Gần 2 năm trôi qua, dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề cả về cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân trên hầu khắp thế giới. Dù đã rất nỗ lực thực hiện các biện pháp, bao gồm cả tiêm vaccine, hạn chế tiếp xúc, thậm chí là "đóng cửa" ở yên trong nhà... thì đến nay dường như thế giới vẫn chưa làm chủ được tình hình, loay hoay đối phó với từng "cơn sóng" Covid-19 ập đến.
Những tuần gần đây, châu Âu lại trở thành điểm nóng Covid-19 bởi sau một thời gian nới lỏng các biện pháp hạn chế thì số ca nhiễm mới lại tăng chóng mặt, bệnh viện quá tải đồng nghĩa với việc số ca tử vong cũng tăng lên. Giống như các quốc gia thuộc liên minh châu Âu, nước Đức cũng đang gồng mình chống dịch, đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm tăng cao. Trong 24 giờ qua, Đức là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 nhiều nhất châu lục, với 59.266 ca, trong đó 230 ca tử vong.
Chúng tôi đã liên hệ với một số người Việt hiện đang sống ở Đức để biết thêm về tình hình và cuộc sống nơi tâm chấn đại dịch Covid-19 của thế giới.
Lo lắng nhưng vẫn lạc quan để vượt qua
Chị Đoàn Mai Trâm, hiện đang sống ở Stuttgart, tiểu bang Baden-Württemberg (Đức), cho biết hiện tại tình hình Covid-19 ở Đức quả thực đang diễn biến khá phức tạp, số ca nhiễm tăng cao nhất từ trước đến nay. Vào thời điểm hiện tại, trên toàn nước Đức, có gần 60.000 ca nhiễm và hơn 200 người tử vong mỗi ngày. Hầu như các khu vực đều bị ảnh hưởng tương đương nhau. Bệnh viện các nơi đều đang quá tải.
Về biện pháp hạn chế nhằm giảm số ca lây nhiễm, một số bang đã áp dụng nguyên tắc 2G (chỉ nới lỏng với người đã tiêm và đã khỏi bệnh) nhưng chưa phải toàn nước Đức. Ở Đức hiện tại, mỗi tiểu bang tự quyết định nguyên tắc phòng tránh dịch. Và tiểu bang Baden-Württemberg nơi chị Trâm sống vẫn còn giữ nguyên tắc 3G (tức là cho phép cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được tham gia dịch vụ). Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang họp và các nguyên tắc có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Chị Trâm cũng cho biết cho tới nay, các hàng quán, cửa hiệu vẫn mở cửa và hoạt động bình thường. Người dân phải đeo khẩu trang khi vào các nơi đó đồng thời luôn giữ khoảng cách 1,5m, thường xuyên rửa tay kháng khuẩn, nếu muốn ngồi lại các quán ăn hoặc vào các cửa hiệu mua sắm thì phải tuân thủ nguyên tắc giãn cách an toàn.
Bên cạnh đó, các trường học ở khu vực nơi chị Trâm sống vẫn được hoạt động, các cháu vẫn đi học bình thường với điều kiện phải đeo khẩu trang khi đến trường. Các bạn nhỏ cũng được test nhanh 3 lần/tuần để kịp thời phát hiện các trường hợp dương tính.
Nếu có 1 ca dương tính thì trường học không đóng cửa, các cháu vẫn được đi học và phải thực hiện test mỗi ngày, trong 5 ngày liên tiếp. Nếu số ca dương tính cao hơn 20% trong vòng 10 ngày thì cả lớp mới phải cách ly. Nói chung các luật lệ này thay đổi theo từng ngày, tùy thuộc vào tình hình.
Dịch bùng lên đúng vào dịp sắp đến Giáng Sinh nên ai cũng quan tâm liệu năm nay có phải đón Giáng sinh trong ảm đạm. Chị Trâm nói: "Nhà mình ở vùng ven thành phố lớn nên chị vẫn chưa cảm nhận được không khi Giáng sinh. Tuy nhiên, ở các thành phố lân cận, nơi nào cũng có chợ Giáng sinh (nếu không có dịch). Có dịp đi chợ vào trung tâm, mình thấy người ta bày bán đủ các món đồ để trang trí cho Giáng sinh rồi. Dự tính năm nay vẫn sẽ có chợ Giáng sinh nhưng chưa có quyết định chính thức từ các nhà chức trách. Nếu tình hình chuyển biến quá xấu có thể sẽ bị hoãn lại".
Một số nơi đã rục rịch trang trí Giáng Sinh.
Bày tỏ quan điểm cá nhân về đợt bùng dịch này, chị Trâm chia sẻ: "Mỗi đợt dịch bùng lên người dân đều lo. Lần đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện thì khỏi nói, lo lắng lắm, dù rằng con số ca nhiễm lúc đó không đáng kể so với hiện tại. Nhưng lần này thì lại lo lắng kiểu khác, lo vì mọi người được tự do đi lại thoải mái, trẻ con vẫn đi học và các hoạt động ngoại khóa như đàn, nhảy, thể thao... khả năng lây nhiễm rất cao. Mình vẫn phải đi làm mỗi ngày và phải tiếp xúc với đồng nghiệp".
Để bảo vệ bản thân và gia đình, các con trong đợt dịch này, chị Trâm cho biết: "Ngoài các nguyên tắc như đeo khẩu trang, rửa tay kháng khuẩn, thì mình quan tâm hơn trong thực đơn mỗi ngày của gia đình. Tăng cường ép nước trái cây, nhất là nước cam cho cả nhà uống. Hạn chế đi lại những nơi đông người. Theo dõi các triệu chứng của các thành viên trong gia đình, vì hiện tại bên Đức cũng đang có dịch cúm, dịch nôn và các loại bệnh khác cũng khá nguy hiểm khi mùa đông đến. Một số bệnh khác cũng có triệu chứng như Covid-19 nên nhiều khi nhiễm bệnh mà không biết là bệnh gì. Thế nên phải đặc biệt chú ý, để lỡ có nhiễm bệnh thì kịp thời phát hiện và tránh lây lan cho người khác".
"Dù có những mối lo sợ, nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra và chưa có sự thay đổi nào quá lớn. Bởi mọi nơi người người vẫn đi lại, công ty, hàng quán, chợ các nơi đều vẫn đang hoạt động bình thường", chị Trâm nhấn mạnh.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn
Còn bạn Nguyễn Thanh Tú, hiện đang sống ở thành phố Leipzig, bang Sachsen, cách thủ đô Berlin khoảng 160km, thì cho biết: "Mình sống ở bang Sachsen, là bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong 16 bang, điều đó đồng nghĩa với việc, các ca nhiễm hàng ngày trên trung bình dân cao gần như nhất. Hàng ngày, người dân sẽ nhận được báo cáo tình hình dịch bệnh qua Twitter từ trang của Thành phố - Stadt Leipzig. Ngày nào cũng có đầy đủ số liệu như tỷ lệ nhiễm mới, tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, mọi người cũng được cập nhật tình hình giường chăm sóc đặc biệt, hiện tại đã sử dụng là bao nhiêu (hôm qua tổng là 371 giường), giường bình thường hiện tại là 1.520".
Tú cho biết Sachsen là một trong những bang đầu tiên ở Đức áp dụng nguyên tắc 2G đối với nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí. Tại nơi làm việc thì theo nguyên tắc 3G. Ở các nơi công cộng, đặc biệt như trên tàu thì bắt buộc phải đeo khẩu trang FFP2 thay vì khẩu trang y tế thông thường, có cảnh sát đi kiểm tra hàng ngày.
Hàng quán, nơi công cộng chưa phải đóng cửa, nhưng báo đài gần đây cũng đưa tin rằng "có nguy cơ phải đóng cửa". Theo thống kê, tỉ lệ lây nhiễm ở các quán bar, câu lạc bộ là cao nhất. Một số nhà hàng đi tiên phong trong việc áp dụng nguyên tắc 1G, tức là chỉ cho người đã tiêm vào.
Hình ảnh khu vực bạn Tú sinh sống cùng gia đình.
Còn đối với thành phần "đáng lo ngại" nhất là trẻ nhỏ, Tú cho biết các bé 5-12 tuổi, hàng ngày đi học bình thường, chẳng hạn như trường bé nhà mình đang học, 1 tuần test nhanh 2 lần vào thứ 2 và thứ 5. Các bé không phải tuân theo nguyên tắc 2G hay 3G do đã được test định kỳ thường xuyên. Tuy nhiên, giờ bán trú sẽ không còn được chơi chung giữa các lớp, mà tách riêng từng lớp chơi với nhau. Việc đảm bảo cho các bé đến trường là ưu tiên hàng đầu. Bởi theo một số nghiên cứu, việc học online đã ảnh hưởng tới tâm lý của bé, cũng như gia tăng mức độ nghiện chơi game, máy tính, tivi...
Một vài hình ảnh ở các nhà hàng, khu mua sắm gần nơi Tú sống.
Chợ Giáng sinh Leipzig là một trong những chợ giáng sinh đẹp nhất ở Châu âu. Tới giờ thì chợ vẫn đang được dựng, chưa có thông tin là sẽ bị hoãn. Tuy nhiên, năm nay đây sẽ là chợ Giáng sinh không có cồn, tức là Glühwein - rượu vang nóng sẽ không được phép bán trong chợ, hàng hóa chưa bao giờ bị khan hiếm. Tú nói: "Mình thấy một số báo ở Việt Nam đưa tin các quầy hàng đã trống trơn nhưng thực tế tình trạng đó chỉ diễn ra trong 1 ngày, sau đó lại đầy ắp".
Bản thân từng là người đã nhiễm Covid-19 và đã tiêm 2 mũi vaccine, Tú cho biết: "Theo quan điểm cá nhân, mình thấy dịch Covid-19 không đáng sợ đối với những người khỏe mạnh. Thế nhưng, mình lại có thể lây cho những người không khỏe mạnh xung quanh. Do đó, để bảo vệ người xung quanh thì việc tiêm chủng 2 mũi là điều nên làm, đeo khẩu trang đúng quy định, hạn chế tụ tập nơi đông người, tập thể dục hít thở không khí trong lành hàng ngày".
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nguoi-viet-giua-vung-do-dich-covid-19-o-chau-au-nguy-hiem-bua-vay-moi-du-dinh-dang-do-sau-mot-mua-he-bung-xoa-162212011193753176.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.