Cùng với hình ảnh thành phố hiện đại và sôi động bậc nhất Việt Nam, Sài Gòn còn lưu lại ấn tượng về vùng đất chứa nhiều sông ngòi, kênh rạch. Những dòng hải lưu liên tục chảy trôi như nhịp sống hối hả của thành phố.
Sài Gòn không ngừng vận động và biến đổi, để mỗi dịp ghé thăm miền đất “ngọc Viễn Đông”, người ta lại thêm một lần trầm trồ trước những cái đẹp mới mẻ và lạ lẫm. Vượt xa khỏi những thương xá sầm uất, phố đi bộ huyên náo của khu trung tâm hay những góc chung cư in hằn dấu vết nhiều thập niên xưa cũ, Sài Gòn của ngày nay còn hiện diện từ một góc nhìn mới – từ trên chiếc xe buýt chạy đường sông.
Ra mắt vào cuối năm 2017, xe buýt đường sông của Sài Gòn thực tế là cách gọi mỹ miều cho một loại tàu thủy. Thường khi nhắc tới tàu thủy, người ta hay nghĩ đến con tàu cưỡi sóng to biển lớn, di chuyển từ đất liền ra đại dương hay giữa những bến tàu của một vùng biển rộng. Còn với xe buýt đường sông, hành khách đơn thuần di chuyển giữa các bến nội đô và ngoại thành, chừng 10 phút lại tấp vào một bến. Tên gọi “xe buýt” có lẽ từ đó mà ra.
Từ ngày xuất hiện, xe buýt đường sông mau chóng góp tên dự phần vào danh sách phương tiện giao thông tại thị thành bận rộn. Thay vì chen chúc trên đường phố gần như lúc nào cũng kẹt xe, nhiều người lựa chọn ngồi tàu để đi làm, đi học ở những địa điểm cách bến tàu không quá xa.
Với nhiều người dân bản địa và đặc biệt là du khách từ xa ghé tới, xe buýt đường sông lại là một trải nghiệm đưa họ khám phá Sài Gòn từ một điểm nhìn mới mẻ. Thông thường, hành khách hay lựa chọn đón tàu từ bến Bạch Đằng ở Quận Nhất, xuôi xuống bán đảo Thanh Đa – nơi cách đó hai trạm dừng với thời gian di chuyển chừng hơn 15 phút.
Các bến tàu được thiết kế đồng bộ, đơn giản với tông trắng, nhiều cửa kính, ngập nắng mà vẫn đón gió mát rượi, khá giống với các bến tàu tại Hong Kong dù diện tích khiêm tốn hơn rất nhiều. Các chiếc xe buýt trên sông chứa được chừng 50 khách, được thiết kế thoáng đãng và quét dọn sạch sẽ. Kiểu dáng của chúng nhang nhác với tàu thủy nối liền hai thành phố biển Hong Kong và Macau, tất nhiên là kích thước chỉ bằng một phần nhỏ.
Xe buýt đường thủy ở Sài Gòn luôn khởi hành đúng giờ, không đợi chờ ai, cũng không trễ nải để bắt ai phải đợi chờ. Người già, trẻ nhỏ hay ưa thích các hàng ghế trong lòng thuyền, nơi tạo cảm giác an toàn mà nắng vẫn dịu dàng len qua từng ô cửa để chạm tới. Những người trẻ trung lại thích “ké cẩm” một góc nhỏ bên ngoài boong, nơi họ thỏa sức hòa mình vào gió sông mát lành và ngắm nhìn lớp lớp sóng tung bọt trắng xóa bên mạn thuyền.
Chiếc “xe buýt” đặc biệt lững lờ trôi trên sông Sài Gòn, nhẹ nhàng lật mở từng khung cảnh đẹp đẽ hai bên bờ sông. Nhưng khu chung cư kiểu cũ, những xóm nhà cổ tuổi đời hàng chục năm hòa lẫn với nhiều khu đô thị, công viên hiện đại mới hiện hữu trong một thập niên trở lại, phản ánh diện mạo đặc trưng của thành phố.
Hành khách dạo chơi xe buýt đường sông hay được nhân viên tại bến tàu gợi ý dừng chân tại bến Thanh Đa, bởi khoảng cách giữa hai bến tàu không quá xa, mà Thanh Đa lại là một điểm dừng chân êm đềm hiếm có giữa Sài Gòn.
Được mệnh danh là nông thôn giữa thành thị, khu bán đảo này còn lưu giữ hàng dãy chung cư của thập niên 1980 – 1990 với nhiều đồng cỏ xanh mướt và những con đường rộng rãi tựa như ở một miền quê chưa bị đô thị hóa can thiệp. Xe cộ thưa thớt, đời sống chậm rãi trôi qua, người lớn thảnh thơi đi dạo, chuyện trò, trẻ con hồn nhiên chạy nhảy, thả diều.
Nếu ngồi tàu lâu hơn nữa, lạc trôi về những bến tàu ngoại ô, có lẽ sẽ còn có nhiều khung cảnh tuyệt đẹp hơn như thế trải ra trước mắt. Rời khỏi những không gian đóng khung trong vẻ xô bồ, Sài Gòn hiện lên ung dung và trữ tình đến lạ từ góc nhìn của những chiếc xe buýt trên sông.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.