Nhiều cha mẹ kêu trời vì con bướng bỉnh, nhưng nếu biết 5 cách này thì việc “uốn nắn” trẻ không cần đến 1 tiếng quát mắng hay đòn roi nào

Parent coach Linh Phan sẽ chỉ ra những điều trẻ mong bố mẹ hiểu và gợi ý 5 chiến lược nhẹ nhàng, an toàn giúp 'uốn nắn' một em bé mẫu giáo mà không cần đòn roi, time-out hay mắng nhiếc.

Các bố mẹ thường bối rối và lo lắng khi các em bé trong độ tuổi mẫu giáo từ 2-5 tuổi có những hành vi la hét, đánh đấm khi tức giận. Một phần của vấn đề này có lí do là vì trẻ không nghĩ được thấu đáo hay tưởng tượng ra được hậu quả của hành động chúng làm trong thời điểm chúng tức giận (thực ra nhiều người lớn còn như vậy huống chi trẻ nhỏ). Mình có thể đảm bảo rằng những hành vi đó của trẻ không hề có tính "âm mưu" để khiến bố mẹ phát điên hay cố tình chọc giận người lớn.

Trẻ mẫu giáo thường có hành vi "bốc đồng" - nguyên nhân do đâu?

Các phần não bộ chịu trách nhiệm tự kiểm soát vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Bộ não chỉ phát triển 20% tại thời điểm con sinh ra và sẽ hoàn thiện hơn trong 6 năm đầu đời. Một khi bộ não đã tích hợp hoàn thiện hơn và thùy não trước trán kết nối được với bán cầu não trái và phải, trẻ mới có thể được trang bị tốt hơn để kiểm soát cảm xúc và những hành vi mạnh mẽ của mình.

Mình nhớ có một bà mẹ từng cảm thấy bế tắc hỏi mình là: Khi nào con em (3 tuổi) mới thôi đánh em trai mình?

Đây không phải là vấn đề về việc học tập hay tiếp thu, mà liên quan tới việc phát triển của não bộ. Mình đã giải thích rằng bạn nhỏ giống như một chiếc xe hơi đi nhanh mà không có phanh. Con có thể tăng tốc và đi theo những hướng khác nhau rồi gặp sự cố nếu như không có sự giúp đỡ của người lớn. Khi vùng não trước trán phát triển tốt hơn, tự nhiên con sẽ có thể áp dụng hệ thống phanh bên trong mình để kiểm soát những hành vi nóng nảy.

Gần đây cũng có bạn hỏi mình về việc em bé 3 tuổi sao dạo này hay "lờ" đi những lời mẹ nói, mặc dù trước đó rất chịu nghe lời.

Bố mẹ nên nhớ là trẻ mẫu giáo chỉ có thể tập trung vào một việc tại một thời điểm. Khi con đang cuốn vào một việc gì đó, những lời nói hay mệnh lệnh của người lớn có thể bị lu mờ. Bạn có thể gọi con tới bàn ăn tối nhưng sự chú ý của con đang ở chỗ khác và con không có phản ứng gì khi bạn gọi. Một em bé mẫu giáo cũng có thể quên những gì con đã làm trước đây – bao gồm cả sự chỉ dẫn của bố mẹ. Con không có ý định hay mục đích tạo ra những xung đột hay là la hét, cũng không thể lúc nào cũng dừng lại ngay lập tức để chú ý/tập trung – và đó là lý do vì sao con có thể rất bốc đồng.

Trẻ mẫu giáo biết nhiều hơn bạn nghĩ & 5 chiến lược kỷ luật nhẹ nhàng tích cực - Ảnh 1.
 

Điều mà mọi ông bố bà mẹ thường hỏi mình khi được coaching là ở độ tuổi nào thì họ nên mong đợi em bé bớt nóng nảy hơn và có thể kiểm soát hành động của mình? Dựa trên những gì mà nhà tâm lý học phát triển nổi tiếng Jean Piaget đã làm thì cụm từ "5 to 7 shifts" (sự thay đổi về nhận thức của trẻ trong khoảng từ 5 đến 7 tuổi) đã được đưa ra để chỉ độ tuổi khi não bộ của một em bé mẫu giáo có thể xử lý được những xung đột của cảm xúc và suy nghĩ. Chính sự mâu thuẫn giữa cảm xúc và suy nghĩ trái ngược là nguyên nhân của những hành vi bốc đồng, đôi khi có phần bạo lực và bướng bỉnh.

Khi một đứa trẻ bắt đầu trải qua những xung đột nội tâm, bố mẹ có thể tận mắt chứng kiến sự thất vọng được thể hiện ra ngoài khiến con run lên, tức giận, la hét… và những hành vi này có thể được tiết chế nếu như con nhận được sự quan tâm, đồng cảm, thấu hiểu.

Điều mà mọi em bé ở độ tuổi này thực sự muốn bố mẹ hay người lớn quanh em biết đó là: CON THỰC SỰ TRÔNG CHỜ vào những người lớn mà con gắn bó, yêu thương đáp ứng những mong đợi của mình. Và vì con chỉ sống với "từng khoảnh khắc" nên sự chỉ dẫn hay mệnh lệnh của bố mẹ dễ dàng bị lạc lối khi con đang chú ý vào những điều khác. Con MONG bố mẹ hiểu rằng con không cố ý bốc đồng, mà theo bản năng con đang hành động theo những xung động và cảm xúc thật nảy sinh bên trong mình.

5 chiến lược "uốn nắn" trẻ mẫu giáo một cách nhẹ nhàng, tích cực

Những chiến lược mình gợi ý sau đây có thể giúp các bố mẹ "uốn nắn" trẻ mẫu giáo một cách nhẹ nhàng, an toàn và phù hợp với sự phát triển của con:

1. Quan sát và thu thập các dữ liệu trước khi có hành động hay phản ứng/ tương tác

Trước khi hướng dẫn hay yêu cầu một đứa trẻ làm gì đó, sẽ hữu ích hơn nếu bạn bám theo những dữ liệu dựa trên bản năng của trẻ. Điều này có nghĩa là hãy cố gắng gần gũi, thu thập thông tin và quan sát mọi thứ bằng cái nhìn và tư duy của một đứa trẻ. Ví dụ như hãy chú ý và nói chuyện về những gì con đang làm. Đây là một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả để thu hút sự chú ý của con và khiến con tiếp thu dễ hơn, tránh được những tình huống "không lắng nghe" hay phản kháng.

Ví dụ cách bố mẹ có thể ứng xử và nói: "Ốc đang xếp hình gì đó con, nói cho mẹ biết được không" – ngồi xuống thấp bên con và chú ý vào những gì con nói. Cho tới khi con nói xong thì hãy đưa ra những yêu cầu hay mong muốn tiếp theo: "Phức tạp quá nhỉ, nếu cần mẹ giúp thì nói cho mẹ biết nhé. Hay là mình đi đánh răng một chút rồi lại ra chơi tiếp nhỉ?".

2. Tạo thói quen

Những thói quen có thể giúp chúng ta dự đoán được và tạo ra những trật tự cần có hàng ngày, giúp định hướng được cho trẻ làm theo những gì chúng ta mong đợi mà không cần lúc nào cũng kè kè bên cạnh để giám sát. Chúng ta có thể hát để con biết đã tới giờ dọn dẹp, đánh răng. Những thói quen giúp bù đắp cho sự thiếu nhận thức ở trẻ độ tuổi mầm non và có thể giúp điều phối hành vi của con một cách an toàn và phù hợp với sự phát triển. Bộ công cụ này có thể giúp con hình thành thói quen.

3. Gợi ý trước về những dự định hay ý định tốt đẹp

Một trong những cách tiếp cận kỷ luật tốt nhất với trẻ nhỏ là cho trẻ tham gia trước vào những gì con có thể phải "vật lộn", như là không muốn dắt tay khi đi sang đường hay chia sẻ đồ chơi.

