Miền Bắc vào mùa nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh vào tháng 8.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 13-8, thành phố ghi nhận 778 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021).
Từ khỏe mạnh chuyển sang nguy kịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Thân Mạnh Hùng - phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết trong tuần qua, số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhập viện tăng mạnh so với các tuần trước.
Tại 2 cơ sở của bệnh viện đang điều trị cho 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 ca đã tử vong, 4 ca chuyển nặng, 2 trong 4 người này đang trong tình trạng nguy kịch, phải đặt ống nội khí quản thở máy.
Trong đó, bệnh nhân nữ 38 tuổi ở Hà Nội có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, nhập viện vào ngày thứ 4 của bệnh. Trước đó, chị bị sốt cao, đau đầu, tự điều trị tại nhà hai ngày không đỡ, sau đó chuyển sang đau mỏi người, nôn nhiều. Khi thấy chị bị rối loạn ý thức, lơ mơ, người nhà đã chuyển vào bệnh viện.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu khó thở và thiếu máu, phổi đã có một số tổn thương, có những yếu tố rối loạn đông máu khá nặng. Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch, đặt ống nội quản cho bệnh nhân thở máy.
"Hiện tình trạng suy thận của bệnh nhân có xu hướng tăng lên, phải lọc máu liên tục, tiên lượng bệnh nhân rất xấu", bác sĩ Hùng nói.
Cẩn trọng với triệu chứng sốt, tránh nhầm lẫn bệnh
Tương tự, tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) từ đầu mùa dịch tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh, phần lớn là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Các bệnh nhân nhập viện thường rơi vào tình trạng hạ tiểu cầu rất sâu, thường thì đến ngày thứ 5 trở đi tiểu cầu bắt đầu giảm.
"Thông thường bệnh nhân có tình trạng chảy máu, chủ yếu là chảy máu chân răng, truyền tiểu cầu tương đối nhiều, sau đó bệnh nhân tỉnh, dần hồi phục. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân giảm tiểu cầu rất sâu, khi truyền tiểu cầu thì bị phản ứng, sốc, dễ diễn biến nặng nên cần theo dõi rất sát", một bác sĩ khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị cho hay.
"Sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày thứ 4 trở đi, giai đoạn này bệnh nhân thường có dấu hiệu chuyển biến, có thể nặng hơn, do đó cần theo dõi sát sao", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Ông cũng khuyến cáo Hà Nội đang đối mặt với dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết, dịch cúm, do đó khi có bất kỳ triệu chứng nào về sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế thăm khám. Trường hợp nặng, cần nhập viện thì nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tuyệt đối không tự truyền nước tại nhà
Nhiều người khi có biểu hiện sốt, mệt mỏi thường tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng những dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế. Bác sĩ Hùng nhấn mạnh đây là điều rất nguy hiểm.
Thứ nhất, khi tự ý truyền dịch tại nhà, bệnh nhân có thể xảy ra sốc phản vệ đối với dịch truyền khi không được kiểm soát tốt.
Thứ hai, không phải bệnh nhân nào cũng phải truyền dịch và đủ điều kiện truyền dịch. Bên cạnh đó, tự ý truyền nước tại nhà nếu không may xảy ra sốc phản vệ sẽ khó cấp cứu kịp thời.
Thứ ba, trong điều kiện truyền dịch tại nhà, trang thiết bị y tế như sát khuẩn, bông băng, cồn... không được đảm bảo, dễ xảy ra nhiễm trùng.
Đặc biệt, sốt xuất huyết có những giai đoạn có thể và không thể truyền dịch. Trong ngày đầu tiên có thể truyền dịch được, còn những giai đoạn bệnh nhân đang trong tình trạng thoát dịch hoặc tăng tính thấm thành mạch, việc truyền dịch không được kiểm soát rất dễ dẫn tới tình trạng tràn dịch màng phổi, màng tim... gây suy hô hấp, suy tuần hoàn, vô hình trung khiến bệnh trở nặng thêm.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.