Vua Mansa Musa, người cai trị đế chế Mali vào thế kỷ 14 vốn nổi tiếng khắp thế giới nhờ sự giàu có và thói quen chi tiêu hoang phí của mình. Ông được coi là người giàu nhất lịch sử nhân loại và sở hữu khối tài sản lớn ngoài sức tưởng tượng.
Ngay cả "siêu tỷ phú" ngày nay như nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos với khối tài sản ước tính khoảng 131 tỷ USD cũng không thể so sánh với sự giàu có của vị vua của này.
Theo tạp chí Time, Vua Mansa Musa "giàu hơn bất cứ ai có thể miêu tả" và tài sản của ông lớn hơn rất nhiều so với người giàu thứ hai nhân loại, Hoàng đế La Mã Augustus Caesar với tài sản ước tính trị giá 4.600 tỷ USD.
Chân dung người giàu nhất lịch sử nhân loại, Vua Mansa Musa. |
Các nhà sử học cho biết của cải của Vua Mansa Musa dồi dào đến nỗi chỉ riêng số vàng mà ông ban phát cho người nghèo trong một chuyến đi đến Cairo đã khiến thị trường vàng tuột dốc 12 năm mới có thể phục hồi và suýt phá hủy nền kinh tế Ai Cập. Tuy nhiên, thói quen chi tiêu không kiểm soát và sự hào phóng quá tay của Musa đã phần nào dẫn tới sự suy tàn của vương quốc.
Musa trở thành người cai trị đế chế Mali năm 1312 sau khi Vua Abu-Bakr II mất tích trong một chuyến thám hiểm Đại Tây Dương. Mansa Musa lên ngôi vào thời điểm các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với nội chiến và tình trạng thiếu hụt tài nguyên. Trong khi đó, nền kinh tế của Mali lại đang phát triển mạnh nhờ trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn, đặc biệt là vàng.
Dưới sự cai trị của Musa, đế chế vốn dĩ thịnh vượng này đã mở rộng gấp ba lần diện tích của mình. Ông cũng sáp nhập 24 thành phố trong đó bao gồm trung tâm thương mại quan trọng Timbuktu.
Khi đế chế ngày càng phát triển, sự giàu có của Musa cũng vậy. Theo Bảo tàng Anh, trong thời gian trị vì của ông, Mali sở hữu gần một nửa số vàng của Cựu thế giới (các phần của Trái Đất được người châu Âu biết đến trước khi Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ năm 1492, bao gồm: châu Âu, châu Á, châu Phi và các đảo bao quanh).
Mãi đến năm 1324, thế giới bên ngoài mới biết đến sự giàu có không ngờ của Musa, một tín đồ Hồi giáo sùng đạo, khi ông bắt đầu hành hương đến thánh địa Mecca của người Hồi giáo ở Ả Rập Saudi. Đoàn tùy tùng của ông gồm 60.000 người gồm quan chức triều đình, binh lính, người điều khiển lạc đà… cùng 12.000 nô lệ hầu hạ.
Đoàn tùy tùng gồm hàng chục nghìn người trong cuộc hành hương đến thánh địa Mecca của Vua Musa. |
Đoàn người của Musa mang theo hàng chục tấn vàng cũng như một đàn dê và cừu lớn để làm thức ăn. Ibn Khaldun, một nhà sử học ở thời đó đã hỏi chuyện một trong những người tham gia cuộc hành hương của nhà vua và kể lại rằng "mỗi lần dừng lại, Musa đều chiêu đãi đoàn tùy tùng bằng những loại thực phẩm và bánh kẹo quý hiếm".
Đến Cairo, Musa đã ngay lập tức cho mọi người thấy sự kiêu ngạo của mình. Sau khi được mời đến gặp quốc vương Ai Cập là al-Malik al-Nasir, ông đã từ chối bởi điều đó đồng nghĩa với việc ông phải quỳ xuống hôn đất và bàn tay của quốc vương.
Trong suốt thời gian ở Cairo, Musa tiếp tục tiêu xài một cách hào phóng. Ông ban phát vàng cho người nghèo ở Cairo và dù đây là hành động có thiện chí nhưng nó đã làm giảm giá trị của vàng ở Ai Cập khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn. Thậm chí, phải mất đến 12 năm sau quốc gia này mới phục hồi được.
Các nhà sử học ước tính đoàn hành hương của Musa đã chi tiêu tổng cộng hết 12,3 tấn vàng và sự mất giá của vàng đã dẫn đến thiệt hại trị giá khoảng 1,5 tỷ USD trên khắp khu vực Trung Đông. Trên đường về, Musa đã cố gắng hỗ trợ nền kinh tế Ai Cập bằng cách mua lại một phần vàng mà ông đã cho đi trước đó nhưng với giá cắt cổ.
Vua Mansa Musa chỉ tập trung vào xây dựng nhà thờ Hồi giáo và trường học mà ít quan tâm đến việc xây dựng quân đội tinh nhuệ.
Trở về từ Mecca, Musa đã đưa về một vài học giả Hồi giáo bao gồm hậu duệ trực tiếp của nhà tiên tri Muhammad, một nhà thơ và kiến trúc sư Abu Es Haq es Saheli. Có thông tin cho biết nhà vua đã trả cho nhà thơ 200 kg vàng tương đương với 8,2 triệu USD ở thời điểm hiện tại.
Mansa Musa được ghi nhận là người có công xây dựng nhiều nhà thờ Hồi giáo công phu nhất lịch sử và một số trong đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra, ông còn xây dựng nhiều trường học, thư viện và biến Timbuktu thành trung tâm giáo dục.
Vua Mansa Musa qua đời năm 1337 ở tuổi 57 và truyền ngôi cho con trai là Mansa Maghan. Tuy nhiên, vị vua trẻ tuổi đã không thể duy trì sự giàu có và nền hòa bình của Mali. Cuối thế kỷ 14, đế chế Songhay đã đem quân đánh chiếm Mali do muốn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của nơi này. Đến cuối thế kỷ 15, Mali trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Sự xuất hiện của người châu Âu đã đánh dấu sự chấm hết cho đế quốc Mali thịnh vượng một thời.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.