Nếu bạn muốn cho con ăn dặm chỉ huy mà sợ hóc nghẹn, hãy đọc bài viết này

Một nghiên cứu quy mô rộng và chuyên sâu tại Anh về nguy cơ trẻ bị hóc, sặc thức ăn khi áp dụng phương pháp ăn dặm chỉ huy đã làm sáng tỏ lo lắng của nhiều cha mẹ.

BLW không làm tăng nguy cơ hóc đường thở ở trẻ

Ăn dặm chỉ huy (BLW - Baby led weaning) là phương pháp được các mẹ Tây lẫn mẹ Việt hưởng ứng vì bé được tự tập cầm đồ ăn, tự quyết định trong việc ăn gì, ăn bao nhiêu. Thức ăn được cắt, thái vừa miếng cho trẻ có thể tự cầm hoặc tự đưa vào miệng với số lượng tùy thuộc mỗi bé.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng vấp phải nhiều ý kiến quan ngại cho rằng khi trẻ tự ăn như vậy, nguy cơ trẻ bị sặc, hóc thức ăn sẽ tăng cao hơn so với các phương pháp khác. Để làm sáng tỏ và giúp cha mẹ an tâm trong việc lựa chọn BLW cho con, các chuyên gia đến từ đại học Swansea University – Thuộc nhóm 30 trường đại học nghiên cứu hàng đầu xứ Wales - Anh, đã công bố kết quả 1 nghiên cứu mở rộng về vấn đề này.

Nghiên cứu được thực hiện với quy mô rộng, trong đó có hơn 1000 trẻ từ 6 tháng tuổi được áp dụng phương pháp ăn dặm chỉ huy BLW - các bé được tự quyết định việc ăn của mình. Kết quả cho thấy, việc trẻ tự ăn và mức độ, tần suất bị hóc thức ăn không hề có mối liên quan nào.

Ăn dặm chỉ huy là phương pháp được nhiều mẹ Việt hưởng ứng áp dụng cho con (Ảnh minh họa).

Nghiên cứu cũng cung cấp thêm bảng câu hỏi cho các cha mẹ có con trong giai đoạn từ 4 đến 12 tháng tuổi. Đây là lúc các bé tập làm quen với thức ăn thô. Bảng câu hỏi điều tra bao gồm các câu hỏi về cách cha mẹ cho bé tiếp cận với thức ăn thô (bé tự ăn bằng tay, được bón thìa hay cả 2), các bé đã bao giờ bị hóc thức ăn chưa, mức độ và tần suất hóc như thế nào, loại thức ăn gây hóc là gì (loại nghiền nhuyễn hay cắt miếng nhỏ).

Kết quả tổng hợp chỉ ra những bé được cha mẹ áp dụng phương pháp BLW không hề có nguy cơ hóc thức ăn gia tăng nào thêm so với trẻ được cha mẹ bón ăn bằng thìa. Các loại thức ăn gây hóc đường thở tựu chung vẫn là đồ ăn trơn, dính hoặc có da.

Một số chỉ dẫn an toàn khi cho bé ăn dặm chỉ huy

Giáo sư - Bác sĩ Amy Brown, chuyên ngành Sức khoẻ trẻ em tại Đại học Swansea đồng thời là tác giả của cuốn sách "Why Starting Solids Matter" cho biết: “Trước đây cũng đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên mới chỉ thực hiện trên một vài nhóm nhỏ. Còn nghiên cứu lần này với quy mô lớn hơn, giúp làm sáng tỏ hơn các kết quả nghiên cứu trước đó. Phương pháp BLW không hề làm tăng nguy cơ hóc, sặc thức ăn dẫn đến tắc đường thở ở trẻ. Tại Anh, Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến nghị cha mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ ăn bốc bằng tay khi trẻ đủ 6 tháng tuổi trở lên.”

Thức ăn cho bé ăn dặm BLW cần được nấu mềm, hình thức sao cho bé dễ cầm nắm và đưa vào miệng.

Ông cũng nói thêm rằng phương pháp BLW trở nên phổ biến không chỉ tại Anh mà trên khắp thế giới cách đây 10 năm, mặc dù vẫn còn nhiều bậc cha mẹ bày tỏ lo lắng về sự an toàn của phương pháp này đối với các bé. Ông cũng đưa ra một số hướng dẫn an toàn khi cha mẹ cho trẻ ăn thô. Ví dụ: Khi ăn dưa hấu, thay vì cắt thành khoanh, miếng thì cha mẹ thái lát mỏng cho trẻ ăn để giảm nguy cơ trơn, tuột vào cổ họng trẻ gây ra hóc. Với chuối, cha mẹ cũng nên đưa bé cả quả để cắn thay vì cắt nhỏ thành từng miếng tròn, dễ gây tắc đường thở của trẻ. Các loại thực phẩm khô, có chất dính cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hóc, cha mẹ nên lưu ý khi cho trẻ ăn.

Bà Brown nhấn mạnh: “Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên cho bé tiếp cận thức ăn thô để bé dần làm quen và rèn luyện kĩ năng ăn cho trẻ thay vì áp đặt bắt trẻ ăn thật nhiều”. Thức ăn nên phong phú và đa dạng, không nên chỉ tập trung vào 1-2 món. Sữa vẫn là nguồn thức ăn quan trọng của trẻ và nên duy trì đến khi bé được 12 tháng tuổi. Cha mẹ nên chuẩn bị cho bé loại thức ăn dễ cầm nắm và để bé tự cầm thức ăn rồi cho vào miệng chứ không nên để sẵn thức ăn vào miệng trẻ. Để trẻ tự quyết định vẫn là tiêu chí hàng đầu của BLW.

BLW là cơ hội cho bé khám phá thế giới và phát triển các kĩ năng (Ảnh minh họa).

Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng nếu bé bày bừa thức ăn bởi chơi với đồ ăn cũng là 1 kinh nghiệm giúp bé phát triển đầy đủ các giác quan cảm giác, vị giác và các kĩ năng vận động thông qua việc nhặt thức ăn, nếm, nhai… Thời gian cho bé cũng có thể linh hoạt chứ không nhất thiết cố định, cha mẹ có thể cho bé tham gia cùng với bữa ăn gia đình để tăng mối liên kết giữa bé với các thành viên.

Nguồn: Huffpost

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang