01
MỘT KỲ NGHỈ HÈ THẤP THỎM VỚI CẢ HỌC SINH VÀ PHỤ HUYNH
8 tháng trước, khi kì thi cuối năm còn chưa diễn ra. Sau kì nghỉ 30/4-1/5, cả nước lại bước vào "trận dịch" mới với sự phức tạp và cam go hơn hẳn. Không được chuẩn bị tinh thần, sau một đêm, trường học - công sở - doanh nghiệp lớn nhỏ,... đều nhận được công văn hỏa tốc áp dụng chỉ thị 16.
Bố mẹ làm việc ở nhà, các con ngơ ngác không biết bao giờ mới được quay lại trường để hoàn thiện kì thi cuối năm. Nhà trường thì loay hoay xây dựng kịch bản ứng phó mùa dịch. Một sự hoang mang, hỗn loạn và bất an bao trùm tất cả...
Chưa bao giờ có một kì nghỉ hè nào thấp thỏm đến vậy. Học sinh các cấp hầu hết chưa hoàn thiện chương trình. Học sinh cuối cấp cũng chưa biết mình sẽ thi vượt cấp như thế nào, trong bối cảnh mùa dịch đang ngày càng phức tạp và khó kiểm soát!
Cùng với sự tăng nhanh của các ca F0, chỉ thị 16 tiếp tục được áp dụng không biết ngày nào sẽ kết thúc. Kì thi cuối năm - lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức online trong một nền tảng công nghệ chưa được hoàn thiện và cơ sở vật chất lẫn tinh thần của học sinh và cả phụ huynh chưa được chuẩn bị.
Thế nhưng, chúng ta không thể kéo dài thêm "kì nghỉ hè bất đắc dĩ". Công tác chuẩn bị cho kì thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT ráo riết được thực hiện với tinh thần bảo đảm 5K. Kì thi diễn ra trong những ngày mùa hạ nóng nực, có thí sinh thuộc diện F1 đi thi với bộ quần áo bảo hộ kín mít, có thí sinh đang làm dở bài thi thì gục xuống, sau khi kiểm tra thì phát hiện ra dương tính với Covid làm cả trường thi náo loạn...
Có thể nói, cả thí sinh và đội ngũ giáo viên, giám thị đã có một mùa thi đầy thử thách!
02
GẠT QUA KHÓ KHĂN, THẦY TRÒ CÙNG NHAU BƯỚC TIẾP ĐỂ CÓ MỘT NĂM HỌC HOÀN CHỈNH
Chiến dịch tiêm chủng toàn dân được thực thi, đội ngũ y bác sỹ - giáo viên,... là đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Nhưng việc tiêm chủng cho các học sinh dưới 18 tuổi vẫn còn là dấu hỏi. Thời gian cho năm học mới đã cận kề, dù nền tảng công nghệ còn thiếu ổn định, cơ sở vật chất của nhà trường và mỗi gia đình không đồng đều thì tinh thần chung của ngành giáo dục là năm học vẫn cần phải tiếp tục.
Chưa có tiền lệ, những cuộc tranh cãi về học phí và chương trình học nổ ra khắp các diễn đàn. Phụ huynh các trường tư thục không đồng ý với mức học phí "ngất ngưởng" mà nhà trường đề ra, phụ huynh các trường công lập không có điều kiện chuẩn bị máy móc cho 2-3 đứa con cùng học online…
Khai giảng online vẫn diễn ra dù chất lượng hình và tiếng do đường truyền quá tải nên nhòe nhoẹt, tậm tịt, tiếng được tiếng mất.
Gạt qua những khó khăn, thời khóa biểu cho năm học mới được thực thi, cô giáo soạn bài và dạy online, học sinh học online. Mọi thứ vẫn phải tiến về phía trước và thích nghi với hoàn cảnh. Dù khó khăn, các thầy cô giáo nhìn nhau, lại nhìn vào các đồng nghiệp khối mầm non với ngày tựu trường xa xôi, tự nhủ: "Mình vẫn còn được dạy học là còn may mắn".
Học sinh cũng quen dần với việc mỗi sáng không chạy đến trường nữa mà… đi bộ từ giường ngủ ra nhà tắm, ra phòng bếp rồi quay lại bàn học điểm danh.
03
VẤN ĐỀ ĐAU LÒNG ĐÃ XẢY RA VÀ CHÚNG TA CẦN SOI CHIẾU LẠI MÌNH
Nhưng ở lâu trong 4 bức tường, những trầm uất cũng tăng lên. Bởi trường học không chỉ là nơi dạy học và được học. Đó còn là nơi các con được gặp nhau, tương tác, chia sẻ mỗi ngày. Giờ đây, sự tương tác đó chỉ gói gọn trong chiếc màn hình vô tri. Đến giờ học, các con trật tự nghe giảng. Hết giờ học, các con tắt máy.
Để giải phóng năng lượng, học sinh bắt đầu tìm đến những nền tảng giải trí khác trên máy tính. Và hiện tượng thầy cô cứ giảng, học sinh bật cam nhưng thật ra đang "chìm đắm" vào game hay youtube ở một cửa sổ khác bắt đầu diễn ra ngày càng nhiều.
Thiếu sự tương tác, hạn chế chia sẻ, chỉ có học và học,... - nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra. Mới đây, một em học sinh lớp 6 đã gieo mình từ tầng cao một tòa chung cư ở Hà Nội vì làm bài kém trong kì thi học kì online.
Làm bài thi kém là chuyện bình thường, bị bố mẹ mắng cũng là chuyện tưởng như bình thường. Nhưng làm bài thi online kém trong hoàn cảnh bí bách mùa dịch dường như không còn là chuyện bình thường nữa. Sự ra đi của em học sinh trở thành sự tiếc thương, hối hận tột cùng của gia đình. Và nó cũng là bài học để ngành giáo dục và cha mẹ phải soi chiếu lại mình.
Một năm sắp qua đi! Đây thật sự là một năm đầy thử thách với tất cả chúng ta và với cả ngành giáo dục. Điều đáng nói là, khó khăn vẫn chưa qua, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và cơn bão vẫn vần vũ trên đầu.
Thế nhưng, may mắn thay, mỗi chúng ta dường như đã bớt lo lắng, giảm bất an mà sẵn sàng hơn để tiếp tục đi về phía trước. Dù vẫn chỉ được gặp nhau qua màn hình máy tính, cô trò vẫn chào nhau bằng những câu thăm hỏi động viên và thêm thật nhiều nụ cười. Những lời ca tiếng hát vẫn tiếp tục, những bức tranh vẫn được vẽ, những bài thơ vẫn được gieo vần, những bài toán vẫn được hoàn thành đáp số…
Thêm kinh nghiệm, thêm bài học, chúng ta dường như biết cách động viên nhau hơn, linh hoạt, tương tác nhiều hơn để cùng nhau đi qua sóng gió và hạn chế tối thiểu mất mát. Chứng kiến quá nhiều đau thương, ngành giáo dục và cả mỗi phụ huynh cũng giảm dần kì vọng, để tập trung thực hiện những điều quan trọng nhất.
Đây cũng là cơ hội giúp ngành giáo dục loại bỏ những gì đã lỗi thời, sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và trang bị cho học sinh các kỹ năng mà thế hệ mới cần trong nhiều thập kỷ tới.
https://afamily.vn/nam-song-gio-cua-giao-duc-dich-tiep-dien-tre-van-hoc-online-mua-giong-van-vu-tren-dau-nhung-chung-ta-oi-manh-me-len-ma-buoc-tiep-20211221113721747.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.