Khi trở thành cha mẹ, các bậc phụ huynh sẽ phải học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng trong quá trình chăm sóc con. Nhiều ông bố, bà mẹ than thở giai đoạn mệt mỏi nhất chính là khi con bị ốm, sốt cao. Một số người phân vân không biết có nên đưa trẻ đi khám ngay không hay con có biểu hiện như thế nào mới cần tới bệnh viện.
Các câu hỏi này sẽ được giải đáp chi tiết bởi bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng – Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2, đồng thời cũng là bác sĩ Nhi khoa được nhiều mẹ Việt tin tưởng, yêu mến.
1. Khi nào gọi là sốt?
Sốt được định nghĩa khi nhiệt độ ở hậu môn ≥ 38°C. Bình thường, nhiệt độ cơ thể sẽ dao động trong khoảng 36,6°C – 37,9°C (nhiệt độ hậu môn), cơ thể sẽ đạt được thân nhiệt cao nhất vào buổi tối và thấp nhất vào buổi sáng, do đó chúng ta thường thấy bé hay sốt vào buổi tối hơn.
Trong thực tế lâm sàng, thân nhiệt thường được theo dõi thông qua nhiệt độ đo ở ngoại biên, bao gồm ở trán, tai, hay nách vì tính tiện dụng. Tuy nhiên, kết quả đo được ở những vị trí này thường dao động nhiều hơn khi so với đo ở miệng hay hậu môn. Nhiệt độ đo ở ống tai thường thấp hơn nhiệt độ hậu môn khoảng 0,8°C. Nhiệt độ đo ở trán, nách thường thấp hơn nhiệt độ hậu môn khoảng 0,5°C. Do đó nếu đo ở trán, nách mà thấy lớn hơn 37,5 °C là có sốt.
2. Nên dùng nhiệt kế thuỷ ngân hay điện tử để kiểm tra thân nhiệt cho trẻ?
Câu trả lời là nên dùng nhiệt kế điện tử hoặc thiết bị hồng ngoại mặc dù nhiệt kế thuỷ ngân có độ chính xác cao hơn, nhưng dễ vỡ và gây ngộ độc thuỷ ngân. Việc đo thân nhiệt đúng bằng thiết bị hồng ngoại tại nhà là cực kỳ quan trọng. Nhưng hầu hết chúng ta đều đo sai, nếu chỉ để đầu dò ngay giữa trán + bấm + chờ kết quả. Nguyên tắc của cách đo này là đo nhiệt độ tỏa ra từ động mạch thái dương. Do đó chúng ta phải RÀ theo đường đi của nó (tức là phải di chuyển, không để thiết bị đứng yên một chỗ). Cách đo tốt nhất là để đầu dò phía trên cung mày (có tài liệu nói ngay giữa trán) rồi di chuyển chậm rãi đầu dò theo cung mày đến trước tai và xem kết quả hiển thị trên màn hình. Và để tăng độ chính xác chúng ta có thể đo 2-3 lần rồi lấy trung bình cộng lại các bố mẹ nhé!
3. Khi nào thì cho uống hạ sốt?
Về bản chất, sốt là một phản ứng sinh lý có lợi cho cơ thể, (1) thể hiện qua khả năng tiêu diệt vi khuẩn của cơ thể tăng; (2) hoạt động đề kháng của cơ thể tăng (tăng hoạt động hệ miễn dịch, tăng hiện tượng thực bào, tăng tổng hợp interferon, tăng tổng hợp kháng thể) và (3) giảm lượng sắt tự do trong huyết thanh đồng thời tăng lượng protein gắn sắt, ferritin, từ đó làm giảm sự sinh sản của vi khuẩn do nhiều vi khuẩn cần sắt trong quá trình phát triển. Do đó, về nguyên tắc, chỉ cần hạ sốt khi sốt quá cao hoặc gây khó chịu cho người bệnh. Điều quan trọng vẫn là tìm nguyên nhân gây ra sốt.
Mọi người vẫn hay được dặn dò về con số > 38,5 °C để quyết định uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên để gọi là sốt cao là phải trên > 41,5 °C. Do đó để quyết định uống thuốc hạ sốt chúng ta phải dựa vào tri giác của con, cơn sốt này có gây khó chịu cho con hay không, điều này quan trọng hơn là cứ đi chăm chăm vào con số. Nếu con sốt 38,5 mà vẫn hoạt động, chơi đùa thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục theo dõi con các bố mẹ nhé!
4. Thuốc hạ sốt nào an toàn cho con trẻ?
Thuốc hạ sốt an toàn cho con trẻ nên dùng có thành phần Acetaminophen hay Paracetamol là một. Với liều 10 -15mg/kg/1 lần sử dụng cách 4 -6 giờ. Riêng với bệnh sốt xuất huyết nên dùng liều 10mg/kg/1 lần để tránh nguy cơ tổn thương gan theo khuyến cáo của WHO. Một ngày uống tối đa được 5 lần. Việc cho uống hay nhét hậu môn tác dụng như nhau. Tuy nhiên việc uống hạ sốt sớm hơn khi chưa có chỉ định hoàn toàn không ngăn ngừa được cơn co giật ở trẻ. Do đó các bố mẹ chỉ nên cho con uống thuốc hạ sốt khi có chỉ định mà thôi. Các phương pháp chườm mát hay miếng dán dường như không có hiệu quả.
5. Làm sao giúp nhận diện được đây là cơn sốt nguy hiểm ở trẻ.
Hướng dẫn của NICE đưa ra hệ thống đèn giao thông để gợi ý về sốt nguy hiểm ở trẻ theo thứ tự: đèn đỏ, đèn vàng và đèn xanh. Nếu nằm trong ô đèn vàng và đèn đỏ là nguy hiểm, cần được đánh giá ngay bởi Bác sĩ nhi khoa.
Dấu hiệu nguy hiểm của sốt bao gồm:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt ≥ 38 độ C, > 39 độ C ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi, > 41,5 độ C ở trẻ > 6 tháng tuổi
- Trẻ Sốt trên 5 ngày
- Sốt kèm theo những dấu hiệu rối loạn tri giác, yếu liệt chi, có suy hô hấp như thở nhanh, co giật, thóp phồng, cổ gượng, phát ban trên mặt da.
6. Nếu con sốt ngay trong đêm bố mẹ cần làm gì?
Nếu con bạn dưới 3 tháng tuổi có sốt ≥ 38 độ C, 3 – 6 tháng con sốt > 39 độ C —> đi khám ngay.
Con bạn lớn hơn 6 tháng có sốt nhưng vẫn ngủ ngon, bạn có thể theo dõi qua đêm. Nếu con li bì, rên rỉ, bứt rứt, thở mệt hay co giật —> đi khám ngay.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng là bác sĩ chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM.
Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích.
Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng TẠI ĐÂY.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/nen-dung-nhiet-ke-thuy-ngan-hay-dien-tu-cho-con-khi-be-sot-cao-bo-me-can-nhan-dien-muc-do-nguy-hiem-qua-3-bieu-hien-nay-222021811222845410.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.