Muốn con vui vẻ mở lòng nói chuyện thì hãy học thuộc lòng 5 quy tắc sau đây, điều số 1 rất nhiều cha mẹ mắc sai lầm

Nếu thực hiện theo đúng nguyên tắc này, con sẽ luôn hào hứng nói chuyện cùng với cha mẹ.

Nói chuyện với trẻ con - tưởng dễ nhưng thật ra lại rất khó. Bởi vốn hiểu biết về ngôn ngữ của trẻ còn hạn chế, con không thể hiểu hết được những điều mà cha mẹ muốn nói, lại càng không hiểu khi cha mẹ nói nhanh, thông tin rối rắm, hoặc nói vào lúc con không tập trung…

Thế nên, Tiến sĩ Dawn Huebner - một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên điều trị cho trẻ em, đồng thời là tác giả của cuốn sách nổi tiếng What to Do When You Worry Too Much : A Kid's Guide to Overcoming Anxiety (Tạm dịch: Phải làm gì khi con lo lắng quá nhiều: Hướng dẫn dành cho trẻ em để vượt qua sự lo lắng) đã chia sẻ bí quyết muốn nói chuyện với con, cha mẹ hãy học thuộc lòng 5 quy tắc sau đây:

1. Lựa chọn thời điểm để nói chuyện

Mọi người thường lựa chọn thời điểm để trò chuyện với con là vào bữa cơm tối hoặc trước khi đi ngủ. Song, theo Tiến sĩ Huebner đây đều là 2 thời điểm không thích hợp cho cuộc trò chuyện. Vì thứ nhất cả cha mẹ - con cái đều kiệt sức sau 1 ngày dài học tập và làm việc. Thứ hai, có những chuyện con muốn giữ làm bí mật cho mình và chưa sẵn sàng chia sẻ cùng bố mẹ ngay trong ngày.

Muốn con vui vẻ mở lòng nói chuyện, cha mẹ hãy học thuộc lòng 5 quy tắc sau đây - Ảnh 1.

Buổi sáng cuối tuần chính là thời điểm thích hợp nhất để cả nhà trò chuyện cùng nhau (Ảnh minh họa).

Buổi sáng cuối tuần chính là thời điểm thích hợp nhất để cả nhà trò chuyện cùng nhau. Bạn sẽ không phải cau có hối giục con đi học cho kịp giờ, hay bản thân tất bật chuẩn bị đi làm. "Bạn nên biết rằng ngay cả khi trẻ đang ở trong tâm trạng hưng phấn tuyệt vời thì não bộ sau 1 ngày học tập vẫn không thể tiếp nhận thông tin. Do đó, bất kỳ cuộc trò chuyện nào sau 1 ngày dài căng thẳng cũng khiến trẻ trở nên không thoải mái và bị mất ngủ", bà nói.

2. Luyện tập trước khi thông báo một tin gì đó với con

Nếu phải thông báo cho trẻ một thông tin gì đó có thể khiến cho bạn xúc động, chẳng hạn như thú cưng của con đã mất hoặc một người thân trong gia đình bị ốm, thì hãy dành thời gian luyện tập nói thông tin này trước gương, hoặc với chồng/vợ mình.

Tiến sĩ Huebner cho biết rằng điều này sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh và đưa tin theo cách bạn muốn. Bà chia sẻ: "Trẻ em thấy cha mẹ buồn thì không sao, nhưng thái độ của cha mẹ trong cuộc trò chuyện sẽ tạo nên âm hưởng. Vì thế, nếu bạn thổn thức hoặc nói một cách vấp váp, vụng về thì con có thể sẽ cảm thấy sợ hãi".

3. Nói những câu ngắn gọn, dễ hiểu

Muốn con vui vẻ mở lòng nói chuyện hãy học thuộc lòng 5 quy tắc sau đây, trong đó điều số 1 rất nhiều cha mẹ mắc sai lầm - Ảnh 2.
 

Nhà trị liệu tâm lý gia đình, bà Paige Greytok, cho biết những khái niệm phức tạp như chuyển nhà, ly hôn hay cái chết rất khó hiểu đối với trẻ em. Và nếu bạn "nhấn chìm" trẻ trong những thông tin phức tạp, con có thể bị choáng ngợp và ngừng hiểu. Thay vào đó, cha mẹ nên sử dụng những câu ngắn gọn, nội dung đơn giản phù hợp với lứa tuổi của con.

4. Ghi nhận cảm xúc của con

Dạy con gọi đúng tên của cảm xúc là cách giúp trẻ chuyển tâm trạng của mình thành lời nói. Ví dụ, khi đang nói về câu chuyện nào đó, cha mẹ có thể dừng lại và hỏi trẻ: "Nghe như vậy, con có buồn không" hoặc "Con có sợ không?".

Tiến sĩ Huebner khuyên các cha mẹ đừng bao giờ gạt bỏ cảm xúc của con: "Bạn có thể giảm thiểu nỗi sợ hãi lo lắng của con bằng câu "Đừng sợ", "Đừng lo", nhưng bạn hãy nhớ rằng, bất cứ điều gì con đang cảm thấy đều là thật và có giá trị. Trẻ em cần phải "cảm thấy" trước khi có thể chuyển qua việc xử lý cảm xúc và giải quyết vấn đề".

5. Sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của con

Trẻ em là chúa tò mò, thế nên mọi vấn đề đều dễ dàng trở thành đề tài cho con hỏi. Việc của cha mẹ lúc này là hãy lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc của con. Trong trường hợp con hỏi câu khó, cha mẹ hãy thành thật nói với con rằng "câu này bố mẹ không biết. Bố mẹ sẽ tìm hiểu về nó và đến cuối tuần sau, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận lại về vấn đề này".

Có như vậy, trẻ sẽ ngày càng tin tưởng cha mẹ hơn và hào hứng hơn với những buổi nói chuyện cùng gia đình.

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/muon-con-vui-ve-mo-long-noi-chuyen-thi-hay-hoc-thuoc-long-5-quy-tac-sau-day-dieu-so-1-rat-nhieu-cha-me-mac-sai-lam-162200311213013859.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang