Doki Doki Literature Club – Game kinh dị tâm lý với cốt truyện sởn da gà
Doki Doki Literature Club (Câu lạc bộ văn học) là một game visual novel được phát triển và ra mắt bởi Team Salvato vào ngày 22/9/2017. Trong game, người chơi sẽ được đặt tên và nhập vai một nam sinh để tham gia câu lạc bộ văn học của trường. Nam sinh sau đó làm quen và sáng tác thơ để lấy lòng các nữ sinh.
Với thiết kế và phong cách hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu, nhiều người khi tải game lần đầu đều tưởng đây là một game hẹn hò, kết bạn thông thường. Nhưng thực tế khi đi sâu vào nội dung, Doki Doki càng khiến người chơi rợn gáy bằng những hình ảnh kinh dị, ngôn từ bạo lực và đặc biệt là những thông tin gây ám ảnh.
Trong Doki Doki Literature Club, nam chính được mời bởi người bạn thời thơ ấu của mình, Sayori - một cô gái vui vẻ, hòa đồng tham gia vào câu lạc bộ văn học của trường. Ở đó, nam sinh gặp các thành viên với những tính cách khác nhau trong câu lạc bộ: Natsuki (thích cạnh khóe, tính nhanh nhẹn), Yuri (bẽn lẽn và nhút nhát), chủ tịch CLB Monika (cầu toàn).
Nam chính bắt đầu tham gia vào các hoạt động của câu lạc bộ như viết, chia sẻ thơ và gần gũi với các cô gái hơn. Cao trào của game xảy ra khi câu lạc bộ này phải chuẩn bị cho kỳ lễ hội trường, cũng là lúc những bí mật được hé lộ.
Nhân vật Sayori đột ngột bày tỏ mình bị trầm cảm, luôn nghĩ đến cái chết và thấy cuộc đời vô nghĩa. Sayori tỏ tình với nam chính và bắt anh phải chọn lựa.
Ngày hôm sau, Sayori đột ngột không đến trường, bài thơ của cô trở nên u tối và ám chỉ đến cái chết. Nam chính lo lắng đến tìm Sayori sau giờ học và phát hiện cô đã treo cổ.
Game đột ngột kết thúc tại đây rồi tự động "restart". Màn hình chính của game bất ngờ không còn Sayori nữa. Những dữ liệu, màn chơi trước về nhân vật biến mất hoàn toàn. Tên và hình ảnh của Sayori liên tục bị lỗi và không nhìn thấy được, thay vào đó người chơi buộc phải tương tác với những cô nàng khác nhiều hơn để từ từ nhìn thấy góc tối của họ.
Nhân vật Monika thường có những lời nói bóng gió rùng rợn như "Thật vui vì cậu vẫn chưa chạy khỏi chúng tôi!" hay bất ngờ bị giật lắc, chen ngang hay thậm chí đứng chắn khung thoại của những nhân vật còn lại. Đoạn hội thoại tranh cãi của các cô gái cũng trở nên gay gắt hơn, đôi lúc gần như điên loạn.
Nhân vật Yuri dịu dàng ban đầu từ từ hé lộ bản chất là một kẻ bị tâm thần và gây sởn da gà với những câu thoại máu me, giết chóc. Natsuki lại dần bộc lộ quá khứ đầy đáng sợ về người cha bạo hành cùng thứ phức cảm trái đạo đức với cha mình, sau đó là sự chiếm hữu quá đà mà cô ta dành cho nhân vật nam chính.
Từ một tựa game hẹn hò, kết bạn, Doki Doki dần trở thành cơn ác mộng với người chơi.
Những tình tiết kinh dị khiến người chơi lạnh tóc gáy
Nhân vật Monika chính kẻ đứng sau toàn bộ mọi chuyện, cố gắng triệt tiêu các nhân vật khác để người chơi chỉ chọn mình, đồng thời giam giữ người chơi trong tình yêu biến thái của cô.
Điều khiến Doki Doki gây ám ảnh là bởi nhân vật trong game dần trở nên quyền năng hơn cả người chơi. Nhiều người chơi ghi nhận, khi họ dùng thiết bị quay phim hay livestream trực tiếp các màn chơi thì ở đoạn cuối cùng, Monika sẽ chào cả những người đang theo dõi màn chơi từ đầu đến giờ.
Cách duy nhất để kết thúc game là chúng ta phải quay trở ra và xóa hẳn file game của Monika khỏi thư mục cài đặt của máy.
Chưa dừng lại ở đó, còn nhiều bí mật khác mà người chơi đang dần dần khám phá thêm trong game. Chẳng hạn như nếu vừa cài xong game mà ta lập tức xóa file của Monika ra khỏi máy, game sẽ khởi động bình thường nhưng khi vào game, Sayori sẽ la hét rồi ngay lập tức bị treo cổ chết. Màn hình với cảnh cô bé treo cổ cứ đứng yên cho tới 10 phút và một dòng chữ nho nhỏ sẽ hiện ra "Now everyones can be happy" (Bây giờ tất cả mọi người có thể hạnh phúc).
Nếu bạn vào thư mục game, đổi đuôi file của các file game Sayori, Monika, Natsuki, Yuri thì lần lượt: Sayori.ogg sẽ cho ra một đoạn âm thanh la thét thất thanh, Monika.png và Natsuki.png là hai hình ảnh quái đản, còn Yuri.txt cho ra một đoạn mã mà sau khi giải code bằng Base64, nó sẽ dẫn thẳng đến đường link kể về câu chuyện một cô gái sát nhân 19 tuổi.
Kết thúc hạnh phúc duy nhất của game chỉ hoàn thành khi người chơi có thể mở toàn bộ các route mà Sayori vẫn chưa tự sát, lúc đó 3 cô gái kia sẽ biến mất để lại Sayori làm Trưởng câu lạc bộ. Lúc này, Sayori sẽ nói lời cảm ơn với người chơi vì "đã ở lại đến lúc cuối cùng".
Cô biết mọi thứ sắp kết thúc và người chơi sẽ rời đi, nhưng câu lạc bộ cùng các cô gái của vẫn sẽ chờ đợi một ngày nào đó người chơi quay lại.
Quá ám ảnh với nội dung game, một cậu bé 15 tuổi tự tử
Mặc dù được cảnh báo là "không dành cho trẻ em hoặc những người dễ cảm thấy lo lắng" đồng thời yêu cầu người chơi xác nhận độ tuổi trên 13 nhưng Doki Doki vẫn không thể ngăn những ám ảnh kinh hoàng của nó đến người chơi.
Cậu bé Ben Walmsley 15 tuổi sống tại Manchester, Anh đã tự sát vào tháng 2/2018. Nguyên nhân cái chết liên quan đến tựa game Doki Doki. Dù không có bằng chứng nào cho thấy Doki Doki là nguyên nhân trực tiếp khiến Ben tự tử nhiều bạn học cho biết, cậu bé thay đổi tâm tính hẳn sau khi chơi game này.
Thậm chí, Ben từng gửi một số tin nhắn rùng rợn y những lời thoại trong Doki Doki đến bạn bè. Chẳng hạn như: "Tại sao tôi lại tồn tại trên cõi đời này?".
Cảnh sát Anh sau đó đã lên tiếng cảnh báo mọi người về trò chơi anime trực tuyến này. Jude Holmes – Thanh tra viên từ Phòng Cảnh sát Bảo vệ Công cộng Greater Manchester phát biểu: "Chúng tôi tin rằng trò chơi này là một mối nguy hại đối với trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương về mặt tâm lý và bất kỳ ai có bệnh lý về thần kinh.
Tôi mong phụ huynh kiểm tra các trang web con họ đang sử dụng thường xuyên hơn, vì các trang web như trò chơi này không bị gắn cờ bởi bức tường lửa thông thường".
Bố mẹ cần làm gì để bảo vệ con khỏi các tựa game độc hại?
Trước vụ việc của Ben, từng có nhiều trường hợp trẻ có hành vi bạo lực như đánh bạn học, thậm chí giết người bởi ám ảnh các tình tiết, nội dung trong game.
Khi các vụ việc đau lòng xảy ra, phụ huynh không thể đổ lỗi cho game bởi nhà phát hành đã ra khuyến cáo về độ tuổi cũng như dạng người chơi. Điều phụ huynh cần làm, đó là quản lý con em mình thật kỹ, theo dõi sát sao, đồng thời ngăn chặn ngay nếu con chơi những loại game không phù hợp. Một số điều bố mẹ cần làm để bảo vệ con như:
- Đảm bảo rằng game không phải là hoạt động chính hoặc hình thức giải trí yêu thích của con mình. Hãy cho con được tham gia các hoạt động bổ ích như đọc sách, thể thao,…
- Không cho con tự do truy cập, tải các trò chơi trên máy tính.
- Bố mẹ nên là người đưa ra quyết định loại game nào nên và không nên được cài đặt. Trẻ nghiện game luôn thích những trò chơi dành cho lứa tuổi trưởng thành (game bạo lực hoặc game nhập vai trực tuyến). Vì vậy phụ huynh nên biết cách đánh giá và phân loại game.
- Nếu có điều kiện, bố mẹ hãy dành hẳn 1 máy tính cho trẻ học tập và 1 máy để giải trí. Trên máy tính học tập, bố mẹ không cài bất cứ game nào và chặn tất cả các trang mạng xã hội. Điều này để tránh con lén chơi game lúc học.
- Bố mẹ cần hạn chế thời gian chơi game của con, đồng thời không lắp đặt máy tính riêng trong phòng con.
Bố mẹ có thể sử dụng cài đặt "Parental Control" để kiểm soát nội dung game và thời gian chơi game của con. Cài đặt hiện diện trên tất cả các bảng điều khiển của game hiện đại.
Link bài gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/neu-thay-con-dang-choi-game-doki-doki-bo-me-het-suc-canh-giac-boi-tung-co-cau-be-tu-tu-vi-noi-dung-qua-am-anh-222020819238355.htm
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.