Thói quen của một người chính là hình ảnh thu nhỏ tính cách của người ấy. Khi não bộ hình thành thói quen, chế độ chu kỳ hoạt động của vi mạch não bộ sẽ là: Hoạt động, nghỉ, hoạt động. Mẫu hành vi được thiết lập và liên tục được củng cố, để thay đổi nó vô cùng khó khăn, giống như người ta nói: "Ban đầu chúng ta tạo ra thói quen, sau đó thói quen sẽ tác động lên chúng ta".
Nếu giúp con phát triển những thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ, sau khi vào tiểu học, trẻ có thể học tập dễ dàng và đạt điểm cao. Khi vào cấp 2, cấp 3, điểm số dễ đạt xuất sắc, vào được đại học yêu thích, từ đó có một cuộc sống rực rỡ.
Một bà mẹ cho biết, sau khi các con đi học, chị luôn quan tâm đến thói quen học tập. Đồng hành cùng các con nhiều năm, chị phát hiện ra rằng: Muốn con mình có thành tích học tập tốt thì trước hết phải phát triển những thói quen tốt.
Cụ thể, nếu cha mẹ quan tâm kỹ 3 điều ở lớp 1 và lớp 2, con sẽ biết ơn bạn sau này.
1. Tập trung
Sự tập trung là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ. Có thể không có khoảng cách giữa một số trẻ ở lớp 1 và lớp 2, nhưng sự chênh lệch sẽ rất rõ ràng ở lớp 3.
Để rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ, cha mẹ có thể cùng con chơi trò chơi: Mê cung, câu đố, tìm lỗi sai… hoặc yêu cầu con hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian giới hạn. Có thể đặt ra một số phần thưởng để trẻ có động lực tham gia hơn.
2. Đọc buổi sáng, viết buổi tối
Sau một đêm ngủ ngon, cơ thể và não bộ con người có năng lượng dồi dào, đồng thời cũng là thời điểm tốt nhất cho trí nhớ, đây là thời điểm hoàn hảo để đọc.
Bạn có thể tham khảo cách làm của bà mẹ này:
Cứ mỗi ngày 20 phút, chị cho con học một bài viết nhỏ khoảng 300 chữ. Con sẽ đọc to, diễn cảm, ghi lại những câu, từ hay vào một cuốn sổ ghi chép nhỏ để học thuộc lòng và tích lũy tư liệu. Con cũng được hướng dẫn phân tích cấu trúc câu.
Buổi tối, chị cho con tiếp tục bắt chước để viết và mở rộng bài văn hay đã đọc vào buổi sáng. Điều này không chỉ khắc sâu trí nhớ mà qua việc được thực hành lặp đi lặp lại, trẻ cũng sẽ dễ dàng nắm vững phương pháp và kỹ năng làm Văn. Trong quá trình học, không chỉ cảm quan ngôn ngữ của trẻ được nâng cao mà tư duy đọc hiểu, logic cũng được mở rộng.
Hai nhà nghiên cứu tâm lý học Pam A. Mueller của Đại học Princeton và Daniel M. Oppenheimer của Đại học California (Los Angeles, Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu so sánh việc ghi nhớ của học sinh qua máy tính và ghi chép.
Họ phát hiện rằng viết ra giấy giúp người học nhớ lâu hơn là vì khi viết ta phải cử động tay chậm hơn khi gõ, bộ não có đủ thời gian để phân tích và lưu trữ thông tin cần nhớ. Trong khi gõ chữ trên máy tính hoặc đọc nhẩm thì lại rất nhanh, não chưa kịp phân tích thông tin của câu trước, tay đã gõ xong nhiều câu tiếp theo.
Cha mẹ cũng có thể giúp các con ghi nhớ bài tốt hơn bằng cách ngồi nghe trẻ "giảng lại bài" đã học. Cha mẹ có thể đặt một số câu hỏi để khuyến khích con đặt vấn đề: "Tại sao?". Lưu ý rằng khi con hỏi, cha mẹ không được trả lời một cách chiếu lệ, qua quýt. Hãy dành thời gian giải thích cặn kẽ để con hiểu vấn đề.
Đồng thời, cha mẹ cho trẻ tham gia thảo luận với người lớn và hỏi ý kiến trẻ trong quá trình thảo luận như: "Con sẽ làm gì nếu như gặp sự cố này?", "Con nghĩ gì về điều này?",… Khi trẻ đưa ra phương pháp, hãy để trẻ giải thích lý do chọn lựa và thực hiện như vậy.
3. Ý thức tốt về thời gian
Nhiều trẻ làm bài tập về nhà chậm, đi học muộn xuất phát từ việc chưa nắm được khái niệm thời gian. Cha mẹ hãy mua đồng hồ cho trẻ, dạy trẻ nhận biết kim giờ, kim phút, kim giây.
Hãy cùng trẻ lên thời gian biểu hợp lý, đặt thời gian hoàn thành công việc như: "Ăn trong bao lâu?", "Vệ sinh cá nhân trong bao nhiêu phút?", "Bài tập này giải quyết trong mấy tiếng?",… Bên cạnh đó, cha mẹ hãy đặt ra chính sách khen thưởng và kỷ luật tích cực để đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Nhờ đó, trẻ có thể nhanh chóng hình thành khái niệm về thời gian, đặt nền móng giúp nâng cao hiệu quả học tập sau này.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.