Hôm đó, khoảng hơn 11h đêm. Mẹ chuẩn bị lên giường đi ngủ thì tự nhiên thấy có hiện tượng “vỡ ối”. Bố cuống cuồng đòi gọi ngay cho bác sĩ, còn mẹ vẫn bình chân như vại, thủng thẳng nói: “Có lẽ không sao đâu. Em nghe mọi người ở cơ quan nói, họ phải đau 1-2 ngày mới đẻ được, đằng này em không đau, chỉ rò ối tý thôi” .
Vậy là mẹ đi lấy “bỉm” đóng vào và định leo lên giường để ngủ, nhưng bố không yên tâm và cứ bắt gọi điện cho bác sỹ. Cuối cùng chiều ý bố, mẹ gọi điện và ngay lập tức bác sỹ yêu cầu xuống viện ngay “vỡ ối rồi mà còn nằm nhà làm gì, xuống viện ngay đi”.
Thế là, mẹ đành dậy thay quần áo và chỉ cầm theo túi đồ đã chuẩn bị sẵn (gồm quần áo và vài thứ cần thiết) chứ không cầm theo túi bỉm vì nghĩ: “chắc mai mới sinh nên mai chồng quay về lấy cũng được”
Bố mẹ vẫn thong dong đi xe máy xuống viện với tốc độ ‘vừa đi vừa ngắm cảnh” dù đã 23h30’ (bởi vì mẹ không có cảm giác đau bụng hay hiện tượng gì khác nên vẫn thoải mái lắm).
Mẹ đã có một hành trình đi đẻ có 1-0-2 (Ảnh minh họa)
Nhưng khi đến bệnh viện, vừa bước xuống xe thì nước ối chảy ra rất nhiều, ướt hết cả quần luôn. Bác sỹ vội vàng nói với các y tá ở đó kiểm tra cho mẹ xem tình hình thế nào. Nhưng ngặt nỗi, tử cung mẹ không mở phân nào, không có hiện tượng đau bụng (dù chỉ là lâm râm). Vì vậy, bác sỹ yêu cầu mẹ vân vê đầu vú để kích thích đau (trong khi chờ bác sỹ siêu âm), nhưng không có tác dụng.
Vậy là bác sĩ khuyên mẹ nên đẻ mổ. Cả bố mẹ đều hoang mang nên đã gọi về cho mọi người ở nhà hỏi ý kiến. Kết quả, 15 phút sau, mẹ lẽo đẽo theo bác sĩ vào phòng mổ. Lúc đó, mẹ cảm giác mình đi rất nhanh, do ối đã cạn nên không nặng nề nữa. Đúng 12 giờ đêm, mẹ được bác sĩ gây tê vào đốt sống lưng.
Ngay sau đó, họ chắn 1 tấm màn trước mặt mẹ, và họ bắt đầu dao kéo …. Khi bác sỹ rạch nhát dao đầu tiên, mẹ thấy đau quá vội kêu lên. Họ hơi lo lắng vì không ngờ thuốc tê chưa ngấm. Nhưng từ phát thứ 2 thì mẹ không thấy đau nữa mặc dù họ làm gì mẹ đều biết.
Một lúc sau, không hiểu có phải do phản ứng thuốc không mà tự nhiên người mẹ run bần bật. Cô y tá thấy vậy còn trấn an. Nhưng quả thực mẹ ko sợ và không đau chút nào, chỉ là không hiểu sao lại không kiểm soát được. Cô y tá phải giữ chặt tay mẹ nhưng không có tác dụng. Lúc đó, họ vội tiêm cho mẹ thêm 1 mũi nữa và nói thuốc này sẽ làm đầu óc mẹ hơi mơ màng một chút.
Đến khi bác sỹ nói với mẹ: “Chuẩn bị tinh thần nhé, sẽ bị hẫng 1 cái đấy”, thế là tự nhiên …. hụt 1 cái, mẹ vội mở mắt ra. Đúng 12h20’ đêm con cất tiếng khóc đầu tiên. Lúc đó mẹ thật sự không tỉnh táo nữa, tất cả cứ lơ mơ không tài nào mở mắt thêm được nữa.
Một lúc sau, thấy cô y tá bế con lại gần mẹ và nói “Ui …. bế bé ra cho bố bế mà không thấy bố đâu nên đành bế quay vào vậy. Cho mẹ thơm con cái này, bé khỏe mẹ yên tâm nhé!”. Dù rất muốn nhưng mẹ không mở nổi mắt ra để nhìn con được mà chỉ thơm vội thơm con 1 cái thôi. Sau đó mẹ bị đưa đi đâu đó mà mẹ không biết …
Một mình mẹ nằm trong phòng, bố thì bế con ở khu vực dành cho trẻ sơ sinh. Vài tiếng sau, mẹ thấy choáng váng, buồn nôn, mồ hôi lạnh toát ra… Mẹ sợ lắm, chỉ nghĩ: “Nếu mình chết ở đây thì cũng không ai biết, mặt con mẹ còn chưa được nhìn thấy mà”. Thật may, đêm kinh hoàng đó cũng đã qua.
Đến 8h00 sáng, họ đưa mẹ về phòng hồi sức bình thường trong khi bố con không biết mẹ được chuyển đi. Khi mẹ đến phòng bệnh nhân thì không có người nhà, không có chăn, gối. Mọi người trong phòng thấy vậy tội quá nên đã lấy gối và chăn cho mẹ dùng tạm. Mãi đến gần 9h sáng bố con mới tìm được mẹ, con ạ
Còn về phần con thì sao nhỉ?
Bố bế con về phòng được 30 phút thì con bắt đầu khoe "giọng hát". Khi bố vẫn đang vụng về không biết dỗ dành thế nào thì con tiếp tục khoe đường tiêu hóa khỏe mạnh của mình bằng cách "ị" phân xu. Con vừa khóc, vừa ị đùn, trời thì lạnh, bố cuống quá lau chùi vội vàng rồi tìm cách ru con ngủ, mặc cho phân su vẫn đang dính trên người con từ đầu đến chân.
Thế đấy, để sinh con ra cả bố và mẹ đều đã trải qua 1 đêm đầy “thử thách”. Giờ con đã lớn khôn rồi, mẹ luôn hy vọng con sẽ là một “SOÁI CA” trong tương lai nhé!
Chia sẻ ý kiến về bài viết với mẹ hương-mini shop tại đây
Hãy chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm về việc sinh con, nuôi dạy, chăm sóc con cùng chúng tôi bằng cách gửi bài viết về hòm thư: bandoc@lamchame.vn (Tiêu đề ghi rõ: Gửi chuyên mục Nhật ký làm cha mẹ). Những bài viết hay được đăng tải sẽ được tính nhuận bút theo quy định của ban biên tập. |
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.