Đầu tiên là trường hợp gia đình nữ bệnh nhân T.T.B. Khi ra vườn hái trái mít, bệnh nhân bị đàn ong vò vẽ tấn công, trong lúc hoảng sợ đã bỏ chạy vào nhà, vô tình khiến 3 người khác trong nhà cũng bị ong đốt theo và phải nhập viện cấp cứu.
Khi tiếp nhận tại bệnh viện, tình trạng bệnh nhân B. rất nguy kịch, toàn thân có rất nhiều vết hoại tử do ong đốt, bệnh nhân bị sốc, trụy mạch, suy gan, suy thận nặng, tiểu máu. Bệnh nhân được điều trị tích cực đồng thời có chỉ định lọc máu khẩn cấp tại Khoa Hồi sức tích cực.
Sau 2 ngày, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được ra khỏi phòng hồi sức về Khoa Nội tổng quát, 3 bệnh nhân còn lại thì nhẹ hơn, cũng đang được theo dõi điều trị tại Khoa Nội tổng quát.
Một trường hợp nặng khác là nam bệnh nhân N.N.H., khi dọn kho chứa gỗ thì đột ngột bị đàn ong vò vẽ lao vào tấn công, đốt khắp vùng đầu, mặt, cổ, gáy, lưng tới hơn 100 vết đốt.
Khi nhập viện, bệnh nhân lơ mơ, khó thở, vị trí các vết đốt sưng nề, đau dữ dội. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch nên được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực tiến hành lọc máu, điều trị chống nhiễm trùng, truyền dịch để đưa chất độc ra ngoài cơ thể.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định.
BSCKII. Nguyễn Tấn Phát - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết: Nọc của ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm. Cụ thể, khi bị đốt, nọc độc của ong vò vẽ có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không có máy lọc máu đặc biệt rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Qua các trường hợp trên, BSCKII. Nguyễn Tấn Phát khuyến cáo: Với độ nguy hiểm khi bị ong đốt đặc biệt là ong vò vẽ đốt, cách tốt nhất là nên tránh để bị đốt, cố gắng tránh tiếp xúc với ong, căn dặn trẻ em không nên đến gần tổ ong, không ném, phá hay lấy que chọc tổ ong. Khi bị ong tấn công, cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi ong bay đi chỗ khác hoặc nếu có ao nước mà biết bơi lặn, có thể lặn xuống nước để tránh bị ong đốt. Dùng mùn rơm hoặc giẻ tẩm dầu đốt có nhiều khói để xua ong đi nơi khác làm tổ. Tuyệt đối không được dùng quần áo, gậy xua vì sẽ khiến ong càng bu vào tấn công.
Những trường hợp bị ong đốt 1 - 2 nốt có thể bình tĩnh sơ cứu để lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra (đối với loại ong để lại kim khi đốt) và có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý khi có những dấu hiệu bất thường thì cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trường hợp bị ong vò vẽ đốt từ 5 - 10 đốt trở lên và kể cả vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, người thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ với số lượng nhiều... cần phải đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ có thể sơ cứu kịp thời, truyền nhiều dịch để đào thải độc tố ra ngoài.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.