Một ngày đầu tháng 7 âm lịch, chị Trần Thị Cẩm Bào (sinh năm 1974, ở Hoàng Mai, Hà Nội) mắt chợt nhòe đi khi cô con gái nhỏ chạy lại ôm mẹ từ phía sau. Con bé thủ thỉ: “Vậy là thêm một mùa Vu Lan nữa con còn có mẹ. Con cảm ơn mẹ”. Đối với chị, với chồng và với cô con gái 11 tuổi này, đó chính là điều hạnh phúc nhất. Chẳng phải điều gì thật lớn lao, chỉ là khi chị - sau 6 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư - vẫn ở đây để cho con gái có được cảm giác còn có mẹ mỗi ngày.
Hạnh phúc của con là vẫn còn có mẹ ở đây mỗi ngày. Ảnh: Hà Quyên. |
“Mẹ bị ốm, bố phải vào viện với mẹ”
Một ngày cuối năm 2012, Phạm Phú Cẩm Anh tròn 5 tuổi. Khi con ngồi xem phim, anh Phạm Trung Tâm bước vào thông báo: “Mẹ bị ốm. Bố phải vào viện với mẹ. Con ở nhà ngoan nhé”. Cẩm Anh gật đầu mà không biết rằng đó chính là ngày mẹ của mình chính thức trở thành bệnh nhân ung thư.
Trong tâm thức một đứa trẻ 5 tuổi chỉ có thể nghĩ mẹ đang bị sốt hay một bệnh gì tương tự. Vài hôm mẹ sẽ về. Trong nhận thức của con về cuộc sống, chưa có cái gì mang tên ung thư và có căn bệnh nào đó có thể cướp mất người mẹ của mình.
Chẳng khó để anh Tâm thu xếp cho con gái ở nhà một mình bởi ngay từ nhỏ, cô bé đã sớm là một đứa trẻ tự lập, không mè nheo như những đứa trẻ khác.
Ở viện, chị Cẩm Bào được thông báo mắc căn bệnh gây tổn thương nhất ở một người phụ nữ - ung thư vú. Căn bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Bác sĩ giải thích căn bệnh chị mắc ở thể bộ ba âm tính, lúc này có tới 10/20 hạch di căn. Đây là một thể bệnh di căn tái phát cao, đáp ứng thuốc thấp. Điều đó có nghĩa cơ hội cho chị không còn nhiều.
Hít một hơi thật sâu, chị Cẩm Bào cảm ơn bác sĩ rồi bước ra khỏi căn phòng. Đến bây giờ, chị vẫn không thể mô tả nổi cảm xúc lúc đó là thế nào.
“Cuối năm 2012, khi tắm, tôi phát hiện vùng da ở ngực có màu hồng, nghĩ rằng có chuyện chẳng lành, nên tôi đến bệnh viện để thăm khám. Đến hôm sau tôi nhận được kết luận của bác sĩ là bị ung thư vú giai đoạn 2. Đó là ngày 15/12/2012”, chị chỉ nhớ chi tiết ấy.
Ngồi trong khuôn viên bệnh viện, Cẩm Bào dùng tất cả sự tỉnh táo nhất có thể để hình dung về cuộc sống của mình. Chị đang giữ trọng trách quan trọng của một tạp chí nổi tiếng. Đây là nơi chị đã dành cả sự nhiệt huyết để cống hiến. Chị đang có cô con gái 5 tuổi với người chồng hết mực thương yêu. Tất cả đều đang cần chị.
“Không được, mình không được gục ngã”, chị tự nhủ. “Chỉ mất mấy giây, tôi đã lấy lại sự can đảm. Ngay từ thời điểm bắt đầu ấy, tôi chưa bao giờ sợ hãi”, chị Cẩm Bào nói về thời điểm bắt đầu.
Chị thông báo với chồng một cách điềm tĩnh: “Em bị ung thư, giờ em sẽ thu xếp để bắt đầu điều trị”. Đó là cách chị bắt đầu cuộc chiến với ung thư. Còn anh, cũng bắt đầu từ đó, trở thành người bạn đồng hành tuyệt vời nhất bên cạnh chị.
Hai ngày sau, Cẩm Bào vào viện điều trị. Các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn phần ngực phải của chị. Sau 6 đợt hóa chất và 25 mũi xạ trị, tháng 7/2013, chị ra viện khi chỉ còn một bên vú nhưng bác sĩ điều trị gọi chị là người chiến thắng khi căn bệnh đã được kiểm soát với kết quả ổn định.
Mẹ còn sống là vì con, cho con có được nụ cười ấy. Ảnh: HQ. |
“Con không muốn tìm mẹ trên bầu trời”
“Khi 5 tuổi, con chưa biết thế nào là ung thư. 2 năm sau, khi lớn hơn, con đã hỏi mẹ về căn bệnh. Hai mẹ con đã tâm sự. Bắt đầu từ đó, con biết ung thư không chỉ là những cơn sốt như từng nghĩ. Con biết mẹ đang vất vả vì nó”, Cẩm Anh nói.
Đối với Cẩm Anh, mẹ còn là một người bạn thân nhất. Cô bé bắt đầu mường tượng đến một ngày căn bệnh cướp mẹ đi mãi mãi. Điều đó trở nên chân thật hơn bao giờ ở thời điểm bác sĩ thông báo các khối u đã bắt đầu di căn sang xương chậu phải - thời điểm mẹ Cẩm Bào nằm liệt giường suốt 5 tháng ròng rã.
“Con không muốn mỗi ngày đi học về phải tìm mẹ trên bầu trời. Con muốn mẹ ở đây, bên con mỗi ngày”, cô bé nói với người mẹ đang bị căn bệnh ung thư dày vò.
Chỉ vì câu nói ấy, người phụ nữ tưởng chừng không thể qua khỏi đã bừng tỉnh.
“Lúc đó, tôi nghĩ mình không phải là người đau khổ, mà người đau nhất chính là những người còn ở lại. Mình nằm như vậy thì sẽ giải quyết được gì. Mình phải tự ngồi dậy”, chị Bào rơm rớm nước mắt.
Hướng mắt về chiếc xe lăn nơi góc phòng, chị Cẩm Bào thừa nhận đó là thời gian khó khăn nhất đối với mình. Lần thứ 2 trong đời, chị phải tập đi để có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình thêm một lần.
Chỉ sau 5 tháng, sức khỏe của chị Cẩm Bào đã dần bình phục lại, chị có thể đi trở lại bằng chính đôi chân của mình.
Vào mùa Vu Lan năm nay, chị là người giữ kỷ lục với 60 lần truyền hóa chất, chỉ cách nhau 21 ngày một lần để kiểm soát tình trạng di căn. Ngay cả bác sĩ điều trị cho chị cũng không khỏi thán phục bởi hiếm ai chịu được số lần hóa trị như chị.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chia sẻ bệnh nhân ung thư khi điều trị hóa chất phải đối mặt với muôn vàn tác dụng phụ: lở mồm long móng, ù tai, mẩn ngứa toàn thân, lở loét phụ khoa, rụng tóc... Sau mỗi lần truyền, hóa chất khiến họ không ăn nổi, có người ôm toilet cả đêm, toàn thân đau mỏi. Do vậy người bệnh nhân khi điều trị di căn là một quá trình nan giải.
“Người bệnh sẽ kiệt quệ về mặt tâm lý, sức khoẻ để theo đuổi quá trình điều trị. Hiếm ai có thể chịu đựng đến mũi 60 như Cẩm Bào. Và chị ấy sẽ còn phải tiếp tục như đã từng”, anh nói.
“Tôi sống được là kỳ tích, vì những bệnh nhân ung thư cùng điều trị với tôi ngày đó đã ra đi rất nhiều. Bản thân chứng kiến đồng bệnh ra đi là một nỗi vô cùng xót xa”, chị Cẩm Bào ngậm ngùi.
“Tôi sống được là kỳ tích, vì những bệnh nhân ung thư cùng điều trị với tôi ngày đó đã ra đi rất nhiều", chị Cẩm Bào tâm sự. |
“Ai nói ung thư là chấm hết?”
Từng đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, nếm trải đủ đau đớn của một bệnh nhân ung thư, nhưng đối với chị Cẩm Bào, suốt 6 năm, chưa bao giờ ung thư là dấu chấm hết của cuộc đời mình.
Đều đặn mỗi ngày, chị thức dậy vào lúc 4h sáng để tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm nước. Đó là cách chị chăm sóc bản thân và gia đình nhỏ của mình. 6h chị rời khỏi nhà để vào thăm, giúp đỡ những người đồng bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - nơi chị đang điều trị suốt 6 năm qua - rồi mới lên cơ quan làm việc. Trưa chị lại tranh thủ quay về viện tiếp tục công việc thiện nguyện. Nếu bỏ qua phần đầu chưa kịp mọc tóc của chị, sẽ không một ai nghĩ đây là một bệnh nhân ung thư. Chị còn giàu năng lượng hơn bất cứ người khỏe mạnh nào khác.
Nữ nhà báo là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những bệnh nhân ung thư. |
Suốt 6 năm, chị luôn coi bệnh nhân ung thư như người thân của mình để cùng chia sẻ, giúp đỡ những lúc khó khăn. Chị đã thực hiện nhiều chương trình như trao quà, phát cơm từ thiện, tặng tóc, xe lăn cho các bệnh nhân ung thư khắp các viện. Thường xuyên tâm sự, tìm hiểu về đời sống của những bệnh nhân khác trong viện, hễ thấy ai có hoàn cảnh khó khăn, chị không ngại đi kêu gọi các tấm lòng từ thiện, hảo tâm để họ có thêm chi phí chữa bệnh.
Cũng chính vì tấm lòng với đồng bệnh, dù là người xây dựng “Thư viện tóc góc cười cuộc sống” để giúp bệnh nhân tự tin hơn khi nhìn chính bản thân mình và cuộc sống nhưng bản thân chị chưa một lần đội tóc giả.
“Tôi làm như vậy là muốn gởi đến những người đồng bệnh một thông điệp rằng trong cuộc sống khi mình gặp biến cố nên tìm một lối rẽ mới. Trong những cái không hoàn hảo ta vẫn tìm vẻ đẹp rất hoàn hảo để thấy được đẹp tâm hồn đẹp nhân cách mới là đẹp đích thực.
Tôi không quan trọng số lượng ngày sống, mà chỉ quan trọng ý nghĩa và chất lượng của một ngày sống, do vậy còn một ngày tôi sống, tôi luôn mong mỏi những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vơi đi nhọc nhằn”. Với tâm niệm ấy, suốt những năm qua, dù bản thân mang bệnh, nhưng người phụ nữ này vẫn luôn mạnh mẽ, truyền nghị lực sống cho những bệnh nhân ung thư khác.
Điều ý nghĩa hơn thảy đối với chị là con gái Cẩm Anh nay đã bước vào năm học lớp 6. Dù còn nhỏ, nhưng bé đã sớm có những suy nghĩ chín chắn và tấm lòng nhân hậu. Không chỉ đồng hành cùng mẹ trong những chuyến thiện nguyện, Cẩm Anh còn ấp ủ và thực hiện các dự án của mình để giúp bệnh nhân ung thư.
Gần nhất, Cẩm Anh cùng các bạn trong lớp đã thực hiện quyên góp và trao quà cho 100 bệnh nhi ung thư tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
“Con từng buồn khi mẹ mắc căn bệnh ung thư. Nhưng những năm qua, mẹ chưa bao giờ để con phải thiệt thòi vì điều ấy. Chính mẹ là người đã truyền đam mê cho con. Với con, mỗi năm còn có mẹ trong lễ Vu Lan là điều tuyệt vời nhất”, Cẩm Anh nói.
Theo news.zing.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.