Dưới đây là chia sẻ của chị Thu Trang (Vĩnh Tuy, Hà Nội) về những rắc rối chị gặp phải khi dùng giấy dán tường thay vì dùng sơn:
Hai vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ chồng trong căn nhà 3 tầng diện tích khoảng 50m2. Tầng 3 nơi chúng tôi ở được xây bằng vật liệu nhẹ với tường thạch cao để giảm sức nặng vì hai tầng bên dưới đều là tường chịu lực (không có cột), đã xây từ lâu.
Đến giai đoạn hoàn thiện sơn sửa nhà, tôi quyết định chọn giấy dán tường thay vì sơn vì thấy có nhiều mẫu mã đẹp, vân nổi sang trọng. Giá thành đắt hơn sơn một chút. Chi phí tổng cộng khoảng 3,5 triệu cho diện tích ở khoảng 22m2 cả tiền công dán (giá năm 2012).
Giấy dán bung ra khiến tường nham nhở. Những vết bẩn trên giấy khó vệ sinh sạch. |
Đến năm 2016, màu sắc của giấy bị phai đi khá nhiều so với màu gốc ban đầu, những vết bám bẩn hiện lên rõ hơn. Giấy tiếp tục bung ra nhiều tại các điểm ghép. Hai vợ chồng đi mua keo chuyên dụng về dán nhưng không ăn thua, chỉ vài ngày lại bung. Tôi phải mua thêm nhiều cuộn băng dính to dán vào những chỗ rách nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn lại đâu vào đấy.Người bán nói rằng lớp giấy dán sẽ bền đẹp tới 10 năm, thế nhưng chỉ 3 năm sau, tại các điểm tiếp giáp giữa các mảnh có dấu hiệu bị bung keo, mép giấy bung ra, vênh lên phía trước. Bé trai đầu lòng nhà tôi khi đó rất nghịch ngợm, thường cậy và xé những chỗ giấy bị vênh ra. Có hôm cháu xé một mảng giấy rất to khiến tôi chật vật đi mua lại. Tôi phải đi tới hàng thứ 5 mới có loại giấy họa tiết giống ở nhà.
Vì nhà đã rất nhiều đồ đạc nên hai vợ chồng quyết định "sống chung với lũ", rách đâu vá đó. Tình trạng càng ngày càng tệ khi nhìn vào, căn phòng chẳng khác gì nhà đi thuê với những mảng tường nham nhở, vết bẩn do các cháu nghịch ngợm không thể lau sạch.
KTS Hoàng Long cho biết tường thạch cao là vật liệu xốp, dễ hút nước, nên khi dùng giấy dán tường dễ xảy ra trường hợp bong tróc, do tấm bị thấm nước, ảnh hưởng đến lớp keo dán. Vì vậy, khi dùng giấy dán phải đảm bảo tường thạch cao không bị thấm ẩm đằng sau.
Giấy dán tường có ưu điểm là nhiều mẫu mã, màu sắc, chất liệu... với các mức giá đa dạng phù hợp với người dùng từ vài chục nghìn tới vài trăm nghìn/m2. Nó cũng khiến chủ nhà dễ dàng thể hiện cá tính, sở thích thông qua loại giấy họ chọn.
Tuy nhiên, nhược điểm của giấy dán tường là khó thay tháo. Ví dụ như khi màu giấy bị cũ đi hay chỗ bị rách, không dễ để tìm đúng mẫu đó trên thị trường. Hay khi giấy bị bong muốn dán lại, phải đánh sạch lớp keo đằng sau, rồi để giấy và bề mặt tường thật khô mới quết lớp keo dán khác. Nếu chọn giấy kém chất lượng, khi bề mặt giấy bị bẩn, ẩm mốc cũng khó vệ sinh sạch được. Trong khi đó, nếu dùng sơn, việc thay màu, hay xử lý vết bẩn dễ dàng hơn nhiều.
Anh Long cho biết giấy dán tường hiện nay thường được sử dụng trong các công trình mang phong cách cổ điển, hoặc tân cổ điển. Còn sơn sẽ được dùng nhiều cho các công trình mang hơi hướng hiện đại, hoặc các vật liệu ốp tường khác như đá hay gỗ...
Theo KTS Hoàng Long, việc dùng sơn hay giấy dán tường thế nào cho phù hợp... phụ thuộc vào thiết kế, vật liệu xây và cả túi tiền chủ nhà.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.