GIÁO VIÊN THIẾU VÀ YẾU
Ngành giáo dục luôn có các vấn đề nóng liên quan đến bạo lực học đường, thiếu giáo viên, giá sách giáo khoa tăng cao, bệnh thành tích. Trước thềm năm học mới, theo ông, đâu là thách thức?
Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự chuyển hướng rất đúng đắn, trong đó chuyển đổi phương thức dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế năm nay triển khai là năm thứ 3 nhưng ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều có tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Có môn học mới thậm chí còn không có giáo viên để dạy học. Điều này cho thấy sự thiếu sót, không tính toán của ngành giáo dục. Đáng ra, để thực hiện chương trình, Bộ GD&ĐT phải có kế hoạch từ 3 - 5 năm để đặt hàng các trường ĐH sư phạm đào tạo đội ngũ đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, phải có chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm và làm bền bỉ chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa” bằng hình thức trực tuyến. Thậm chí, khi đã có một số giáo viên giỏi, đưa đi tập huấn ở nhiều nơi sẽ tránh được chuyện thiếu lẫn yếu về đội ngũ nhà giáo.
Ngoài ra, thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục vẫn là chạy đua theo điểm số, thành tích ảo. Chúng ta đổi mới giáo dục, trong đó phải nhận thức được giáo dục không chỉ mang lại tri thức mà làm cho học sinh thay đổi cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn. Trong khi cách dạy của chúng ta vẫn đang đánh giá tất cả các em đều cố gắng làm sao để giỏi, đạt điểm 10 các môn. Tôi cho rằng, điều này không phù hợp. Đánh giá một con người phải đánh giá cả niềm vui, sự sáng tạo, có khát vọng làm việc gì đó. Hiện nay, giáo viên, nhà quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh chưa thật sự chú trọng việc này.
Hay như giá sách giáo khoa tăng cao gây khó khăn cho nhiều phụ huynh. Chưa kể, mua ở nhà trường thì bán theo combo kèm sách tham khảo, mua ở nhà sách thì toát mồ hôi. Bộ GD&ĐT cần có sự cân nhắc về giá sách, cách phát hành phù hợp, trong đó ưu tiên quyền lợi học sinh vì SGK là mặt hàng đặc thù, không chỉ vì lợi ích của các đơn vị.
CHẠY THEO ĐIỂM SỐ, THÀNH TÍCH
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Dù đau nhưng vẫn phải nói thẳng ra, giáo dục chưa thật sự trung thực”. Điều này xuất phát từ thực tế nào, thưa ông?
Đó là cách đánh giá học sinh vẫn theo điểm số. Như vậy, em nào cũng phải xuất sắc, giỏi. Cha mẹ cũng sẽ bằng mọi cách ép con học thêm, gây áp lực để làm sao đạt được thành tích tốt nhất, bảng điểm đẹp nhất mới hài lòng, trong khi cần giáo dục một đứa trẻ rất nhiều kỹ năng khác. Tại sao không đánh giá sự chuyển biến của học sinh từ năm học này qua năm học khác để đánh giá sự nỗ lực của cả thầy và trò?
Việc đánh giá các chỉ tiêu khác trong giáo dục cũng dựa vào số liệu, báo cáo mà không căn cứ vào thực tiễn. Những con số trên báo cáo thì càng phải đẹp càng tốt. Điều đó khiến cho các giáo viên, nhà trường cũng phải chạy đua để có thành tích còn báo cáo. Trong khi mục tiêu của chúng ta là giáo dục làm sao để học sinh làm được gì thì chưa được quan tâm, chú trọng. Giáo dục phải làm thực chất, chống triệt để bệnh thành tích, bệnh hình thức thì mới mong hiệu quả.
Căn bệnh hình thức, chạy theo thành tích dường như đã ăn sâu, bén rễ trong cả ngành giáo dục. Dù đau nhưng phải có giải pháp nào đó để loại bỏ?
Cơ quan quản lý phải dám nhìn thẳng vào sự thật còn nếu cứ ngồi khoanh chân thì khó giải quyết được các vấn đề. Giáo dục là ngành rất đặc thù, trong đó phải chú trọng “trồng người”, quan tâm đội ngũ có năng lực.
Tôi cho rằng, ngoài bồi dưỡng đội ngũ thì thay đổi cách đánh giá sẽ thay đổi được căn bệnh này. Một nước đứng đầu về giáo dục như Phần Lan hiện nay không đánh giá học sinh theo hình thức ai giỏi hơn, ai kém hơn hay đỗ, trượt mà chỉ tập trung vào phát triển năng lực từng học sinh. Mỗi em sẽ có năng lực, thế mạnh riêng biệt. Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới đã đi đúng hướng, tuy nhiên vẫn trên nền lấy tỉ lệ % học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia; học sinh giỏi trường lớp để báo cáo thì rất khó thực hiện và chúng ta sẽ vẫn mãi loanh quanh, luẩn quẩn với bài toán chưa giải được. Đó là giáo dục không thực chất.
Đã có tình trạng giáo viên ồ ạt nghỉ việc như ở tỉnh Bình Dương vừa qua. Điều này chỉ báo sự lo lắng, bất ổn về nguồn lực của ngành trong tương lai?
Đồng lương thấp chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thì xu thế tất yếu sẽ có người rời đi. Nhà nước đang khuyến khích khối trường ngoài công lập phát triển, ở đó họ được trả lương cao, đảm bảo quyền lợi khác. Ngành y tế đang phải trả giá cho việc này khi người giỏi rời bỏ đơn vị nhà nước. Đó là quy luật kinh tế thị trường, không thể duy ý chí để bắt họ phải làm cái này hay cái khác. Ở đâu đảm bảo được điều kiện kinh tế tốt hơn thì họ đi. Hay có người đang ở lại nhưng vì lương chưa đủ sống lại không chuyên tâm cho nghề dạy học, thậm chí lôi kéo học sinh về nhà học thêm. Do đó, các nhà quản lý phải thấy được rằng, muốn họ làm tốt, việc đầu tiên phải tính toán để đảm bảo đồng lương, nếu không, không chỉ tương lai mà hiện tại ngành đang đối mặt với việc thiếu giáo viên trầm trọng.
“Người Việt Nam mình rất quan tâm đến giáo dục, chi tiền cho giáo dục rất lớn. Tuy nhiên, khoản chi cho học thêm rất nhiều để nâng thành tích điểm số là điều đáng suy nghĩ”.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam
Theo ông, trong năm học mới, ngành giáo dục cần phải làm gì để giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra?
Điều đầu tiên, ngành giáo dục phải thay đổi cách thức tổ chức quản lý, đẩy mạnh quyền tự chủ trong các nhà trường và cuối năm đánh giá chất lượng. Do không tự chủ, không được quyền quyết định nên các trường phổ thông phải loay hoay “bơi” trong tình trạng bị “trói tay” nên nhiều chủ trương, chính sách đến trường học không thực hiện được. Chỉ khi nào, trường học được giao quyền chủ động giảng dạy, tuyển chọn giáo viên… khi đó mới đảm bảo chất lượng.
Điều quan trọng thứ 2 là bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo thật tốt vì chỉ khi “có bột mới gột nên hồ”, “không thầy đố mày làm nên”. Việc này phải được làm đồng bộ từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và thanh lọc giáo viên nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ. Giáo viên luôn là yếu tố quyết định thành bại của chương trình giáo dục.
Thứ 3 là kiên quyết giao trách nhiệm về chất lượng giáo dục cho từng địa phương để họ chịu trách nhiệm. Hiện nay, địa phương tập trung rất nhiều về kinh tế nhưng không lo đến việc “trồng người” như thế nào để có nguồn nhân lực tốt hay có chính sách thu hút người tài về các trường phổ thông dạy học. Nhiều địa phương vẫn coi giáo dục là chuyện của Bộ GD&ĐT, không thật sự quan tâm thúc đẩy chất lượng, không đầu tư cơ sở vật chất. Ngay như việc đưa nội dung làm thế nào để làm nông nghiệp hiệu quả, học sinh cấp 3 có thể tham gia được, từ đó định hướng nghề nghiệp nhưng chúng ta không làm.
Bộ GD&ĐT nghiên cứu cùng các ngành đưa ra chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng giáo dục từng tỉnh, thành phố để họ chịu trách nhiệm về chất lượng tại chỗ. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng sách giáo khoa mới. Những việc khó một mình Bộ GD&ĐT không thể làm được cũng phải quyết liệt ngồi lại với các bộ, ngành để họ cùng hỗ trợ phát triển giáo dục.
Cảm ơn ông.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.