Thay vì chờ đợi rắc rối xảy ra, một cách hữu ích là chúng ta nói cho con về những ý định tốt trước khi nó tới. Ví dụ bạn có thể hỏi "Mẹ có thể nắm tay con nếu như mình ra ngoài đi dạo bây giờ không?". Con sẽ trả lời rất trung thực. Nếu con nói đồng ý, khi ra ngoài bạn hoàn toàn có thể nhắc nhở lại con về điều này. Nếu con nói không, đơn giản là chúng ta có thể nói hay giải thích với con một cách nhẹ nhàng vì sao việc dắt tay lại quan trọng để khơi gợi sự hợp tác. Khi chúng ta đưa ra trước các vấn đề với trẻ, nó có thể ngăn chặn việc đối phó với những phản ứng gay gắt hay khó chịu.

Đây cũng là cách mà chồng mình thường làm với bạn lớn 4 tuổi trước khi ra ngoài. Bố sẽ thỏa thuận với bạn ấy trước là "Nếu hôm nay mình đi chợ cùng nhau, con sẽ phải tự đi bộ thay vì ngồi lên vai bố, vì bố sẽ phải xách rất nhiều đồ. Nếu con đồng ý, mình sẽ đi với nhau, còn không, chắc con sẽ phải ở nhà vì bố không thể vừa xách đồ vừa để con ngồi lên vai được, bố sẽ rất mệt và mình không thể về nhà được…". Khi bạn ấy đã đồng ý thì suốt cả cuộc hành trình, bạn ấy sẽ không đòi hỏi bố cho ngồi lên vai giống như những lần không thỏa thuận trước. Thường là nếu không gợi ý trước và từ chối, bạn ấy có thể sẽ mè nheo khóc lóc và bùng nổ cảm xúc một cách dễ dàng.

4. Tránh time-out hay những hình thức kỷ luật có tính "tách biệt" khác

Chúng ta muốn trẻ mẫu giáo tuân theo và lắng nghe chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta tước đi những gì con quan tâm hay yêu thích để chống lại hay trừng phạt con. Sự tách biệt hay bỏ mặc là những hình phạt có tác động mạnh mẽ nhất trong mọi loại trải nghiệm mà trẻ có được, đặt biệt là phương pháp time-out nếu áp dụng cứng nhắc và quá nghiêm khắc sẽ gây hại rất nhiều cho mối quan hệ của bố mẹ và con. Muốn con chú ý và có thể chú ý để nghe lời dạy dỗ của bố mẹ thì trước hết phải củng cố một mối quan hệ vững chắc và sự kết nối mật thiết giữa bố mẹ với con.

Trẻ mẫu giáo biết nhiều hơn bạn nghĩ & 5 chiến lược kỷ luật nhẹ nhàng tích cực - Ảnh 2.
 

5. Dạy con bằng ngôn ngữ của trái tim

Một trong những thứ mà trẻ cần giúp và cần được dạy đó là có thể sử dụng ngôn ngữ để nói ra những cảm nhận của mình, ví dụ như "Con thấy buồn/tức giận quá". Khi con đã nói ra được cảm xúc, con ít có khuynh hướng sử dụng cơ thể để la hét hay đập phá để thể hiện nhu cầu của mình. Nếu chúng ta muốn con thể hiện bản thân một cách văn minh, chúng ta cần bắt đầu bằng cách dạy con từ ngữ để sử dụng.

Trẻ mẫu giáo là đại diện cho sự kỳ diệu và vẻ đẹp rất sơ khai trong sự phát triển của con người. Con tiến hóa từ những "sinh vật" bốc đồng nhất-quả-đất thành những con-người-văn-minh chỉ trong vài năm. Cha mẹ có vai trò quan trọng trong quá trình này để bù đắp sự non nớt của con, hướng con tới những hành vi văn minh và tiếp tục chăm sóc con những năm sau đó.

Có một thứ ngôn ngữ khác nữa ngoài những gì chúng ta nói hay giao tiếp hàng ngày với con: đó là ngôn ngữ của trái tim, từ trái tim. Mọi đứa trẻ cảm nhận được yêu thương và sống trong yêu thương, rồi dần dà cũng sẽ tự điều chỉnh được hành vi của mình theo-cách-mà-nó-phải-thế.

Khi chúng ta làm tròn phận sự của mình, thì tự nhiên sẽ tự khắc thực thi phần còn lại và giúp con lớn lên – theo cách lành mạnh nhất có thể.

Tin là, bố mẹ thay đổi, con sẽ thay đổi.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

 

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang