Nhật ký một phóng viên Sài Gòn bỗng thành F0: 13 ngày ở bệnh viện dã chiến, tôi đã vượt qua như thế nào?

Phạm Văn Tiên, 27 tuổi, là phóng viên theo mảng xã hội, đời sống và công tác tại TP.HCM. Đầu tháng 8, anh mắc Covid-19, trải qua 27 ngày "chiến đấu" với virus để quay trở lại với công việc yêu thích.

Tôi là một phóng viên xã hội, suốt 4 đợt dịch Covid-19, từ khu cách ly, phong tỏa đến bệnh viện, nhà tang lễ, nơi nào tôi cũng có mặt. Tôi đã gặp, phỏng vấn và an ủi nhiều bệnh nhân mắc Covid-19.

Biết được môi trường tác nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là lúc tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, tôi luôn cẩn thận, trang bị đồ bảo hộ cần thiết. Một phần nào đó, vì đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine nên tôi nghĩ rằng, Covid-19 sẽ chẳng bao giờ tìm đến mình đâu. Nhưng không, tôi đã lầm!

Đến một ngày, tôi bỗng trở thành F0, mọi lý thuyết trong đầu đều tan biến.

Tôi sợ.

 

Dù trang bị kỹ lưỡng và được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, nhưng tôi vẫn dương tính với SARS-CoV-2

Tôi là F0

8h ngày 9/8, tôi chính thức trở thành F0 sau khi kết quả test nhanh và PCR đều dương tính với SARS-CoV-2. Dù đã chuẩn bị tâm lý và luôn nghĩ rằng nếu có nhiễm bệnh cũng sẽ không sợ, nhưng lúc nhận kết quả, tôi thật sự hoang mang. 2 ngày trước, tôi vẫn đi làm, phát quà hỗ trợ bà con, sinh viên khu vực phong tỏa.

Ngồi chờ trong phòng cách ly của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, tôi cố trấn an bản thân. Xung quanh tôi, một vài cô chú lớn tuổi cũng nhiễm Covid-19, họ khóc, tôi cũng bắt đầu lo sợ, đầu óc thì trống rỗng.

 
 

Trước khi nhiễm Covid-19, tôi thường đi phát quà, hỗ trợ bà con khu vực cách ly, phong tỏa cùng một số đội nhóm thiện nguyện trên địa bàn TP.HCM

Sau khoảng 10 phút định thần, tôi bắt đầu nói chuyện với một F0 lớn tuổi và an ủi cô. Lần này, với tư cách là một F0 đang nói chuyện với một F0, có chút lạ lẫm, hơi bất ổn trong suy nghĩ nhưng cuối cùng, mọi lo lắng của tôi và cô đều tan biến. Trước mắt chúng tôi chính là những ngày chiến đấu với Covid-19, và tôi tin bản thân sẽ vượt qua nó.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm PCR, tôi được nhân viên y tế hướng dẫn về nhà tự cách ly, thông báo với địa phương chủ quản. Tôi gọi cho những người đã tiếp xúc trong thời gian qua dặn họ tự theo dõi sức khỏe, còn bản thân tạm gác lại công việc và lên dây cót tinh thần.

May mắn thay, ngoài đứa bạn cùng nhà cũng mắc bệnh (cùng đi test nhanh) thì tất cả bạn bè, anh chị em đồng nghiệp mà tôi tiếp xúc gần đều đã âm tính. Tôi thở phào nhẹ nhõm, trút bỏ được gánh nặng khi bản thân đã không làm "lây lan" dịch bệnh cho người khác. Mặc dù ngay cả chính tôi cũng không biết vì sao mình lại dương tính, nhưng tôi tự nhủ, lỡ dương rồi thì điều trị thôi!

Covid-19 dạy tôi bỏ hết thực phẩm "độc hại"

Trước khi nhiễm Covid-19, tôi là một người cuồng nước ngọt, đồ uống lạnh, hay bỏ bữa sáng, ăn mì gói thay bữa chính và hiếm khi nấu ăn. Không hẳn là lười biếng, nhưng do tính chất công việc buộc tôi tạm gác lại "sự chăm chút" cho cơ thể để chọn những thực phẩm tiện lợi nhất.

Nhưng khi là F0, mắc căn bệnh hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị theo triệu chứng, tôi hiểu dinh dưỡng, thể thao và tinh thần quan trọng như thế nào.

