1. Đào Nhật Tân
Đào Nhật Tân là một đặc sản của làng hoa Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cứ đến tháng 10 âm lịch hàng năm, người dân phường Nhật Tân lại ra vườn hái lá đào, đưa cây lên chậu chuẩn bị phục vụ tết.
Trồng đào là nghề truyền thống của người dân Nhật Tân. Những năm 1990-1995, diện tích đất đồng của phường này chỉ khoảng 34 ha. Sau năm 1998, người dân chuyển đổi ra ngoài bãi sông Hồng trồng đào và từ đó tới nay phát triển lên khoảng 60 ha.
Hiện giá các cành đào Nhật Tân đang dao động từ 150.000 đồng đến cả triệu đồng tùy kiểu dáng, kích thước. Những cành loại nhỏ có giá từ 150.000-300.000 đồng được ưa chuộng hơn cả.
Bà Nga theo nghề trồng đào hơn 30 năm cho biết trên VnExpress: "Trước kia vườn chỉ trồng một loại đào bích, nhưng nay có 5 loại, được lai tạo, ghép và nhân giống theo yêu cầu thị trường".
2. Đào Thất Thốn
Đào Thất Thốn còn được gọi là đào tiến Vua là loại đào có cây cao hơn mặt đất chỉ chừng khoảng hơn 1m, phải trồng đến năm thứ 3 mới đơm hoa.
Cây ra hoa kép và mỗi tầng hoa đều có 7 cánh, mỗi bông to có đường kính lên tới 4 – 5 cm. Đặc biệt, những bông hoa kép có thể có tới 30 - 50 cánh/bông.
Để sở hữu một gốc đào Thất Thốn với vẻ ngoài xù xì mốc thếch màu thời gian, người chơi thường phải bỏ ra vài chục tới hàng trăm triệu đồng.
Để đảm bảo đào nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán, người trồng đào đã chuyển đào vào trong phòng điều hoà để đảm bảo cho đào có nhiệt độ phù hợp.
Chủ vườn đào thất thốn, ông Lê Hàm (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cho biết trên Nhà báo & Công Luận: "Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều người dân, khách quen không đến tại vườn xem đào, chọn lựa như hằng năm. Thay vào đó, họ đã gọi điện nhờ các chủ vườn chụp ảnh gửi các cây đào qua zalo cho khách xem".
3. Đào phai
Hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ở những thủ phủ đào phai như Đông Sơn (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), Xuân Du (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) những vườn đào đã xuống lá "thay áo", khoe nụ chuẩn bị đón xuân.
Đào phai bông to, cánh nhiều, hoa bền có vẻ đẹp rất riêng.
"Một lứa đào ở Đông Sơn mất khoảng 3 năm mới được thu hoạch. Để trồng được một cây đào phai đẹp, trước hết phải kể đến việc chọn giống đào, cắt ghép mắt và ươm trồng cây đào từ nhỏ; kết hợp với quá trình chăm sóc, bón phân và tỉa tuốt lá vào những thời điểm thích hợp sẽ cho cây đào khỏe mạnh, hoa đẹp…", anh Nguyễn Văn Thành (thôn 4B, xã Đông Sơn) cho hay.
Còn tại Thanh Hóa, ông Hoàng Ngọc Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh cho biết trên báo Lao Động, hiện toàn xã có gần 300 ha diện tích đất trồng đào, ước tính tổng thu nhập từ cây đào của toàn xã đạt khoảng trên dưới 40 tỉ đồng mỗi năm. "Năm nay, nếu đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh COVID-19, xã sẽ xây dựng kế hoạch và mở hội chợ đào để du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng" - ông Sơn chia sẻ.
Mỗi gốc đào phai có tuổi đời từ 2-3 năm tuổi được người dân bán dao động từ 2-5 triệu đồng/gốc.
4. Đào cổ thụ
Những ngày đầu tháng Chạp, các thương lái, chủ vườn đã rục rịch đưa đào cổ thụ xuống phố Hà Nội chào mời khách đến thuê và mua về trưng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Anh Quản Trọng Nghĩa, người bán và cho thuê đào trên đường Lạc Long Quân cho biết trên Báo Giao thông, đào cổ thụ năm nay khá đa dạng về kiểu dáng. Giá cả dao động từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/chậu.
"Hiện tại, chúng tôi đang có 2 tác phẩm giá bán 250 triệu đồng/chậu, cho thuê 200 triệu đồng/chậu. Đây là những gốc đào quý hiếm, tốn công, tốn sức tìm kiếm, săn lùng rồi phải mất thêm nhiều năm chăm sóc, ghép với đào Nhật Tân, tạo thế kỳ công. Đó còn chưa kể những tiểu cảnh đi kèm được họa sĩ thiết kế riêng để tạo điểm nhấn", anh Nghĩa cho hay.
Link gốc: https://giadinh.net.vn/nam-nao-cung-mua-dao-choi-tet-nhung-han-ban-chua-biet-co-den-4-loai-dao-de-lua-chon-172220112170155542.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.