Những điều cấm kỵ bạn nên biết khi lì xì cho trẻ ngày Tết

Lì xì là một tục lệ đẹp đầu năm đã xuất hiện từ lâu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Tuy nhiên, lì xì và nhận lì xì thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết. và hơn thế là những cấm kị tối thiểu về tập tục này.

Nguồn gốc của tục lì xì ngày Tết

Xung quanh nguồn gốc của tục lì xì ngày Tết cũng có nhiều giả thuyết. Có người cho rằng phong tục này bắt nguồn từ bên Trung Quốc. Tương truyền thời xưa có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm Giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn.

Vì thế, những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình. Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm mới.

Một số điều cấm kỵ khi tặng bao lì xì

Đồng tiền lì xì phải là tiền mới và tốt nhất là số lẻ

Tiền mới mang ý nghĩa năm mới may mắn đón nhận muôn điều mới mẻ, muôn điều điều tốt đẹp nhất, xua tan những buồn phiền năm cũ. Tiền lì xì là số lẻ biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở.

Chỉ sử dụng phong bao màu đỏ

Theo truyền thống, màu đỏ mang năng lượng dương, là biểu tượng của hạnh phúc, may mắn và tài lộc. Trong dịp năm mới, từ nhà cửa, đồ trang trí, món ăn, quần áo,...mọi người đều chọn màu đỏ để hòa hợp với khí trời đầu Xuân. Trên thực tế, ý nghĩa của việc tặng lì xì nằm ở chiếc phong bao màu đỏ, chứ không phải tiền bạc bên trong. Vì vậy, hãy lựa đúng màu sắc phong bao may mắn. Bạn đừng cố chơi trội khi mua những loại bao lì xì màu sắc khác lạ.

Không sử dụng bao lì xì cũ

Nhiều chị em hay giữ lại phong bao lì xì của con để tái sử dụng vào năm sau. Đó là lý do năm nay là năm con Khỉ mà có thể bạn nhận được phong bao con Ngựa hay con Dê, thậm chí còn in hẳn số năm rõ ràng. Điều này là một sự thiếu tôn trọng khi bạn đem đồ cũ tặng trong năm mới, cũng như không coi trọng người nhận.

Không đưa trực tiếp tiền mặt cho người nhận mà nên lồng vào bao lì xì

Lì xì Tết là một nét đẹp văn hóa, vì vậy, việc trao và nhận lì xì cũng cần được thực hiện đúng tinh thần vốn có của nó để có thể gìn giữ và giúp phong tục lì xì Tết thêm phần ý nghĩa. Không nên đưa trực tiếp tiền mừng tuổi cho nhau mà nên xếp gọn gàng trong những phong bì đỏ thắm - màu sắc tượng trưng cho sự may mắn. Việc này cũng thể hiện sự tế nhị trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt khi không muốn người nhận được lì xì so bì về sự ít nhiều của số tiền tượng trưng mà dẫn đến những điều không vui trong ngày Tết.

Không nên cho quá nhiều tiền vào bao lì xì

Người lớn cũng không nên cho quá nhiều tiền vào phong bao lì xì và nên dạy cho trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này chứ không phải giá trị vật chất bên trong. Nên nhắc nhở trẻ khi nhận được tiền mừng tuổi cần cảm ơn và nói những lời chúc Tết tốt đẹp, không nên mở bao lì xì ngay trước mặt người tặng.

Phong tục lì xì ngày Tết mang ý nghĩa chúc phúc, nên không quan trọng ở mệnh giá tiền trong phong bao. Quan trọng là thái độ ân cần, vui vẻ, niềm nở của người mừng tuổi và trẻ em có có thái độ trân trọng, mừng rỡ biết nói lời cảm ơn và chúc Tết.

Không nên mở phong bao lì xì trước mặt người tặng

Trong văn hóa Á Đông, mở bất cứ món quà nào trước mặt người tặng cũng được coi là thiếu lịch sự. Tương tự như vậy, bạn nên dặn trẻ không nên mở ngay phong bao lì xì trước mặt người tặng. Đồng thời, trẻ em cần có thái độ trân trọng, mừng rỡ biết nói lời cảm ơn và chúc Tết người lì xì mình.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang