Nhiễm thêm cúm mùa có thể khiến mầm bệnh COVID-19 lây lan mạnh hơn trong cơ thể

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra sự biến đổi về cấu trúc tế bào người do virus cúm mùa gây ra có thể giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập dễ dàng hơn. Chính vì vậy, cúm mùa trở thành một “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với sức khỏe cộng đồng.

Dẫn một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết việc đồng nhiễm cúm mùa có thể khiến tốc độ nhân bản virus SARS-CoV-2 trong tế bào người tăng gấp 10.000 lần sau một bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Các cuộc thí nghiệm chỉ ra virus cúm A có thể thay đổi cấu trúc nhiều tế bào người chỉ vài giờ sau khi mắc bệnh. Từ đó, virus SARS-CoV-2 có thể “lợi dụng” những biến đổi đó xân nhập tế bào người một cách dễ dàng hơn và nhân bản nhanh hơn.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên trang web Biorxiv.org vào ngày 21/10.

“Dịch cúm mùa sắp tới ở phương Bắc kết hợp với đại dịch COVID-19 sẽ trở thành mối đe dọa trầm trọng tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng”, đội nghiên cứu dẫn đầu là Giáo sư Xu Ke thuộc phòng thí nghiệm nhà nước chuyên về virus tại Đại học Vũ Hán cảnh báo.

Tại Trung Quốc, người dân được khuyến khích tiêm phòng cúm A trước cuối tháng 10. Cúm A và COVID-19 biểu hiện cùng triệu chứng. Giới chức y tế lo sợ điều này không chỉ gây khó khăn cho việc chẩn đoán mà gây ra mỗi nỗi lo sợ chung.

Tuy nhiên, theo một số thông tin mà truyền thông địa phương đăng tải, do thiếu vaccine nên một vài người dân hoặc lựa chọn không đi tiêm hoặc tìm đến chợ đen để tìm thuốc với giá cắt cổ.

Trong các cuộc thử nghiệm, đội ngũ của Giáo sư Xu đã thu thập tế bào người từ nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể. Bên cạnh virus gây ra cúm A, các mẫu tế bào này còn chứa một số mầm bệnh khác như rhinovirus (virus gây ra cảm lạnh thông thường), Sendai virus và enterovirus gây ra bệnh tay chân miệng.

Sau khi cho các tế bào bị nhiễm các loại virus đó tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chỉ virus cúm A mới có thể làm cho tình trạng của bệnh nhân COVID-19 nặng hơn.

Mặc dù điều này xảy ra ở hầu hết tất cả các tế bào nhưng tế bào dễ bị tổn thương nhất là các tế bào trên bề mặt phổi, trong đó sự nhân bản của virus SAS-CoV-2 tăng từ 1.000 đến 10.000 lần, tùy thuộc vào mức độ của bệnh cúm. Họ đã thử nghiệm lại thí nghiệm trên chuột và cho ra kết quả cũng tương tự.

Nghiên cứu kết luận: “Chúng tôi đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm đầu tiên cho thấy việc nhiễm virus cúm A từ trước sẽ đẩy nhanh sự xâm nhập và lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong các tế bào.

Nhiễm thêm cúm mùa có thể khiến mầm bệnh COVID-19 lây lan mạnh hơn trong cơ thể  - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 24/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Vào đầu năm tại Vũ Hán – từng là nơi đầu tiên phát hiện virus SARS-CoV-2 , các bác sĩ đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân nặng phải vào các phòng chăm sóc đặc biệt có mắc cúm A cùng lúc.

Sun Tieying, một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Bắc Kinh đã đến Vũ Hán để hỗ trợ đại dịch, viết trong một báo cáo vào tháng 5 cho biết 20 trong số 50 bệnh nhân COVID trong khu chăm sóc đặc biệt mà ông đảm trách bị "nhiễm cúm kép".

 

Giới chức y tế ở các nước khác cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự về sự nguy hiểm của việc cùng một lúc nhiễm các chủng virus khác nhau. Hồi tháng 8, Tiến sĩ Robert Redfield - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ - cho biết nước Mỹ có thể phải đối mặt với “mùa thu tồi tệ nhất từ trước đến nay từ góc độ sức khỏe cộng đồng”.

Trong nghiên cứu của Giáo sư Xu, một bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A có thể có nhiều thụ thể hơn trên màng tế bào để liên kết với virus SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một số sự gia tăng đáng kể enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) trong các tế bào bị nhiễm cúm. Các cơ quan có nhiều tế bào ACE-2 hơn dễ bị tổn thương nhiều hơn.

Mặc dù các nhà nghiên cứu lưu ý cơ chế khiến quá trình nhân bản virus vẫn chưa rõ ràng nhưng họ đã xác định được một phân đoạn di truyền của virus cúm A có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp virus SARS-CoV-2 sao chép bên trong tế bào bị nhiễm bệnh.

Nghiên cứu khuyến khích thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đeo khẩu trang là hai biện pháp hưu ích nhằm bảo vệ mọi người khỏi sự tấn công của một trong hai hoặc cả hai loại virus.

Link gốc: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhiem-them-cum-mua-co-the-khien-mam-benh-covid19-lay-lan-manh-hon-trong-co-the-20201024191423467.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang