Ở Hà Nội, từ ngày 8/2, nhiều trường THCS, THPT cho học sinh đến trường học tập sau thời gian dài học trực tuyến do dịch COVID-19. Các trường đều thực hiện nghiêm chỉnh Hướng dẫn liên ngành về phương án phòng chống dịch COVID-19 khi có trường hợp mắc COVID-19 (F0), nghi mắc COVID-19, tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) để đảm bảo theo đúng nguyên tắc: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19).
Tuy nhiên, theo ghi nhận các bậc cha mẹ vẫn lo lắng bởi tình hình dịch vẫn phức tạp, có nhiều ca F0 trong cộng đồng. Phụ huynh đi làm trong trạng thái bất an, thấp thỏm sợ lớp học có ca F0.
Anh Trần Văn Long, phụ huynh có con học ở trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, TP. HN) chia sẻ: "Được đi học trở lại, thấy con hào hứng lắm. Còn tôi thì lo lắng bởi lỡ có ca F0 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con. Dù nhà trường đã xây dựng kịch bản xử lý nhưng tôi vẫn bất an. Hiện các ca F0 vẫn tăng cao mỗi ngày nên nguy cơ có ca nhiễm tại trường học là rất cao. Tôi nghĩ các con nên học online thêm một thời gian, đợi dịch bệnh lắng xuống".
Chung tâm trạng ấy, chị Trần Linh (quận Long Biên, TP. HN) dậy từ sáng sớm để chuẩn bị các vật dụng bảo vệ sức khỏe cho con. Chị để vào balo của con 5 chiếc khẩu trang để thay thường xuyên, tấm bảo hộ chống giọt bắn, dung dịch sát khuẩn tay và một bình nước lọc. Chị Linh không quên dặn con dù gặp lại các bạn rất vui mừng nhưng khi nói chuyện vẫn cần đeo khẩu trang cẩn thận. Tuy nhiên khác với anh Long, chị Linh hoàn toàn yên tâm các thầy cô giáo sẽ có biện pháp phòng chống dịch và xử lý kịp thời nếu có tình huống xấu xảy ra.
"Khi con được trở lại trường, phụ huynh cũng rất vui bởi con đã quay về với quỹ đạo học tập. Nhưng cũng hết sức lo lắng vì dịch bệnh vẫn tăng cao ở TP. HN. Sau một ngày con đến trường, tôi thấy nhiều trường xuất hiện F0, có cả cô giáo cũng là F0. Nhưng với tình hình "bình thường mới" của toàn dân nói chung và hệ thống giáo dục nói riêng thì chúng tôi thấy an tâm phần nào. Quan trọng nhất là đa số học sinh đều đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19, mức độ an toàn sẽ cao hơn", chị Diệu Thuý (quận Tây Hồ, TP. HN) chia sẻ.
Nhiều học sinh là ca F0, nhà trường xử lý ra sao?
Sau ngày đầu trở lại trường, nhiều học sinh phải ngay lập tức trở về nhà, tiếp tục học trực tuyến bởi trong lớp có ca F0. Ngay trong sáng 8/2, một trường phổ thông tại quận Nam Từ Liêm có 117 học sinh nghỉ học, trong đó có 16 học sinh diện F0, 24 học sinh diện F1 có nguy cơ cao. Tại trường THCS Thăng Long (Hà Nội) cũng phát sinh 1 học sinh diện F0.
Bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết trong hai ngày 8/2 và 9/2, toàn trường ghi nhận 5 học sinh diện F0, 94 học sinh diện F1 có nguy cơ cao. Trước khi trở lại trường, có 10 học sinh diện F0 nghỉ học tại nhà để điều trị.
Vị hiệu trưởng cho biết, ngày 8/2 và 9/2, trong mỗi ngày đều ghi nhận 2 học sinh diện F0. Cả 4 học sinh này khi đi học, sức khoẻ đều bình thường. Nhưng đến khi về nhà, được cha mẹ test nhanh thì có kết quả dương tính. Sau đó, gia đình đã tiến hành xét nghiệm PCR, thông báo với cơ sở y tế địa phương và cho con nghỉ học ở nhà. Hiện sức khoẻ các học sinh vẫn ổn định. Trước tình hình trên, giáo viên chủ nhiệm đã lọc danh sách các học sinh tiếp xúc gần (gồm học sinh ngồi phía trước, phía sau và có tiếp xúc) để cho nghỉ học. Đồng thời, nhà trường tiến hành khử khuẩn lớp học.
Bà Nguyễn Mỹ Hảo chia sẻ: Trước khi Bộ Y tế ban hành sổ tay "Hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại trường học", nhà trường đã thiết lập sổ tay riêng để giáo viên, phụ huynh, học sinh bình tĩnh xử lý mọi tình huống.
Đối với trường hợp phụ huynh gọi điện thông báo con có kết quả xét nghiệm dương tính, cô giáo chủ nghiệm sẽ lập tức lập danh sách học sinh diện F1 có nguy cơ cao. Đồng thời, nhà trường sẽ báo Y tế test nhanh, tiến hành theo dõi sức khoẻ và cập nhập tình hình vào sổ theo dõi Y tế. Đối với tình huống học sinh diện F0 được phát hiện tại lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ tiến hành tách F0, lập danh sách học sinh diện F1 ngồi xung quanh và thực hiện đúng theo hướng dẫn đã ban hành".
"Vì đã xây dựng kỹ lưỡng phương án xử lý các tình huống nên nhà trường hoàn toàn trong thế chủ động. Các thầy cô đều có phương pháp ổn định tâm lý cho học sinh, tránh để các em lo sợ, hoang mang", vị hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân thông tin.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, để đánh giá tình hình tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, ngày 9-2, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra do Bộ trưởng, các Thứ trưởng làm trưởng đoàn để khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến đại học.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nhieu-hoc-sinh-o-ha-noi-la-ca-f0-vua-di-hoc-truc-tiep-da-phai-quay-ve-nha-phu-huynh-di-lam-trong-thap-thom-nha-truong-xu-ly-ra-sao-162221002113011731.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.