Nước mắm
Nước mắm giàu axit amin, ở nhiệt độ cao sẽ mất chất dinh dưỡng và ảnh hưởng chất lượng món ăn.
• Tẩm ướp: nước mắm sẽ làm thịt bị cứng và khô hơn so với khi sử dụng muối, đường để ướp. Khi thịt, cá gần mềm thì mới thêm nước mắm vào rồi tắt bếp.
• Món canh, rim hoặc kho: nên cho mắm vào khi gần tắt bếp. Nếu cho nước mắm trong lúc nấu hoặc ninh quá kỹ, sẽ mất đi các axit amin, đồng thời nước canh có thể bị chua.
Muối
Muối là gia vị nền tảng, giúp tăng vị ngọt, giảm vị đắng cho món ăn.
• Món thịt: muối cho vào giai đoạn tẩm ướp. Món thịt sẽ có hương vị đậm đà và không ảnh hưởng vị ngọt tự nhiên
• Món xào: muối cho cùng lúc với dầu ăn. Cách này được khuyến cáo sẽ loại bỏ 95% độc tố aflatoxin có trong muối. Tuy nhiên, nghiên cứu chứng minh điều này không đúng, không có cơ sở khoa học vì alflatoxin chỉ có trong dầu ăn bị mốc. Muối có thể cho vào lúc tẩm ướp, nêm nếm khi đã xào xong.
• Món canh: nồi canh xương, thịt hay cá và rau củ thì nên ninh một lúc để các chất dinh dưỡng tiết ra. Sau đó nêm muối để tăng vị ngọt tự nhiên từ nguyên liệu.
• Món luộc: muối giúp rau củ luộc tươi xanh, không bị đen thâm sau khi luộc.
Bột ngọt
Bột ngọt giúp món ăn ngon miệng hơn, nhờ vị umami. Ở nhiệt độ cao, bột ngọt có thể biến tính. Thời gian tốt nhất để cho loại gia vị này vào là khi đã tắt bếp.
• Tẩm ướp: hạn chế ướp nguyên liệu với bột ngọt trước khi chế biến, vì món ăn có vị đắng, vừa khó ăn, vừa không tốt cho sức khỏe.
• Món gỏi, trộn: hòa tan bột ngọt trong nước mắm trước, sau đó rưới lên các món trộn.
• Món có vị chua: không nên cho bột ngọt vì những thực phẩm có tính acid cao dễ làm thành phần trong gia vị này thay đổi.
Đường
Đường cân bằng vị mặn, giúp món kho lên màu đẹp.
• Món kho: ướp với ít đường. Đường giúp món cá kho, thịt kho lên màu đẹp hơn. Phân tử đường phản ứng với nhiệt độ cao sẽ sinh ra phản ứng caramel, tạo ra màu nâu cánh gián.
• Món nướng/chiên: ta cũng ướp đường trước cho thấm nhưng đường dễ khét ở nhiệt độ cao, thời gian dài. Để tránh tình trạng cháy khét khi nướng thì bạn phết mật ong (dạng đường đa) khi món ăn gần chín. Hoặc chuẩn bị nước mắm/sốt chua ngọt để chấm kèm, vừa ngon miệng vẫn đảm bảo vị ngọt bạn mong muốn.
Hạt tiêu
Với một số món kho, rán nhiều người có thói quen ướp hạt tiêu vào thực phẩm trước khi nấu để tạo mùi thơm cho món ăn. Tuy nhiên, hạt tiêu nếu nấu ở nhiệt độ cao sẽ nhanh chóng mất mùi thơm, đặc biệt có thể sinh ra chất gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, tốt nhất hãy rắc hạt tiêu sau khi thức ăn đã chín và cho nồi ra khỏi bếp.
Hạt nêm
Bổ sung vị ngọt umami, giúp món ăn ngon miệng hơn. Bột nêm lâu tan hơn các gia vị khác. Vì vậy, nên chờ một lúc cho đến khi hạt nêm tan rồi tắt bếp. Hạt nêm còn vón cục sẽ ảnh hưởng đến mùi vị món ăn.
Không nhất thiết bạn phải là đầu bếp hay thông thạo bếp núc thì mới nấu ăn ngon. Ai cũng có thể vào bếp, chỉ cần sự tò mò khám phá, trái tim yêu thương, vắt theo bí kíp bếp núc là bạn đã bắt đầu hành trình vào bếp rồi đấy!
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.