Cuối năm 2011, sau hơn hai năm chờ đợi, vợ chồng tôi vui mừng chào đón con đầu lòng. Khi mang thai được khoảng 4 tháng, do không đủ sức đảm đương công việc thường xuyên phải đi công tác và thực nghiệm tại hiện trường, tôi và công ty đồng ý kết thúc hợp đồng lao động. Từ đó, tôi bắt đầu ngồi nhà chờ đến ngày sinh nở. Vốn là một người năng động hay lam hay làm, tôi cũng nhận việc dịch thuật để làm tại nhà, kiếm thêm chút vốn vì tôi biết sau khi sinh, chưa chắc gì mình đã có thể tìm được việc làm phù hợp.
Bầu thì đẻ, đẻ thì nuôi thôi...
Tôi khi ấy nghĩ về việc làm mẹ rất giản đơn. Có bầu thì đẻ, đẻ xong thì cho bú này, tắm này, nó ị thì mình thay tã thôi. Các em bé trên quảng cáo đứa nào cũng hồng hào múp míp, ọ ẹ cười nói trông thật đáng yêu, tôi chắc mẩm con mình cũng sẽ như vậy. Nào ngờ thực tế thật khắc nghiệt: tuy sinh thường nhưng vết khâu mãi 2 tuần mới lành, khiến tôi vô cùng đau đớn. Con tôi bụ bẫm nhưng ngủ ngày cày đêm, thêm cơ địa trào ngược. Dù có mẹ đẻ kề cận giúp đỡ, tôi vẫn cảm thấy việc chăm sóc con sao mà quá vất vả. Cả ngày của mình cứ xoay mòng mòng quanh bé, ăn cơm cũng thấp thỏm sợ con dậy, đi tắm qua quít 5 phút đã phải xong.
Làm mẹ không hề đơn giản như tôi nghĩ (Ảnh minh họa)
Thêm nữa, vốn tính cần kiệm, nay thấy mình không đi làm, tôi bỗng trở nên chi li quá mức, dù chồng vẫn động viên là một mình anh nuôi nổi hai mẹ con. Nhưng thấy tháng nào cũng tiêu sạch hết lương chồng, tài khoản tiết kiệm chả tăng thêm được tí nào là tôi lại thấy sốt ruột. Nhất là khi bé tròn 6 tháng, cái mốc mà các mẹ đã quay lại làm việc thì tôi vẫn thấy tương lai mình thật mịt mờ.
Không chỉ là muốn kiếm tiền, tôi thật sự muốn đi làm vì cảm giác mình được “sống”. Tôi nhớ những thử thách của công việc, những phút giây “deal done”, sếp ngợi khen, khách hàng hài lòng. Ở nhà tôi thấy mình tụt hậu, não tôi ù lì, lòng tôi đau khổ. Nhưng chồng tôi, mẹ tôi, không ai hiểu cho tôi cả. Chồng chỉ muốn tôi ở nhà chăm con cho tốt chứ tiền có thiếu đâu mà mặt mày ủ rũ suốt ngày. Mẹ tôi thì khuyên tôi đợi con cứng cáp thêm chút đã.
Tôi tiếp tục ở nhà, và tiếp tục bị dằn vặt bởi ước muốn đi làm và nỗi lo mình là một người mẹ tồi. Cho đến khi tôi đọc một bài chia sẻ của chuyên gia người Nhật. Bà nói rằng nếu ở nhà chăm con mà thấy vui vẻ hài lòng thì hãy ở nhà. Còn nếu muốn đi làm thì hãy thu xếp việc nhà để đi cho thoải mái. Mẹ hạnh phúc thì mới có thể chăm sóc và mang lại hạnh phúc cho con. Không có câu trả lời tuyệt đối đúng cho mọi hoàn cảnh. Và bà động viên người mẹ hãy mạnh mẽ đưa ra lựa chọn của mình.
Tôi như được tiếp thêm sức mạnh sau khi đọc bài báo đó. Khi con được 9 tháng, tôi bắt đầu rải CV và được 3 nơi gọi phỏng vấn. Qua vài vòng phỏng vấn kéo dài hơn tháng trời, tôi có 2 offer với công việc đúng chuyên môn. Tôi mừng chảy nước mắt, dù mức lương họ đưa ra thua xa thu nhập của những tháng ngày son trẻ huy hoàng. Mẹ tôi, với tình yêu con thương cháu vô bờ, tiếp tục ở lại chăm con cho tôi xúng xính váy áo đi làm công sở.
Thời gian biểu của một “nữ cường nhân”
Đi làm rồi mới thấy, công cuộc này của mẹ bỉm sữa thực không hề đơn giản. Dù đi làm, tôi vẫn muốn con được chăm sóc tốt và mẹ mình không phải vất vả quá nhiều. Thế là tôi bắt đầu thời gian biểu của một “nữ cường nhân”. 5 giờ sáng tôi thức dậy, nấu đồ ăn dặm cho con và bữa trưa cho bà ngoại (bà trông bé không thể tự nấu ăn) đồng thời sơ chế tẩm ướp thực phẩm cho bữa chiều. Sau đó tôi ăn sáng (thường là bánh mình sandwich với phô mai hoặc bánh bao cho nhanh) rồi khi bé dậy tôi cho bé tắm. Bà ngoại sẽ cho bé ăn sau đó, khi tôi có chút thời gian tắm rửa, trang điểm tí ti rồi vội vã đi làm. Nhiều khi phóng xe đi, tôi chở theo bịch rác để tí nữa tiện đường bỏ luôn, văng vẳng bên tai là tiếng con khóc đòi mẹ. Trái cây, đồ ăn vặt tôi cũng cho vào giỏ mang lên văn phòng chứ về nhà lu xu bu chả rảnh mà ăn nữa. Bù lại, tôi có một bữa trưa thiên đường.
Tôi được ăn quán ngon, ngồi ăn thong thả, gặp gỡ bao nhiêu là bạn bè đồng nghiệp cũ. Để rồi hơn 6 giờ chiều, về đến nhà tôi lại thay ngay bộ đồ công sở, ôm ấp bù đắp cho con cả ngày xa mẹ. Sau đó dọn dẹp nhà cửa giặt phơi quần áo rồi dỗ con ngủ. Đêm lục đục cho con bú đêm rồi ru cho con ngủ lại, xong lại tính toán ngày mai ăn uống mua bán những gì. Cá thịt rau trái gì tôi cũng mua online cả, cái nào gần công ty thì bảo họ ship qua đó chiều tối tôi tải về nhà, hòng tiết kiệm hai mươi nghìn phí ship.
Chọn lựa đi làm, tôi thực sự trở thành một "nữ cường nhân" (Ảnh minh họa)
Đó là thời khóa biểu của những ngày tươi đẹp, khi bé con khỏe mạnh, vui vẻ. Những hôm cháu bệnh, tôi đưa đi khám rồi kêu taxi cho bà cháu đi về, phần mình vội vã vào công ty. Cháu mệt quá bà chăm không xuể, tôi nghỉ phép ở nhà. Phép hết, tôi nghỉ không lương, cũng may công ty họ cũng thông cảm. Và để có được sự thông cảm ấy, bình thường tôi phải nỗ lực làm việc gấp đôi.
Khó khăn vất vả mấy, tôi cũng không thể than thở với chồng. Vì một lần trót nói, anh đã phủ đầu: thì anh đã nói em rồi, ở nhà cho khỏe không nghe! Niềm an ủi của tôi là con gái mỗi ngày mỗi lớn, mẹ tôi vẫn kề cận là chỗ dựa tuyệt vời cho mẹ con tôi. Trí não tôi dần dần “tái sinh” và tài khoản tiết kiệm cũng tăng dần đều mỗi tháng. Như vậy năm sau khi con 2 tuổi, tôi có thể chọn trường tốt cho con để con đi học, mẹ đi làm, bà ngoại được nghỉ ngơi!
(Còn tiếp)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.