Tôi bắt đầu dọn dẹp lại tủ lạnh, bỏ hết những đồ uống có hại, dừng việc sử dụng đá lạnh, thức ăn nhanh và lên kế hoạch tự điều trị cho bản thân trước khi có thêm sự hướng dẫn từ y tế.

Nhật ký một phóng viên Sài Gòn bỗng thành F0: 13 ngày ở bệnh viện dã chiến, tôi đã vượt qua như thế nào? - Ảnh 3.

Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều người, tôi đã chuẩn bị được thực phẩm cho những ngày mắc Covid-19

Trong 2 ngày tự điều trị ở nhà, dù cơ thể có chút mỏi mệt nhưng tôi cố gắng chuẩn bị các bữa ăn một cách đầy đủ nhất. Đồng thời bổ sung các loại trái cây giàu vitamin, ăn uống khoa học hơn cũng như tập điều tiết cơ thể, giữ vệ sinh cá nhân, rèn luyện thể dục hàng ngày.

Vì chỉ số CT trong kết quả PCR của tôi thấp (27) nên buộc phải đi cách ly, điều trị tập trung để tránh lây nhiễm cho khu dân cư. Ngoài những vật dụng cá nhân, thuốc men, máy đo SpO2, nhiệt kế, thực phẩm là điều tôi quan tâm hàng đầu. Với kinh nghiệm được các F0 chia sẻ, tôi chuẩn bị ấm đun nước, một ít chà bông, đồ hộp, mì sữa, cháo gói và đặc biệt là trái cây.

Nhật ký một phóng viên Sài Gòn bỗng thành F0: 13 ngày ở bệnh viện dã chiến, tôi đã vượt qua như thế nào? - Ảnh 4.

Khu cách ly tập trung tại trường học, điều bất tiện duy nhất là hơn 10 người sử dụng chung một nhà vệ sinh

Dù chuẩn bị mọi thứ khá kỹ lưỡng nhưng khi được đưa đi cách ly tạm tại một trường mầm non trên địa bàn quận Bình Thạnh, tôi có chút hoang mang về môi trường sống khi hơn 10 người phải sử dụng nhà vệ sinh chung.

Dẹp suy nghĩ "than vãn" trong đầu khi ngành y tế đang quá tải, ai cũng phải đối mặt với những khó khăn chung. Tôi và mọi người tại điểm cách ly tập trung cố gắng hỗ trợ nhau dọn dẹp, nhắc nhở ý thức giữ gìn và san sẻ cho nhau những thứ có thể. Sau 1 ngày ở tạm, chúng tôi được lực lượng chức năng chuyển đến BV Dã chiến số 6 để điều trị.

13 ngày ở bệnh viện dã chiến, tôi đã vượt qua như thế nào?

Vì đã được tiêm vaccine, không bệnh nền nên ngoài ho, sốt cao 1 ngày, tiêu chảy, đau đầu…, tôi không có triệu chứng bất thường nào khác.

Nhật ký một phóng viên Sài Gòn bỗng thành F0: 13 ngày ở bệnh viện dã chiến, tôi đã vượt qua như thế nào? - Ảnh 5.

Tăng cường rèn luyện sức khỏe, tập thể dục mỗi ngày, đồng thời giữ khoảng cách an toàn với mọi người

Những ngày ở BV Dã chiến số 6, tâm lý tôi khá thoải mái khi luôn nghĩ về những điều tích cực nhất. Ngoài ăn, ngủ, tập thể dục, xem vài clip giải trí, đọc những tin tức cần thiết và trò chuyện với bạn bè, tôi cố gắng rèn luyện lối sống lành mạnh, khoa học.

Ngày thường, tôi ít tập thể dục, cũng không bao giờ uống nước ấm, đi ngủ trước 12h nhưng khi nhiễm Covid-19, tôi cố gắng bỏ điện thoại, laptop, ngủ sớm hơn, tập ăn nhiều hơn để có sức khỏe tốt nhất.

Ở bệnh viện dã chiến, tôi được cung cấp 3 phần ăn vào đầu buổi sáng, trưa và tối. Ngoài ra, các F0 cũng chia sẻ, hỗ trợ nhau về mặt thực phẩm. Ai có gì cho nấy, tạo nên sự gắn kết.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tự chăm sóc, gửi thông báo quan trọng, cập nhật tình trạng bệnh nhân mỗi ngày thông qua một nhóm chat trên mạng xã hội. Hầu hết mọi thuốc men đều do bệnh nhân không triệu chứng hoặc nhẹ như tôi tự chuẩn bị, ai cần gì sẽ được bác sĩ hỗ trợ, thăm khám trực tiếp.

 
 
 
 

Những ngày tại BV Dã chiến, tâm lý là điều quan trọng nhất giúp F0 vượt qua được nỗi sợ, nhanh chóng hết bệnh

Để có thể giấu gia đình ở quê, tôi cố tỏ ra bình thường khi vẫn đều đặn gọi điện về nhà, đăng tải những thông tin cần thiết lên mạng xã hội. Điều tôi lo lắng nhất là trước khi phát hiện nhiễm Covid-19, ngoài công việc của một phóng viên, tôi có tham gia một số hoạt động thiện nguyện như nấu cơm, phát rau củ hỗ trợ bà con khu phong tỏa, giúp đỡ các bạn sinh viên đang kẹt lại thành phố… Mọi kế hoạch hỗ trợ mọi người đều tan vỡ. Đau lòng hơn khi mỗi ngày, tôi đọc được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng bản thân lại bất lực.

Đến ngày thứ 10 tại bệnh viện, sau khi cơ thể đã dần hồi phục, các triệu chứng bệnh không còn (chỉ trừ ho dai dẳng), tôi bắt đầu tìm cách hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn thông qua sự giúp đỡ của mọi người. Chính việc này đã giúp tinh thần và quyết tâm mau khỏe, sớm xuất viện về nhà cách ly rồi quay lại guồng quay của công việc trong tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ơn trời, đến ngày 24/8, tôi đã âm tính và được về nhà điều trị.

 
 

Tôi cùng mọi người dọn dẹp lại phòng ốc, nhận giấy xuất viện và ra về sau 13 ngày điều trị

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không được phép "sợ hãi"

Hôm nay đã là ngày thứ 27 kể từ thời điểm tôi dương tính với SARS-CoV-2, sau các kết quả test PCR và test nhanh tại nhà, tôi đã âm tính, sức khỏe ổn định. Nếu so với các F0 khác, tôi cảm thấy may mắn hơn rất nhiều người vì các triệu chứng bệnh tương đối nhẹ nhàng, lại được sự quan tâm, hỗ trợ từ công ty, anh chị em đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là các y bác sĩ.

Trải qua "trận ốm" dai dẳng kéo dài và buộc phải đi bệnh viện, đã có lúc tôi sợ hãi, lo lắng và nghĩ về những điều không hay ho có thể xảy ra. Tôi biết dù bạn là ai, ở bất kỳ vị trí, công việc nào, dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt…, nhưng khi bất chợt trở thành F0, cảm giác không hề dễ chịu một chút nào.

 
 

Về nhà điều trị, việc ăn uống, bổ sung dinh dưỡng luôn được tôi quan tâm... Sau 27 ngày, tôi hoàn toàn khỏe mạnh, sẵn sàng quay lại với công việc

Điều có thể làm lúc đó là chính bản thân phải tự động viên, nghĩ về những điều lạc quan nhất. Khi đó, "cuộc chiến" sẽ đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều, giúp tâm lý thoải mái, cố gắng ăn uống, sinh hoạt điều độ. Mỗi khi cơ thể mệt nhất, hãy nghĩ đến gia đình, người thân yêu rồi cố gắng, không ai có thể cứu được bạn nếu chính bản thân bạn không trân trọng sự sống.

Hiện tại, toàn thành phố có hơn 100.000 F0 đang điều trị tại nhà, 40.000 người đang chiến đấu tại các bệnh viện, cơ sở y tế…, mong ai cũng đủ bình tĩnh, lạc quan và luôn có niềm tin để chiến thắng được bệnh tật, trở về nhà một cách bình an.

Đã đến lúc, TP.HCM cần phải khỏe lại, hạn chế những mất mát, đau thương do đại dịch gây ra.

 
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nhat-ky-mot-phong-vien-sai-gon-bong-thanh-f0-13-ngay-o-benh-vien-da-chien-toi-da-vuot-qua-nhu-the-nao-161210509000013361.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang