Ở Sài Gòn có một con đường nếu ai nghe tên mà chưa đi đến sẽ nghĩ chỉ bán toàn thuốc Đông y. Nhưng điều đặc biệt là con đường này có thể báo hiệu sắp đến sự kiện lễ hội nào trong năm bởi vì đây là "thiên đường" bán đồ trang trí lớn nhất Sài Gòn. Chắc nhiều người đã nhớ ra đường Hải Thượng Lãn Ông, bởi vừa hết Lễ Giáng Sinh thì đã thấy mọi người bắt đầu treo rợp hoa đào, hoa mai, hình ảnh linh vật năm mới với màu vàng, màu đỏ rực cả một khu.
Không chỉ đến Hải Thượng Lãn Ông mới thấy Tết đến mà còn một dấu hiệu nữa, đặc biệt chỉ xuất hiện ở khu người Hoa chính là những quầy viết liễn.
Thấy xuất hiện các quầy viết liễn của người Hoa là thấy Tết
Đi qua khu người Hoa sẽ thấy rất nhiều ngôi nhà phía trước cửa dán mỗi bên một tờ giấy đỏ viết những câu chúc mừng. Những tờ giấy đó dán suốt một năm và sẽ được tháo xuống vào những ngày cuối năm để mọi người trang hoàng lại nhà cửa. Sau đó, người ta mua lại một tờ giấy mới để dán lên tiếp, đó là phong tục treo liễn đỏ vào năm mới của người Hoa.
Nhưng có những người chỉ viết liễn chúc Tết vào tháng cuối cùng của năm để mọi người thay liễn treo trước nhà
Cho nên mới nói, khi bắt đầu thấy những quầy viết liễn được dọn ra đỏ rợp một khu là lóe lên suy nghĩ trong đầu "Tết đến rồi nè!". Vì là truyền thống lâu đời của người Hoa nên chỉ bắt gặp những quầy liễn đỏ ở khu tập trung nhiều người Hoa sinh sống như quận 5.
Ngoài những gia đình chuyên nghề làm bảng hiệu, viết thư pháp thì có những người chỉ "xuất hiện" duy nhất một tháng cuối năm để viết liễn chúc Tết cho mọi người.
Tại sao người Hoa lại treo liễn vào năm mới?
Giải thích cho phong tục này là câu chuyện truyền miệng của người Trung Quốc xưa về một con quái vật xuất hiện vào đêm giao thừa. Ông Huỳnh Trí Cầu - một người viết liễn lâu năm chia sẻ: "Theo truyền thuyết, có thật hay không thì chưa có chứng minh. Nhưng theo truyện cổ thì ngày xưa có con Niên - con thú mỗi lần xuất hiện là bắt người dân ăn thịt khiến ai nấy cũng khiếp sợ...".
Cứ đến ngày ba mươi Tết, dân làng phải dìu dắt nhau lên núi lánh nạn một ngày để trốn khỏi sự truy đuổi của con Niên. Đến một đêm giao thừa năm nọ, trong lúc mọi người tháo chạy thì một cụ ăn xin xuất hiện trong thôn. Một bà lão đã chia sẻ ít thực phẩm và khuyên cụ nên lên núi để tránh thú dữ. Để trả ơn bà lão, cụ ăn xin đã đề nghị tá túc qua một đêm sẽ đuổi thú dữ ra khỏi thôn.
Khi đêm đến, con Niên đi vào làng và bị thu hút bởi ngôi nhà do cụ ăn xin dán giấy đỏ phía trước cửa và thắp nến sáng bừng. Điều này đã làm con quái vật hóa điên và thét lên căm phẫn, khi nó định xông vào nhà thì đồng thời tiếng pháo nổ vang trời khiến cho con vật phải kinh sợ. Lúc này cụ ăn xin xuất hiện với bộ quần áo đỏ thắm, miệng cười sảng khoái, con Niên hoảng sợ liền bỏ chạy.
Mùng 1 Tết hôm sau mọi người quay về làng trong kinh ngạc vì mọi sự đều được bình an. Khi bà lão kể lại sự tình, họ nhận ra điểm yếu của con Niên là sợ màu đỏ và âm thanh ầm ĩ. Từ đó về sau, tục lệ đốt pháo vào đêm giao thừa và dán giấy đỏ trước cửa được mọi người áp dụng và phổ biến rộng rãi thành phong tục trong ngày Tết cổ truyền của người dân Trung Quốc.
"Nhưng chỉ treo giấy đỏ không thì không tốt nên sẽ viết thêm những câu chúc lên để có được những điều may mắn", ông Cầu lý giải.
Nghề trao gửi lời chúc tốt đẹp đến mọi nhà
Ghé qua đường Trần Quý (Quận 11), nơi ông Huỳnh Trí Cầu vẫn miệt mài ngồi viết từng chữ để kịp giao đơn hàng khách đặt cho những ngày Tết đang cận kề. Từ năm 15 tuổi, ông Cầu đã nối nghiệp cha viết liễn đỏ cho đến nay đã được 53 năm, một người có thâm niên không nhỏ trong nghề.
Mỗi năm, từ mùng 1 tháng Chạp là ông Cầu đã bày quầy liễn ra viết cho đến xế chiều giao thừa mới dọn về. Ngoài những câu chúc thông dụng, ông còn nhận viết theo yêu cầu của khách hàng như thông báo nghỉ Tết của các doanh nghiệp, quán ăn,... Không chỉ có người Hoa mới mua liễn đỏ, ông Cầu có cả quyển "catalogue" về các mẫu câu chữ cho người Việt.
Ngoài việc dạy tiếng Hoa thường ngày, ông Cầu còn nhận vẽ bảng hiệu, quảng cáo, viết liễn cưới khi có người đặt hàng. Biển hiệu được ông đặt hai chữ "Bình An" ngụ ý muốn gửi đến sức khỏe, những điều may mắn, bình an đến với mọi người.
"Bình An là tốt rồi. Dù có tiền bạc nhưng hiện tại sức khỏe dồi dào là quan trọng, dù là trẻ già hay gái trai đều cần có sức khỏe", ông Cầu chia sẻ.
Vốn là một họa sĩ kiêm luôn thầy giáo dạy tiếng Hoa nên chuyện ông Huỳnh Trí Cầu mở quầy viết liễn mỗi năm không quá khó khăn. Dù đã có tuổi nhưng ông vẫn muốn gìn giữ nghề truyền thống để vẫn có nơi bán liễn cho bà con treo trong năm mới. Ông Cầu vẫn miệt mài ngồi suốt mười mấy tiếng một ngày trong một tháng để viết ra những lời hay ý đẹp gửi đến mọi nhà.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nhon-nhip-pho-nguoi-hoa-voi-sap-viet-lien-moi-nam-1-lan-mang-nhieu-cau-chuyen-y-nghia-cung-truyen-thuyet-ve-con-quy-o-thoi-xua-162222501110014862.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.