Người ta thường chúc nhau con cái ngoan ngoãn, nghe lời. Tất nhiên ở vai trò là phụ huynh, đây là những ước mong và mục tiêu chính đáng. Có những bố mẹ tự hào vì con nói gì nghe đó, không dám phản kháng lại lời người lớn, biết đón ý người khác để được khen ngợi. Tuy nhiên trên thực tế, việc kìm nén cảm xúc thực khiến bề ngoài trẻ trở nên ngoan ngoãn, hiểu chuyện nhưng kỳ thực bên trong lại ẩn chứa nhiều tiêu cực. Câu chuyện của nam sinh dưới đây là một ví dụ.
Ngày 14/10/2022, Hồ Hâm Vũ, học sinh trường trung học ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) mất tích. Cuối tháng 1/2023, thi thể của em được phát hiện. Các cơ quan công an kết luận Hâm Vũ tự vẫn.
Một số ghi chú của Hồ Hâm Vũ để lại cho thấy cậu hướng nội và dịu dàng, cô đơn, quan tâm đến ý kiến của người khác. Nam sinh này cũng thiếu sự hỗ trợ về mặt tinh thần và thường có suy nghĩ trốn tránh thế giới. Gặp vấn đề về học tập, Hâm Vũ cũng tự mình gặm nhấm, không muốn làm phiền ai.
Nhiều người nhận định, nguyên nhân vụ tự tử có thể xuất phát từ vấn đề tâm lý. Hồ Hâm Vũ vốn có tính cách hướng nội, quá quan tâm đến nhận xét của người khác. Kết quả học tập sa sút, căng thẳng kéo dài, Vũ dần trở nên trầm cảm.
Trên thực tế, trẻ vị thành niên bị gò ép cảm xúc quá mức khi lớn lên có thể gặp các vấn đề về tâm thần. Chúng cũng có thể trở thành những người nổi loạn, khó cân bằng cảm xúc, thậm chí rối loạn nhân cách...
Để tránh con cái rơi vào bi kịch tương tự, chúng ta cần chú ý đến việc nuôi dưỡng thế giới quan và giá trị toàn diện hơn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Chú ý, nếu con có 3 nét tính cách này cần quan tâm để cải thiện và cân bằng:
1. Trong mắt người ngoài, quá hiểu chuyện và biết cư xử. Thực ra bên trong luôn che giấu cảm xúc thật của mình.
2. Tính cách quá hướng nội. Rất nghe lời cha mẹ và thầy cô, nhưng hiếm khi chia sẻ, tâm sự.
3. Cực kỳ quan tâm đến cảm xúc của người khác, tính cách dễ hài lòng.
Đừng mong con... quá ngoan
Trong seri phim truyền hình Mỹ ăn khách có tên "13 Reasons Why" (tạm dịch: 13 lý do tại sao), kể về một cô bé 16 tuổi tên Hannah. Hannah là một nạn nhân của bạo lực học đường. Cô bé bị cô lập trong lớp học, bất lực trước những đòn tấn công từ bạn bè, cuối cùng lựa chọn cách tự tử để giải thoát khỏi những chuỗi ngày đau khổ.
Bố mẹ của Hannah rất sốc trước cái chết của con gái mình. Trong mắt họ, Hannah là một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ, về nhà đúng giờ, biết phụ giúp gia đình… Chính vì những biểu hiện "con vẫn ổn" như thế này mà bố mẹ cô bé không chú ý tới những thay đổi tâm lý của con gái, cuối cùng dẫn tới bi kịch.
Nhiều người vẫn cho rằng con cái không vâng lời cha mẹ là hư đốn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, một đứa trẻ quá ngoan ngoãn và quan tâm quá nhiều đến cảm xúc của người khác thường có khả năng tự làm tổn thương chính mình nhất.
Một khi những đứa trẻ như thế này chán học hay gặp thất bại, chúng rất dễ rơi vào cảm xúc phủ nhận bản thân. Hơn nữa, trẻ cũng tương đối kém trong việc thích nghi với môi trường. Bởi vì luôn muốn làm hài lòng những người xung quanh mà tạo áp lực cho chính mình.
Trong nhiều gia đình, không ít em bé được khen ngợi ngoan ngoãn, luôn làm mọi cách để lấy lòng người khác, để được khen ngợi. Từ quan điểm xã hội, đây cũng là một loại năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài, những đứa trẻ này có thể hình thành tính cách thiếu trung thực.
"Những đứa trẻ ngoan ngoãn sẽ lớn lên thành những người lớn biết vâng lời. Họ ít có khả năng đứng lên bảo vệ bản thân và dễ bị lợi dụng hơn. Họ cũng có xu hướng chỉ làm theo mệnh lệnh mà không thắc mắc và không có ý thức trách nhiệm cao về hành động của mình", tiến sĩ tâm lý Laura Markham (Đại học Columbia) chia sẻ.
Có quan niệm rằng nuôi dạy một đứa con ngoan ngoãn và vâng lời là mục tiêu cuối cùng của bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, thay vì làm những gì ta nghĩ là tốt nhất cho đứa con của mình ở hiện tại, hãy cho chúng hành trang vững chắc vào tương lai: Những kỹ năng, những sự lựa chọn, sự lắng nghe, chú ý và tình yêu thương từ trái tim.
Người trưởng thành một cách lành mạnh cần có các mối quan hệ cởi mở, không sợ hãi với điều xấu, mặt tối, sự phức tạp và có tham vọng của chính mình. Họ chấp nhận rằng không phải mọi thứ khiến chúng ta hạnh phúc cũng sẽ làm vừa lòng người khác hay được xã hội vinh danh là "điều tốt việc hay". Điều quan trọng hơn cả là khám phá và theo đuổi những gì khiến ta hạnh phúc.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.