Ngưng hỏi "Con muốn làm gì khi lớn lên?", bố mẹ hãy nói "Con có thể làm bất cứ điều gì con giỏi"

Hỏi trẻ con những gì chúng muốn về sau có thể mang tới một sự kỳ vọng quá lớn và áp lực khiến con không bao giờ tìm kiếm được sự thỏa mãn. Biết đâu, nó chính là khởi nguồn của sự thất vọng và mất dần niềm tin.

"Con muốn làm gì khi lớn lên?"

Khi còn nhỏ, tôi cũng khá sợ câu hỏi này. Đơn giản vì bản thân quá mông lung và không bao giờ có được một câu trả lời chắc chắn. Người lớn thì dường như có vẻ dễ thất vọng nếu con cái họ mơ ước trở thành những hình mẫu quá viển vông, kiểu như siêu nhân hay một phi hành gia. Có một giai đoạn, câu trả lời được rập khuôn với những ngành nghề hết sức cơ bản trong xã hội và dễ làm hài lòng các phụ huynh: giáo viên, bác sĩ, công an... Nếu lỡ có đứa trẻ nào nói con muốn làm nghề quét rác, chắc...

Trước khi vào đại học, bố tôi là người giúp mình hướng nghiệp và lựa chọn công việc với những phân tích hợp lý, dẫu rằng khi đó nghề mình học còn chưa ai dạy ở Việt Nam và bản thân ông cũng không hiểu biết sâu sắc về nó. Nhưng nhìn bạn bè đi học, và tới tận khi ra trường, tôi nhận ra nhiều người gặp khó khăn thật sự với lựa chọn nghề nghiệp của họ.

Một bài báo rất thú vị trên New York Times về cùng chủ đề này được viết bởi một nhà tâm lý học người Mỹ cho mình thấy một cái nhìn rất khách quan. Ông cũng gặp chung nỗi sợ khi bị người lớn hỏi về chuyện mình muốn làm gì khi lớn lên. Ông tin rằng việc hỏi một đứa trẻ chúng muốn làm gì sau này sẽ tạo ra MÂU THUẪN.

Ngưng hỏi Con muốn làm gì khi lớn lên?, bố mẹ hãy nói  Con có thể làm bất cứ điều gì con giỏi - Ảnh 1.

Với một đứa trẻ, trước khi trả lời được câu hỏi đó chúng phải tự xác định được về bản chất công việc. Khi ai đó hỏi trẻ con việc chúng muốn làm về sau, hình như khó chấp nhận hơn nếu như chúng trả lời chúng muốn trở thành một người cha, người mẹ, ở một mình hoặc một người tử tế. Nhiều cha mẹ làm con cái họ tin rằng giá trị quan trọng nhất là sự thành công. Một số khác thì đơn giản hơn, đó là sự quan tâm và biết yêu thương người khác. Khi chúng ta xác định bản thân bằng công việc của mình, vô tình giá trị của chúng ta phụ thuộc vào những gì chúng ta đạt được.

Quay trở lại với câu chuyện những người bạn hồi đại học. Tôi biết nhiều bạn trong số những học viên khi ấy cảm thấy lạc lõng và bối rối với chính lựa chọn của mình. Và thực tế là dù có nhiều bạn đi làm thêm cả từ khi học cho tới khi ra trường, trải qua những vấp ngã và kinh nghiệm, cuối cùng nó vẫn không phải là một nghề nghiệp khả thi và phù hợp với họ. Không phải ai cũng có những năng lực và sự đam mê giống như nhau, kể cả khi đã ngồi chung một lớp. Có lẽ, thay vì nói với một đứa trẻ con phải làm nghề a nghề b khi lớn lên, hãy nói với con sự thật, rằng: "Con có thể làm bất cứ điều gì con giỏi, miễn là có người thuê con".

Giấc mơ nghề nghiệp thời thơ ấu với thực tế sau đó hiếm khi song hành được với nhau. Nhiều bạn sinh viên đại học cảm thấy việc tìm kiếm công việc lý tưởng làm họ lo lắng, căng thẳng, choáng ngợp và chán nản. Đa phần không hài lòng với những gì họ đã nghĩ hay tưởng tượng.

Ngưng hỏi Con muốn làm gì khi lớn lên?, bố mẹ hãy nói  Con có thể làm bất cứ điều gì con giỏi - Ảnh 2.

Hạnh phúc là thực tế trừ đi những kỳ vọng. Nếu càng cố gắng tìm kiếm sự thỏa mãn hạnh phúc, bạn lại càng thất vọng. Khi kỳ vọng thấp đi, chúng xóa đi khoảng cách giữa những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta có. Thay vì vẽ một bức tranh màu hồng của nghề nghiệp, có lẽ nên tìm hiểu trước thực tế và những mặt trái của nó, những câu chuyện ẩn đằng sau. Hứng thú chắc sẽ bớt đi, nhưng ít ra chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn và ít có ý nghĩ từ bỏ nó.

Oprah từng nói điều này vô cùng đúng: "Không phải lúc nào công việc cũng khiến bạn hài lòng".

Tất nhiên, các bạn trẻ và bọn con nít, vẫn nên nhắm vào các mục tiêu cao hay những ước mơ lớn. Nhưng, hãy để những khát vọng đó lớn hơn việc chỉ chăm chăm tìm hay gọi tên một công việc. 

Hỏi trẻ con những gì chúng muốn về sau có thể mang tới một sự kỳ vọng quá lớn và áp lực khiến con không bao giờ tìm kiếm được sự thỏa mãn. Biết đâu, nó chính là khởi nguồn của sự thất vọng và mất dần niềm tin. Thay vào đó, hãy giúp con suy nghĩ về loại người mà con muốn trở thành - và về tất cả những điều khác nữa mà con có thể làm trong khả năng có thể. Chỉ có bạn mới biết con mình là ai, chúng như thế nào, có thể làm được gì và làm tốt nhất việc gì.

Đã đi làm, đừng mang tư tưởng "miếng bánh": Chỉ biết so đo công sức với tiền lương, có việc thì tránh, lười biếng, tư duy nhỏ nhoi!

 

Theo Tri thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang