Dấu vết của nhựa giờ đây đã len lỏi đi khắp mọi hang cùng ngõ hẹp trên Trái đất. Ngay cả những địa điểm xa xôi nhất của Nam Cực, hay đáy biển sâu vùng cực Bắc, khoa học đều tìm thấy các hạt vi nhựa (microplastic) tồn tại ở đó.
Vi nhựa là những hạt nhựa siêu nhỏ, chỉ cỡ vài micromet. Cũng bởi kích cỡ nhỏ, lại xuất hiện ở khắp mọi nơi, chúng dễ dàng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của hệ sinh thái, và dĩ nhiên là cả trong cơ thể chúng ta nữa. Đó là chưa kể đến lượng nhựa con người nhiễm phải từ các loại nước uống đóng chai.
Tác động của nhựa như thế nào đối với cơ thể vẫn chưa có nghiên cứu nào đưa ra được kết luận. Dẫu vậy, sự thật là chúng ta đang ăn phải nhựa mỗi ngày, nhưng vấn đề là bao nhiêu?
Mới đây, trang Reuters đã quyết định thực hiện một bộ ảnh cho thấy chúng ta đang ăn nhiều nhựa như thế nào, dựa trên báo cáo của WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) trong năm 2019. Báo cáo thu thập dữ liệu từ 50 nghiên cứu khác nhau, với đối tượng là các hạt nhựa nhỏ hơn 5mm.
Và kết quả thì thực sự đáng sợ các bạn ạ.
Mỗi tuần - 1 muỗng đầy nhựa
Theo ước tính của WWF, mỗi tuần chúng ta hấp thụ gần 2000 mảnh nhựa nhỏ. Con số này tương đương khoảng 5g nhựa, nặng bằng một chiếc thẻ tín dụng, và cũng giống việc bạn ăn một chiếc nắp chai vậy. Hoặc trực quan hơn, nó giống như bạn xúc một thìa toàn nhựa bỏ vào miệng.
Nói về con số 2000, nó được chia như sau: Theo WWF, một người bình thường hấp thụ khoảng 1769 mảnh nhựa từ việc uống nước mỗi tuần. Ngoài ra, 182 mảnh khác sẽ đến từ các loài vật có vỏ (ốc, hàu, ngao...), 11 mảnh từ muối, và 10 mảnh từ những chai bia. Tổng cộng là 1972 mảnh.
Mỗi tháng - nửa bát nhựa
Trong vòng 1 tháng, chúng ta ăn khoảng 21g nhựa với khối lượng tương đương với 5 viên xúc xắc tiêu chuẩn trong các casino, hoặc gần một nửa chén cơm chứa toàn nhựa vụn.
Như đã nêu, khoa học vẫn chưa thể xác định được hệ quả của việc ăn phải những mảnh nhựa siêu nhỏ (kích cỡ nanomet hoặc micromet) đối với sức khoẻ con người. Có điều, số nhựa này sẽ liên tục tích tụ, mà bạn sẽ chưa thể biết tác hại của điều đó là gì.
"Những gì chúng ta biết từ trước đến nay chỉ là chúng có tiềm năng gây độc. Rất đáng ngại đấy," - trích lời Thava Palanisami, chuyên gia từ ĐH Newcastle tại Úc, người đang làm việc cho WWF.
6 tháng - một chén đầy nhựa
Trong vòng 6 tháng, chúng ta hấp thụ khoảng 125g nhựa - ngang với một tô ngũ cốc đầy.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi nhựa rất khó phân hủy mà chỉ rã thành những mảnh nhỏ hơn, để rồi lan tỏa đi khắp mọi nơi. Dần dần, chúng tích tụ trong cơ thể chúng ta, với số lượng đáng sợ.
Mỗi năm - hẳn một đĩa nhựa
Với số lượng như vậy thì sau 1 năm, bạn sẽ hấp thụ 250g nhựa - ngang với một đĩa lớn chứa toàn nhựa vụn. Con số này nếu quy ra thức ăn thì đủ cho một bữa trưa của bạn đấy.
Số nhựa này có thể đến từ rất nhiều nguồn: không chỉ đồ ăn, thức uống, mà còn cả không khí.
Sau 1 thập kỷ: bạn đã ăn 1 chiếc phao cứu sinh
Trong 10 năm, bạn sẽ ăn 2,5kg nhựa - bằng với trọng lượng của một chiếc phao cứu sinh tiêu chuẩn.
Theo WWF ước tính, đến năm 2025, nhựa sẽ chiếm khoảng 1/3 khối lượng cá trong đại dương - nghĩa là cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn nhựa.
Và trong một đời: nguyên chiếc thùng rác nhựa đang đợi bạn
Tuổi thọ trung bình của con người là khoảng 79 năm. Với mật độ hấp thụ 1972 mảnh nhựa mỗi tuần, cả đời người bạn sẽ ăn 8 triệu mảnh nhựa - tương đương với 20kg, và đủ để đổ đầy một chiếc thùng rác.
Nghe kinh khủng không? Nhưng chưa hết đâu nhé! Theo WWF, những con số nêu trên chỉ dựa theo tần suất hấp thụ nhựa ở thời điểm hiện tại. Nói cách khác, con số ấy có thể tệ hơn nữa, nếu như chính phủ các quốc gia không có giải pháp xử lý.
Link báo gốc: http://helino.ttvn.vn/the-gioi/nhung-hinh-anh-gay-shock-cho-thay-chung-ta-dang-an-nhua-nhieu-nhu-the-nao-ca-cuoc-doi-ban-xoi-nguyen-mot-cai-thung-rac-2202011155121431.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.