Mỹ, Nhật sống chung với SARS-CoV-2 thế nào? Chia sẻ chi tiết của hai chuyên gia người Việt tại nước ngoài

Nhiều chuyên gia người Việt tại nước ngoài đã có những chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch COVID-19 hiệu quả ở ngay các quốc gia họ làm việc.

Theo TS. BS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Nhật Bản, Đồng sáng lập Dự án Y học cộng đồng, tại Nhật Bản ngay từ năm 2020 khi chưa có vaccine, Chính phủ nước này đã đưa ra yêu cầu sống chung với dịch với công cụ là phong tỏa. "Đây là phương pháp hữu dụng nhất tình hình lúc bấy giờ", BS Quý nói.

"Và công cụ này được chia theo 4 giai đoạn, có khi 5 giai đoạn, tùy tình hình thực tế. Và các chỉ số được Nhật Bản đưa ra rất rõ ràng, họ có hệ thống giám định tỉ lệ dương tính bao nhiêu phần trăm, từ đó tính toán có nên giãn cách xã hội hay không. Đặc biệt Nhật Bản bảo vệ được người già yếu thế rất tốt", BS Quý phân tích.

"Nhật Bản trang bị hệ thống y tế rất tốt, hệ thống giường ICU đảm bảo để phục vụ khi cần thiết. Khi đi cách ly, mỗi bệnh nhân sẽ có một phòng riêng, và ai không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ thì được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Nhật Bản tối ưu hóa được nguồn lực y tế để không làm gánh nặng cho hệ thống y tế".

"Mặc dù việc tiêm vaccine ở Nhật diễn ra chậm do một số nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Giống như ở Việt Nam, số lượng phân bổ vaccine không đồng đều nên mới dẫn đến việc tiêm vaccine bị chậm hơn so vơi dự kiến. Tuy nhiên Nhật Bản tuân thủ khuyến cáo khoa học rất cao, luôn nhấn mạnh người già, người cao tuổi, người có bệnh nền là đối tượng dễ nhiễm COVID-19 nhất nên họ tập trung hoàn toàn vào những đối tượng này, sau đó mới đến các đối tượng sau".

"Như năm ngoái dù chưa có vaccine nhưng Nhật Bản luôn trong tâm thế sống chung với dịch với thái độ hết sức bình tĩnh. Chính phủ cũng có những chính sách an dân hợp lý, luôn lắng nghe đối thoại với dân để người dân được nêu ý kiến của mình, để không ai bị bỏ lại phía sau", BS Qúy chia sẻ.

Còn theo TS.BS Vũ Thị Thu Nga, từ Liên minh vận động phát triển chính sách y tế dựa trên bằng chứng khoa học (EBHPD), nguyên giảng viên Đại học Y Hà nội, TS dịch tễ học từ đại học New South Wales, Australia, ngoài việc nâng cao hệ thống y tế, chúng ta cần ưu tiên tiêm vaccine cho những người yếu thế, nâng cao y tế cơ sở, đảm bảo an sinh xã hội.

"Lấy ví dụ ở Mỹ có bài học rất hay. Chính phủ đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho người dân phụ thuộc vào việc miễn dịch đầy đủ, miễn dịch chưa đầy đủ và chưa được miễn dịch kể cả những trường hợp bị bệnh nền.

Đối với từng trường hợp cụ thể thì nên làm như thế nào trong những bối cảnh khác nhau. Nhiều trường hợp còn tự tin bỏ khẩu trang. Hay những hoạt động ngoài trời, thể dục thể thao họ đều đưa ra hướng dẫn để mọi người dân được làm chủ việc bảo vệ sức khỏe của chính bản thân họ", TS Thu Nga nói.

TS Thu Nga lấy dẫn chứng các nước khác, mặc dù tiêm chủng vaccine rất thành công như Mỹ, Israel,…nhưng vẫn ghi nhận rất nhiều ca nhiễm, chứng kiến làn sóng COVID-19 quay trở lại, cả những nhóm đối tượng đã được tiêm vaccine. Như vậy chúng ta có thể thấy vaccine không phải yếu tố tiên quyết để có thể sống chung an toàn, nhưng không thể phủ nhận nếu không có vaccine thì tỉ lệ nhiễm, tỉ lệ tử vong sẽ còn tăng cao nữa.

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang