Nguyên Trưởng khoa Sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Tuyệt đối không vắt sữa non khi mang thai

Lo ngại “tráng ruột bằng sữa công thức cho con sẽ gây hở ruột”, nhiều bà mẹ hiện nay đang có trào lưu vắt lấy sữa non ngay từ khi còn đang mang bầu, trữ đông trong từng ống xilanh nhỏ. Tuy nhiên, chia sẻ tại một hội thảo dành cho bà bầu mới đây, bác sĩ Nguyễn Đức Thuấn, Nguyên Trưởng khoa Sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, vắt sữa non sẽ kích thích cơn co tử cung, dễ làm tăng nguy cơ gây sinh non, chưa kể nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ sơ sinh do bảo quản không đúng cách.

Vắt sữa non khi mang bầu là phản khoa học

Phương pháp vắt sữa non khi mang thai tầm 34 tuần được lan truyềntrên nhiều diễn đàn, mục đích để phòng trường hợp mẹ chưa có sữa hoặc vì lý do nào đó không thể cho con bú, trẻ phải cách ly mẹ. Các bà bầu thường được trấn an rằng việc massage và vắt sữa này có thể gây co thắt tử cung nhẹ, nhưng an toàn và không kích ứng chuyển dạ. Bác sĩ Thuấn cho rằng, phương pháp trên hoàn toàn “phản khoa học”.

Động tác vắt sữa non trước khi sinh sẽ kích thích cơn co tử cung, có thể gây sinh non. Ngoài ra, sữa non được bảo quản lâu trong tủ lạnh sẽ không đảm bảo chất lượng, chưa kể bảo quản không tốt còn bị nhiễm khuẩn, trẻ bú có thể bị tiêu chảy, viêm ruột hoại tử. Bên cạnh đó, bác sĩ Thuấn cho rằng, việc vắt sữa non đối với phụ nữ ở tuần thứ 34 của thai kỳ rất khó khăn. Lúc đó, bà bầu khỏe mạnh bình thường chỉ tiết ra một lượng sữa rất nhỏ. Nếu bà bầu bị chảy nhiều sữa hoặc vắt được lượng sữa lớn, lúc đó, các mẹ nên đến khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Đây có thể là dấu hiệu của việc rối loạn chức năng tuyến yên, có thể ảnh hưởng đến chức năng nhau thai và sự phát triển của bào thai.

Những quan niệm sai lầm khác khi mang thai

Ngoài vấn đề vắt sữa non, bác sĩ Thuấn cũng lý giải các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là vấn đề kiêng cữ khi mang bầu.

-  Các quan niệm như thăm bà đẻ, con sẽ đòi ra sớm; đi đám cưới, nếu bà bầu chụp ảnh, con sẽ vô duyên… đều không có cơ sở khoa học.
-  Ngoài ra, các bà, các mẹ còn truyền tai nhau, ăn đào con sẽ bị điếc; ăn nhãn dễ gây sảy thai; ăn ốc, con sinh ra nhiều rớt dãi hoặc uống nước dừa nhiều, da bé sẽ trắng. Bác sĩ Thuấn lý giải, đào là loại quả giàu sắt tốt cho máu, chứa các chất chống ô xy hóa. Quả nhãn giàu vitamin C, giàu đường, có tính ấm. Hai loại quả này đều có tác dụng tốt đối với cơ thể.

Ốc là thực phẩm giàu canxi và đạm, tốt cho bà mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, bạn nên chế biến kỹ vì ốc thường chứa nhiều ký sinh trùng gây hại.

Quan niệm uống nước dừa con sinh ra trắng trẻo cũng không chính xác vì sắc tố da của bé là do di truyền. Mẹ bầu nên hạn chế nước dừa trong 3 tháng đầu, bởi nước dừa có thể làm tình trạng ốm nghén của mẹ diễn ra nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, trong nước dừa vẫn có một hàm lượng đường nhất định, vì vậy, mẹ chỉ nên uống một lượng nước dừa vừa phải để tránh tiểu đường thai kỳ.

Tuy nhiên, có một số kinh nghiệm mẹ bầu không thể bỏ qua. Chẳng hạn, ăn đu đủ xanh dễ dẫn đến sảy thai. Đu đủ xanh có chất mủ không tốt cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, chất papain còn hoạt động giống như hormone prostaglandin và oxytocin gây ra co thắt tử cung. Nó cũng có thể gây ra phù và xuất huyết nhau thai. Đây là những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có thể dẫn tới sinh non.

Bác sĩ Thuấn khẳng định, nguồn dinh dưỡng nuôi con và mẹ chính là thức ăn, vì vậy, người mẹ cần bổ sung đầy đủ thực phẩm thuộc các nhóm chất khác nhau để thai nhi khỏe mạnh và có nguồn sữa tốt sau khi sinh. Các bà bầu cần lắng nghe cơ thể mình, chú ý đến sự thay đổi của thai nhi để có biện pháp điều chỉnh chế độ ăn nghỉ phù hợp trong mỗi giai đoạn. Ngoài ra, chúng ta nên biết cách “lọc thông tin” và quan trọng nhất là cần tham khảo lời khuyên của các bác sĩ sản khoa.

Trên thực tế, một vài phương thức từ các bệnh viện Úc và New Zealand cho thấy sữa non của mẹ có thể được vắt cho vào ống thu và trữ đông, giữ an toàn trong tủ lạnh lên đến tám ngày, để cho người mẹ có thể sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây co thắt tử cung cho sản phụ nên thủ thuật này cần phải được hướng dẫn và thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia, bác sỹ sản. Việc các mẹ bầu tự tiện kích thích đầu ngực chỉ dựa theo hướng dẫn từ một “chuyên gia facebook” sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người mẹ và thai nhi.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang