Bị đuổi học vì “xả cục tức” trên facebook
Mạng xã hội như con dao 2 lưỡi, một nơi để kết nối các mối quan hệ, bày tỏ quan điểm, thể hiện bản thân…Tuy là một không gian ảo nhưng mạng xã hội ngày càng có sức ảnh hưởng, có những hiệu ứng thật và hệ quả thật. Vì vậy, ứng xử trên mạng xã hội cũng cần khôn khéo, văn minh giống như cách “đối nhân xử thế” ngoài cuộc sống.
Mới đây, trường THPT Nguyễn Trãi (TP. Thanh Hóa) đã quyết định kỷ luật 8 học sinh nói xấu thầy cô giáo và nhà trường trên facebook, trong đó đuổi học 7 em. Theo thông tin từ nhà trường, trước đó, một em học sinh của trường bị giáo viên bộ môn thu giữ điện thoại di động vì sử dụng điện thoại trong giờ học và giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp.
Cô giáo chủ nhiệm đã tình cờ đọc được cuộc hội thoại hiển thị cuộc nói chuyện của nhóm Facebook có tên là "Động Cô Bích" (Bích là tên cô giáo chủ nhiệm) với nội dung nói xấu lăng mạ thầy cô giáo, nhà trường. Cô đã báo cáo sự việc lên nhà trường. Nhà trường mời phụ huynh của nhóm học sinh lên để trao đổi và yêu cầu các học sinh viết tường trình, cung cấp thông tin đăng tải trên nhóm Facebook.
Trường THPT Nguyễn Trãi sau đó thành lập hội đồng xét kỷ luật 8 học sinh, trong đó có 3 học sinh bị đuổi học một năm, 4 học sinh bị đuổi học một tuần, 1 học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.
Trước đó, tại Phú Yên, một clip được tung lên mạng ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng. Nguyên nhân được cho là do nữ sinh này nói xấu bạn trên facebook. Đoạn clip dài khoảng một phút rưỡi, quay cảnh ba nữ sinh lớn hơn xông vào dùng tay, chân đánh, đá, đạp vào mặt, người của một nữ sinh nhỏ hơn, còn đang đeo khăn quàng trên cổ. Qua đối đáp của hai bên thì ba nữ sinh lớn hơn đánh bạn vì nghi nữ sinh bị đánh nói xấu mình trên Facebook. Trong khi đó, nữ sinh bị đánh nói rằng Facebook bị hack mất mật khẩu…
Dạy con cách hành xử văn minh trên mạng xã hội
Ngày nay, không chỉ người lớn, trẻ em cũng dễ dàng tiếp xúc rất nhiều với thiết bị công nghệ và tham gia mạng xã hội. Bên cạnh sự thoải mái bộc lộ quan điểm, sở thích…nhiều em thường xuyên lên mạng để “xả cục tức”, trong đó có những bức xúc liên quan đến thầy cô, nhà trường, bạn bè, anh chị em…
Sử dụng facebook cũng cần phải học (ảnh minh họa) |
Đôi khi, nếu không kiểm soát được ngôn từ, việc viết bài, tranh cãi, bình luận trên mạng xã hội của con có thể gây tổn hại danh dự, tổn thương người khác trong khi vấn đề vẫn không được giải quyết. Nếu cha mẹ đã “cấp quyền” cho con sử dụng điện thoại, máy tính thì cũng nên chấp nhận con sẽ có tài khoản riêng trên mạng xã hội. Vì thế, trước khi cấp quyền đó, cha mẹ nên dạy cho con cách hành xử văn minh trên mạng xã hội.
Là một nhà giáo, một người mẹ, chị Hoài Phương (ở TP. Nha Trang) cho rằng, cha mẹ nên khuyên con nếu có bức xúc gì với thầy cô, bạn bè, anh chị em thì nên kìm chế bản thân, không nên viết điều gì lên mạng xã hội nếu chưa giữ được bình tĩnh. Viết lên tường đồng nghĩa với việc câu chuyện không còn là của riêng mình. Nếu con muốn đóng góp, chia sẻ ý kiến với thầy cô, cán bộ nhà trường thì nên nhờ cha mẹ phản ánh trực tiếp trong các buổi họp phụ huynh. Với bạn bè, nếu có tranh cãi, hiểu lầm hay bức xúc gì thì nên bình tĩnh, nhỏ nhẹ nói chuyện với bạn. Nếu không thể “mặt đối mặt” thì chỉ nên sử dụng chức năng nhắn tin, không nên viết lên tường nỗi bức xúc của mình, vừa không giải quyết được vấn đề vừa làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn.
Tác giả cuốn “Nuôi dạy trẻ thời kỳ kỹ thuật số”- Michele S.Alignay, giảng viên khoa Tâm lý, Miriam College cho rằng, chỉ nên cho con sử dụng facebook với những điều kiện sau:
- Không nên cho phép con sử dụng Facebook hay mạng xã hội nếu con dưới 13 tuổi. Nếu muốn cho con sử dụng tài khoản mạng xã hội riêng, hãy đảm bảo rằng cha mẹ là người lọc danh sách bạn bè và giám sát khi con sử dụng.
- Dạy trẻ bảo vệ danh tính: Không nên cho người lạ địa chỉ liên lạc và để lại thông tin liên hệ. Hãy dạy con rằng một người lạ trên mạng cũng nguy hiểm thậm chí là nguy hiểm hơn một người lạ ngoài đời thực. Vì thế, những quy tắc mà bạn dạy con khi giao tiếp với người lạ cũng nên được áp dụng khi tiếp xúc với thế giới mạng.
- Tôn trọng người khác: không nên có những bài viết miệt thị người khác, dẫn tới tình trạng “ăn hiếp trên mạng”. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ chia sẻ những bài viết hoặc đường dẫn có thể hữu ích với mọi người.
- Hạn chế “selfie”: Phụ huynh nên hạn chế việc để con đăng quá nhiều ảnh “tự sướng” trên mạng xã hội. Không nên khẳng định bản thân mình qua vẻ đẹp bề ngoài, thay vào đó nên tìm ra những giá trị và phẩm chất quan trọng hơn.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.