“Con chỉ là một cô bé bình thường hơi đặc biệt một chút thôi”
- Mẹ ơi, sao chị thì da đen đen, còn con lại có da trắng toát, cả lông mi, cả tóc cũng trắng luôn ạ?
- Anna biết không, ngày xưa nhà bác hàng xóm nhà mình bán than. Đúng lúc bác đổ xỉ than ra thì mẹ đẻ rơi chị con vào đấy. Còn mẹ sinh con đúng hôm bà nội đi nhào bột làm bánh trôi, bà vội lấy chậu bột hứng con nên con trắng muốt như thế đấy!
Hồi bé, mỗi lần bé Nguyễn Anna (Vĩnh Phúc) thắc mắc về ngoại hình của mình, về chuyện tại sao chị gái da nâu, mắt đen, tóc đen nhánh còn Anna lại trắng muốt, mắt xanh, chị Trần Thị Huyền đều nói với con như vậy. Cô bé sẽ khúc khích cười về “sự tích” của mình rồi vô tư chạy chơi.
Nhưng lớn hơn một chút, Anna càng nhận rõ hơn về sự khác biệt ngoại hình của mình. Cô bé gạn hỏi mẹ: “Sao mẹ lại sinh con ra thế này?”, chị Huyền sẽ hỏi lại Anna: “Có ai chê con xấu không hay mọi người đều khen con xinh, khen con giống Tây?” để bé biết thừa nhận vẻ đẹp đặc biệt của mình.
Rồi khi đi học, không biết Anna nghe được ai đó bảo “Con bé đó bị bệnh đấy”, buồn thiu về hỏi mẹ về tình trạng sức khỏe của mình. Chị Huyền lại hỏi ngược con:
- Thế con có thấy mình bị bệnh gì không? Con có ốm gì không?
- Không ạ, con thấy mình bình thường.
- Đúng rồi, vì con là một em bé bình thường mà!
Cứ như thế, chị Huyền gieo vào lòng cô con gái bị bạch tạng của mình một niềm tự tin vào sự bình thường của mình, kiên nhẫn giải thích cho bé về những vấn đề bé gặp phải với sức khỏe như vì sao phải che chắn da thật kỹ khi ra ngoài, vì sao bé phải cúi gằm xuống mới viết được chữ, vì sao đồng tử của con lắc lư không ngừng như quả lắc đồng hồ.
Chị nhớ lại: “Anna chào đời và mắc bạch tạng là một cú sốc lớn với cả gia đình, vì hai bên nội ngoại không có ai bị như vậy. Nhưng sau khi nghe bác sĩ giải thích, khám tổng quát cho con và tự tìm hiểu kiến thức, mình quyết định sẽ vừa dùng các biện pháp che chắn, bảo đảm an toàn sức khỏe cho con, vừa để cho con thích nghi dần với những khác biệt của cơ thể con.
Anna theo mẹ đi làm từ hồi 2 tháng tuổi, trộm vía ngoan, dễ nuôi, không ốm vặt. 20 tháng, khi con biết tự xúc ăn gọn gàng là mình cho con đi học mẫu giáo. Con nhận ra mình khác biệt nhưng cũng khá hòa đồng, vui vẻ với các bạn. Mình luôn động viên con rằng các bạn ai cũng muốn chơi với Anna, các bạn quý mến Anna, không ai chê Anna xấu cả…”.
Chị không lờ đi những câu hỏi, không phỉnh lừa con rằng bé đặc biệt, mà luôn nhấn mạnh với Anna từ khóa “bình thường”. Ví dụ như có lần Anna lo sốt vó vì mình bị cúm, con cho rằng, chứng bạch tạng khiến con có đề kháng kém, chị Huyền lại kiên nhẫn giải thích về cơ chế của virus, về việc các bạn nhỏ khác cũng có thể bị ốm và lây cúm cho nhau, về việc các triệu chứng sẽ dứt khi đề kháng tốt lên…
Đến giờ, khi đã 8 tuổi, Anna đã tương đối thoải mái với cơ thể mình, đã bớt ngần ngại khi ai đó muốn ngắm nghía em, muốn thử chạm tay vào mái tóc vàng óng, suôn mượt như cước của em rồi.
“Bạch tạng” không phải là cái cớ để con được ưu ái hơn
Chị Huyền chia sẻ, chị không đặt quá nặng việc các con phải giỏi toàn diện. Ví dụ chị gái của Anna học giỏi, còn Anna hào hứng với việc nhảy zumba hoặc yoga, thích học toán hơn tiếng Việt, chị đều khích lệ.
“Không phải vì bé bị bất lợi về sức khỏe, học tập vất vả mà mình nghĩ vậy đâu. Mình cho rằng khi bố mẹ tìm hiểu sự hứng thú, sở trường của con và tôn trọng điều đó, hỗ trợ con phát huy năng khiếu trong khả năng của gia đình, thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng (của bố mẹ) lên con, cả bố mẹ và con đều hạnh phúc”.
Và vì là một cô bé bình thường, Anna cũng được mẹ nuôi dạy không quá khác biệt với chị gái của mình. Chị Huyền khá nghiêm khắc trong việc rèn con tự phục vụ cũng như làm việc nhà. Trước khi giao việc, chị đều lập kế hoạch và phân công rõ ràng, không để bé nào phải làm nhiều việc hơn.
Anna và chị gái từ lâu đã biết tự chuẩn bị tư trang cá nhân, tự tắm, tự gội đầu cho mình, vì mẹ dặn, nếu tắm bẩn thì con tự… chịu, bẩn thì bạn không thèm chơi cùng. Quần áo bẩn phải tự để đúng khu vực giặt đồ, nếu không mẹ sẽ… lờ đi không giặt. Buổi tối, hai chị em tự giác vào bàn học bài khoảng 1,5 giờ, đến khi hoàn thành mới đi ngủ.
2 năm nay, Anna và chị gái cũng biết làm một số việc nhà đơn giản như phân công lịch rửa bát, lịch lau nhà, cho quần áo vào máy giặt, phơi và gấp quần áo… Vì mẹ không ưu tiên Anna có bệnh, cũng không ưu tiên chị lớn học giỏi mà “miễn giảm” việc nhà cho ai hay bắt đứa nào làm nhiều hơn, nên giữa hai chị em gần như không tị nạnh nhau.
Vui khi con có cơ hội trở thành mẫu nhí, nhưng không sốt ruột mà “xé kén”
Chỉ có một điều duy nhất Anna được “chiều” hơn chị mình một tí, đó là vì cô bé thích thử sức làm người mẫu nhí, thích các hoạt động ngoại khóa nên hay được mẹ cho ra ngoài nhiều hơn.
Trước khi được mời trình diễn cùng 17 mẫu nhí khác trong show diễn của NTK Ivan Trần tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2020, Anna gẩn như là tờ giấy trắng. Cô bé mới được đào tạo hồi tháng 7, sau khi giành được học bổng một khóa học catwalk với đạo diễn Huy Lio tại Phúc Yên (Vĩnh Phúc), cách nhà khoảng 15km. Thứ bảy, chủ nhật con đi học là mẹ Huyền lại nghỉ làm để đưa con đi.
Nhưng cũng chỉ nghĩ là cho con học để cọ xát thôi, nên chị cũng bối rối khi đạo diễn Huy Lio gửi hồ sơ của con đi, thuyết phục NTK Ivan Trần dành cho Anna một cơ hội được biểu diễn trên sân khấu lớn. Vẫn chưa hết xúc động, chị bảo: “Thực ra hai mẹ con chưa từng đi xa thế bao giờ. Phần vì ngại việc học tập của con bị gián đoạn, phần lo sức khỏe con không đảm bảo, rồi Anna còn quá non nớt trong trình diễn, không biết con có kham nổi không, nên sau 1 tuần suy nghĩ, mình mới đặt vé máy bay đưa con đi. Đặt rồi, thấy lo lắng lại hủy, nhưng con háo hức quá, mình lại quyết tâm đi cùng con”.
Đạo diễn Huy Lio cũng nhận định thẳng thắn, rõ ràng Anna kém hơn các bạn cùng trình diễn, nhưng với kỹ năng catwalk còn hạn chế, tâm lý trước sàn diễn chuyên nghiệp và sự đặc biệt về sức khỏe (mắt không tốt, da mỏng khó make up, hành trình di chuyển gần 2.000km để đến Sài Gòn…), màn trình diễn của Anna như vậy cũng đáng khích lệ và khiến anh tự hào.
Chị Huyền cũng nghĩ, đó mới là những bước chân đầu tiên của con trong hành trình chinh phục ước mơ trở thành người mẫu. Chị vui khi con gái nhỏ tìm thấy niềm yêu thích của mình, vui khi cô bé chỉ bỡ ngỡ lúc đầu và nhanh chóng hòa đồng, dành được thiện cảm của mọi người và vượt qua những giới hạn để tự tin trình diễn.
Nhưng động viên con “cảm ơn Anna nhé, nhờ Anna học người mẫu mẹ cũng được mở mang nhiều, có cơ hội đi đó đi đây” cho con vui là thế, chị Huyền vẫn muốn con đi thật chậm, thật chắc và bài bản. Chị không mong con trở thành “gà chiến” đi diễn show này show kia để nhanh nổi tiếng, chỉ muốn Anna lớn dần, đủ tự tin đến ngày “xé kén”, thật sự thoải mái với cơ thể mình, với những bước đi trên sàn catwalk cũng như trong cuộc sống, vậy thôi!
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.