Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 7/2023

(lamchame.vn) - Từ 1/7, nhiều chính sách về kinh tế như: Tiền lương, giảm thuế VAT,... cũng như những chính sách liên quan đến đời sống xã hội: Xác định thêm hành vi bạo lực gia đình,... sẽ chính thức có hiệu lực.

Những chính sách về kinh tế

Tăng lương cơ sở

Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 01/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Đây là mức lương được dùng để xác định bảng lương, mức phụ cấp và các chế độ khác của cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp cùng người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Nhờ việc tăng lương cơ sở vào ngày 01/7/2023 tới, cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được tăng đáng kể thu nhập.

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 7/2023 - Ảnh 1.

Như vậy, sau 2 năm (2020, 2021) bị trì hoãn do nước ta bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương cơ sở. Ảnh minh hoạ.

Tiếp tục giảm thuế VAT còn 8%

Tại Thông báo số 2298/TB-TTKQH về kết luận đối với dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào Chương trình Kỳ họp thứ 5, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình, thủ tục rút gọn và đưa nội dung này vào nội dung Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội.

Trong thông báo cũng nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) giống như Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tải khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với thời gian áp dụng là từ ngày 01/7/2023 - 31/12/2023.

Theo đó, trong nửa cuối năm 2023, tính từ ngày 01/7/2023, nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế VAT 10% sẽ được giảm còn 8%.

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 7/2023 - Ảnh 2.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ.

Những chính sách liên quan nhân lực, đời sống xã hội

3 nhóm đối tượng thuộc tinh giản biên chế

Thay thế cho các Nghị định cũ về tinh giản biên chế từ ngày 20/7/2023, Nghị định 29/2023/NĐ-CP đã có những hướng dẫn mới về các nhóm đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế.

Thay vì chia làm 07 nhóm đối tượng như trước, Nghị định 29/2023/NĐ-CP chỉ ghi nhận 3 nhóm đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế bao gồm:

Nhóm 1: Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và lao động hợp đồng không xác định thời hạn:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự.

- Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã .

- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được đồng ý.

- Chưa đạt trình độ đào tạo của vị trí đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được đồng ý;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau…

- Cán bộ, công chức, viên chức đang bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được đồng ý….

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 7/2023 - Ảnh 3.

Nhóm 2: Lao động hợp đồng không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực.

Nhóm 3: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp.

Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP sẽ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.

Thêm nhiều hành vi được xác định là bạo lực gia đình

Ngày 01/7/2023 cũng đánh dấu thời điểm có hiệu lực của hàng loạt Luật mới: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Trong đó, được quan tâm hơn cả là các quy định mới tại Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Luật này đã bổ sung thêm rất nhiều các hành vi được xếp vào nhóm bạo lực gia đình như:

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 7/2023 - Ảnh 4.

Bên cạnh hành vi gây tổn thương về thể chất, bạo lực tinh thần cũng là hình thái bạo lực để lại nhiều tác động nặng nề - Ảnh minh họa

- Cưỡng ép chứng kiến bạo lực với người, vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

- Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc (là thành viên gia đình); không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, hình thể, năng lực của thành viên gia đình;

- Tiết lộ/phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

- Cưỡng ép trình diễn khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực.

- Cưỡng ép mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai;

- Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

- Cưỡng ép thành viên gia đình học tập quá sức…

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang