ai Thơi, dân tộc Vân Kiều, sinh năm 2009, ở thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông. Trước đó, cháu Ai Thơi bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân nhưng do vết thương nhỏ, ít đau nhức nên gia đình không theo dõi và không đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Đến ngày 13/7, Ai Thơi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, không ăn uống và sợ gió. Ngày 15/7, gia đình đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông, ngay sau đó được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây các bác sỹ chẩn đoán cháu bị bệnh dại lên cơn. Đến rạng sáng 16/7, bệnh nhân tử vong.
Khi đã phát bệnh dại, hầu như 100% bệnh nhân sẽ tử vong, vì vậy cần tiêm phòng khi bị chó cắn.
Theo Bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ngành Y tế huyện Krông Bông đã điều tra, xác minh ca bệnh tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông và truyền thông trực tiếp cho người dân kiến thức phòng chống bệnh dại trên người. Đồng thời, thông tin cho Trạm thú y huyện Krông Bông phối hợp điều tra, xử lý đàn chó, vận động những người có nguy cơ cao bị bệnh dại (xung quanh gia đình bệnh nhân, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân) tiêm phòng kháng huyết thanh và vắc-xin phòng dại.
Được biết, tính từ đầu năm 2019, đây là trường hợp thứ 2 ở Đắk Lắk tử vong do bệnh dại vì bị chó cắn. Ngành Y tế Đắk Lắk cũng khuyến cáo người dân nếu bị chó cắn cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm kháng huyết thanh và vắc xin phòng dại, đồng thời theo dõi diễn biến sức khỏe để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bệnh dại do virus dại Rhabdovirus gây nên, thường lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn. Loại virus này dễ bị phá huỷ trong các chất dung môi của lipid và có thể bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 70 độ C. Virus dại cũng bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2 - 5%.
Tại Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu, chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo: 3 - 4%. Mỗi năm, nước ta có thêm 50 - 60 ca tử vong vì bệnh dại, đây thực sự là hồi chuông báo động về tình trạng nuôi chó thả rông, không rọ mõm tại Việt Nam.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ; Không phải 100% số người bị cắn đều phát bệnh dại mà có người bị, người không, tùy thuộc lượng virus trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.
Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, do đó người dân cần thực hiện đầy đủ 4 bước quan trọng sau khi bị chó, mèo cắn.
1. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào.
2. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
3. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
4. Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Bộ Y tế khuyến cáo, nếu bị chó cắn, cần theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì cần nhanh chóng đi tiêm càng sớm càng tốt, tiêm kết hợp cùng vắc xin và huyết thanh. Nếu con vật còn sống, cần theo dõi để không tiêm hoặc hoãn tiêm.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.