Gia đình nhỏ gồm 2 vợ chồng và 1 đứa con, có thu nhập trung bình thì bài toán chi tiêu luôn khiến bạn đau đầu, suy nghĩ nát óc. Nhưng nếu áp dụng nguyên tắc 4-3-2-1, thì bạn vẫn vừa có thể đảm bảo cuộc sống no đủ, vừa có một khoản tích lũy cho tương lai.
Bài toán chi tiêu cho gia đình ba người
Vợ chồng chị Vân (Quận 9 – TP.HCM) đều là nhân viên văn phòng bình thường với tổng thu nhập trung bình một tháng khoảng 15 triệu đồng. Dù đã chi tiêu dè xẻn, hạn chế đi chơi, cà phê, tụ tập bạn bè… nhưng cứ đến cuối tháng, trong túi 2 vợ chồng đều chỉ còn vài trăm nghìn, thậm chí còn bị thâm hụt.
Vì vợ chồng chị chưa có nhà riêng nên khoản tiền nhà, điện nước, tiền net đã tốn gần 2 triệu đồng. Tiền chi tiêu cho con trai 5 tuổi bao gồm tiền học, tiền sữa, tiền ăn uống… đã mất khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Rồi tiền ăn uống, tiêu vặt của hai vợ chồng, tiền xăng xe, chưa kể tiền hiếu hỉ, ma chay… nên dù tìm nhiều cách để cân đối nhưng vẫn tháng nào cũng thiếu trước, hụt sau.
Dù tìm nhiều cách để cân đối nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn bị tình trạng thiếu trước, hụt sau mỗi cuối tháng.
Không riêng gì chị Vân, mà nhiều cặp vợ chồng trẻ có thu nhập trung bình hiện nay cũng đang vật lộn với việc quản lý tài chính trong gia đình. Việc không có một kế hoạch cụ thể và nguyên tắc trong việc chi tiêu khiến họ lâm vào tình cảnh không có nổi một khoản tiền tiết kiệm, chứ chưa nói đến việc mua nhà hay thực hiện những dự định cho tương lai của con cái.
Hãy thử áp dụng quy tắc chi tiêu 4-3-2-1 ngay.
Quy tắc chi tiêu 4-3-2-1
Trong trường hợp này, bạn hãy nhớ: dù thu nhập là bao nhiêu thì cũng cần phải tiết kiệm được ít nhất 10% mỗi tháng. Để quản lý tiền bạc dễ dàng, tránh bị thất thoát, bạn có thể chia tổng thu nhập trong 1 tháng thành 4 quỹ riêng biệt gồm: Chi tiêu chung cả nhà, chi tiêu cho riêng vợ chồng, chi tiêu cho con và phần tích lũy theo tỉ lệ 4-3-2-1 hoặc 3-3-3-1 tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.
Khi lĩnh lương, bạn hãy chia tiền theo đúng tỉ lệ bỏ vào từng quỹ và luôn nhớ một nguyên tắc bất di bất dịch: không lấy quỹ này tạm dùng cho quỹ khác. Với những khoản tiền cố định như tiền nhà, học phí cho con, tiền ăn, tiền gas, điện nước… bạn cũng nên chia nhỏ và cho vào từng phong bì riêng để tránh trường hợp phải chạy đôn, chạy đáo xoay tiền khi cần.
Trong khoản chi tiêu dành cho con, các cặp vợ chồng trẻ cũng nên có kế hoạch cụ thể và tiết kiệm. Về khẩu phần ăn, bạn có thể lên thực đơn theo tuần để dễ đi chợ cũng như đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Thay vì mua đồ ăn riêng, thì có thể mua chung cùng cả nhà rồi chế biến riêng. Hạn chế các khoản tiền mua đồ chơi, quần áo dày dép vì bé lớn lên từng ngày nên quần áo cũng nhanh chật.
Với mức thu nhập trung bình cộng với việc phải nuôi thêm con nhỏ, thì tiết kiệm và chi tiêu theo nguyên tắc 4-3-2-1 sẽ giúp bạn tự chủ về mặt tài chính, chăm lo đầy đủ cho con và tích lũy cho tương lai.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.