Grant Sabatier đã đạt tới trạng thái độc lập tài chính và bắt đầu nghỉ hưu ở tuổi 30. Ngoài ra, anh đã trở thành một triệu phú tự thân sau 5 năm với 1,25 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng). Để đạt được số tiền tiết kiệm này, Sabatier cho biết anh đã thành công nhờ thực hiện chiến lược gồm 7 bước của mình.
Theo Sabatier: “Kế hoạch của anh thành công vì nó được tối đa hóa tất cả các lĩnh vực tài chính. Mỗi bước đi đều được xây dựng gối nhau và dựa vào nhau mà phát triển. Nên nếu kiên trì áp dụng trong khoảng thời gian dài, tôi đảm bảo bạn sẽ sở hữu nhiều tiền hơn mức mà bạn từng tưởng tượng.
Bạn cũng có thể áp dụng những điều mà bạn cảm thấy phù hợp với bản thân trong số những gợi ý dưới đây mà vẫn đạt được hiệu quả. Bởi lẽ, cách làm này có thể được thay đổi, mở rộng và sử dụng vô thời hạn".
Bước 1: Tính toán số tiền cần có để đạt được tự do tài chính
Theo Sabatier, đây có thể là số tiền được bạn đặt ra với mục đích giúp bạn thoát khỏi cảnh nợ nần hoặc tiền tiết kiệm đủ để nghỉ làm hai năm và du lịch khắp nơi hay thậm chí là đủ để bạn sống đến cuối đời mà không cần làm việc.
Con số này có thể được xác định bằng cách tính chi phí dự kiến một năm rồi nhân với 25 hoặc 30.
Một số nguyên tắc khác cần thực hiện gồm: Bảo đảm các khoản tiền gốc để đầu tư, tăng thời hạn của quỹ khẩn cấp (lượng tiền mặt tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống bình thường nếu có việc đột xuất xảy ra) từ 6 tháng đến 12 tháng.
Bước 2: Tính toán tài sản ròng
Khi đã tính ra số tiền ở mục 1, tiếp theo bạn cần tính giá trị tài sản ròng của mình bằng cách lấy tổng tài sản (tiền mặt, các khoản đầu tư, bất động sản, xe cộ hoặc bất cứ thứ gì có giá trị) trừ đi những khoản nợ phải trả (vay mua xe, thế chấp và nợ bạn bè, người thân).
Hãy tính xem tài sản ròng của bạn đã đạt tới mức nào của con số cần để đạt trạng thái tự do tài chính. Từ đó tiếp tục tiết kiệm và đầu tư, tài sản ròng của bạn sẽ tiếp tục tăng và dần tiến tới mục tiêu đã đề ra.
Bước 3: Thay đổi cách suy nghĩ về tiền bạc
Theo Sabatier, nếu cứ tiêu tiền theo cách bạn cảm thấy thoải mái thì sẽ không tiết kiệm được nhiều tiền như bạn đáng ra có thể. Hãy xây dựng nền tảng tài chính vững chắc dựa trên ba yếu tố: Thu nhập, tiết kiệm và chi tiêu.
Vấn đề với hầu hết các lời khuyên tài chính cá nhân là chỉ tập trung chủ yếu vào việc làm thế nào để giảm chi phí và tăng tiền tiết kiệm.
Trên thực tế, bạn cần tối đa hóa tiềm năng của cả ba yếu tố trên. Khi giảm chi phí đồng thời tăng thu nhập, bạn sẽ có nhiều tiền hơn để tiết kiệm hoặc đầu tư. Từ đó, tỷ lệ tiền tiết kiệm cũng sẽ tăng.
Bước 4: Ngừng lập kế hoạch chi tiêu và tập trung vào những thứ có tác động lớn tới khoản tiết kiệm
Tuy việc theo dõi chi tiêu là tốt nhưng bạn không nên dành quá nhiều thời gian cho nó. Thậm chí, điều này còn kìm hãm mọi người khỏi việc tiết kiệm và kiếm thêm tiền.
Sabatier thậm chí còn so sánh việc lên kế hoạch chi tiêu với ăn kiêng: "Càng cảm thấy tội lỗi, bạn lại càng không có khả năng gắn bó lâu dài với nó. Bạn sẽ nghĩ rằng cách này thật không hiệu quả và cuối cùng sẽ từ bỏ.
Thay vì cắt giảm các khoản chi tiêu lặt vặt, bạn nên kiểm soát những khoản đáng kể nhất là nhà ở, phương tiện đi lại và thực phẩm. Việc này giúp tăng tỷ lệ tiết kiệm lên ít nhất 25%".
Bước 5: Kiếm nhiều tiền hơn từ công việc toàn thời gian
Khi làm tốt điều này, bạn sẽ đạt được số tiền đã đề ra trong vài năm. Cách tối đa hóa tiền lương tốt nhất chính là chứng minh năng lực bản thân và yêu cầu tăng lương.
Nghe có vẻ khó thực hiện nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được nếu chuẩn bị tốt mọi thứ. Việc thương lượng mức lương mong muốn cũng quan trọng không kém bởi nó có khả năng tạo ra khoản chênh lệch trong thu nhập của mỗi người.
Bước 6: Đa dạng hóa thu nhập
Việc thu tiền từ những công việc khác ngoài công việc chính sẽ giúp bạn nâng cao tài chính cá nhân và tiến tới hoàn thành mục tiêu tự do tài chính. Sabatier đưa ra ví dụ về JP Livingston, người đã nghỉ hưu sớm ở tuổi 28 với khoản tiền trị giá 2 triệu USD và hơn 60.000 USD/năm nhờ kiếm thêm từ việc viết blog.
Bước 7: Đầu tư càng nhiều, càng sớm và thường xuyên càng tốt
Sabatier cho rằng: "Khi đầu tư, tiền của bạn sẽ tạo ra tiền mà bạn không cần sử dụng sức lao động của mình. Đó là một hình thức đem lại thu nhập thụ động hiệu quả.
Bạn nên tách biệt mục tiêu đầu tư ngắn hạn và dài hạn cũng như đưa ra con số cụ thể để đầu tư vào từng khoản trong từng thời kỳ. Một điều quan trọng là hãy nghiên cứu thật kỹ và thận trọng khi đầu tư để tránh thất thoát không đáng có".
Theo wbur
Link báo gốc: https://phunuvietnam.vn/nghi-huu-nam-30-tuoi-voi-so-tien-tiet-kiem-hon-28-ty-dong-trieu-phu-tu-than-chia-se-bi-quyet-chi-7-buoc-don-gian-222020187191326167.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.