Những người "đi dạo" trong 3 bệnh viện đang bị phong toả ở Đà Nẵng

Làm việc với cường độ cao suốt thời gian dài gây đang ra tâm lý căng thẳng thậm chí là trạng thái "căng cứng" cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 tại miền Trung.

Làm việc với cường độ cao suốt thời gian dài gây đang ra tâm lý căng thẳng thậm chí là trạng thái "căng cứng" cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 tại miền Trung. Nhìn thấy được vấn đề này, ngoài sự chi viện sức người, sức của từ đồng nghiệp khắp nơi trong cả nước cho Đà Nẵng, Quảng Nam… những ngày qua, có một tổ công tác đặc biệt từ Bạch Mai đã vào và "đi dạo" khắp các bệnh viện đang bị phong tỏa chỉ để "trò chuyện" với các y bác sĩ tại đây.

Dịch bệnh xảy ra bất ngờ ngay cả bác sĩ cũng rất lo lắng

"Chúng tôi hiểu rằng, khi dịch bệnh nổ ra đội ngũ thầy thuốc phải gồng mình làm việc. Mất ngủ thường xuyên kèm lo lắng dẫn đến tâm lý căng thẳng, nếu không giải tỏa được sẽ rất nguy hiểm" - Bác sĩ nội trú Bùi Văn San (Khoa Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) - thành viên của Tổ bác sĩ tâm lý tại TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Những người đi dạo trong 3 bệnh viện đang bị phong toả ở Đà Nẵng - Ảnh 2.

Bác sĩ Bùi Văn San

Thực ra, những hệ lụy từ tâm lý căng thẳng mà đội ngũ y bác sĩ ở Đà Nẵng đang gặp phải đã bộc lộ khá rõ.

Nhằm giảm tải áp lực cũng đảm bảo cho quá trình điều trị của bệnh nhân, BCĐ quốc gia đã đồng ý để bệnh viện Đà Nẵng di chuyển 2 bệnh nhân nặng sang bệnh viện TW Huế điều trị ngay trong đêm 28/7. Quá trình vận chuyển bệnh nhân mặc dù đã được lên phương án và có sự chuẩn bị hết sức cẩn thận từ nhiều phía. Tuy nhiên đến cuối cùng, bệnh viện TW Huế phải tiếp nhận 2 bệnh nhân này chỉ với 1 tờ lệnh chuyển viện mà không kèm theo bệnh án cũng như bất kỳ hồ sơ gì. Ê kíp tiếp đón và điều trị của bệnh viện TW Huế phải trực tiếp gọi điện cho bác sĩ điều trị của bệnh viện Đà Nẵng để tìm hiểu bệnh án.

Lý giải nguyên nhân của sự thiếu sót trên, TS. Lê Đức Nhân - Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng cho biết: "mọi hồ sơ đã được chuẩn bị cẩn thận và chi tiết theo đúng nguyên tắc và quy trình chuyển bệnh nhân. Chỉ có điều, trong điều kiện bệnh viện bị phong tỏa, anh em rối bời nên phạm phải sơ suất cơ bản"…

Trong cuộc sống cũng vậy, đôi khi người ta làm sai một điều gì đó, chưa phải bởi vì năng lực hay không nắm vững chuyên môn. Sâu xa là bởi người ta đang quá căng thẳng, lo lắng. Bác sỹ Bùi Văn San phân tích: "Do tình hình dịch bệnh xảy ra bất ngờ, mọi người phải cách ly, tâm lý lo lắng căng thẳng, sợ lây lan không chỉ xảy ra đối với người dân, mà ngay cả các y, bác sỹ cũng rất lo lắng".

Như vậy mới thấy tầm quan trọng của việc ổn định tâm lý đối với các thầy thuốc trong cuộc chiến này. Và Bộ Y tế đã nhìn ra vấn đề cốt lõi.

Điểm mới trong đợt chi viện nhân sự cho y tế miền Trung chống dịch lần này là bộ đã điều động đội ngũ bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Bạch Mai sát cánh cùng các đồng nghiệp của thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu của đội công tác còn là cùng y bác sĩ địa phương địa phương vững vàng hơn để ổn định tâm lý bệnh nhân, lan tỏa sự tin tưởng đến người dân trong tâm dịch.

Trao đổi về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói: "Việc tham gia của chuyên gia tâm lý trong phòng chống dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp là rất cần thiết vì khi tinh thần hoảng loạn sẽ tạo sự hoang mang cho xã hội. Nếu ổn định được tâm lý sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng có hại cho xã hội. Do vậy bên cạnh công tác truyền thông thì việc ổn định tâm lý người dân cũng hết sức quan trọng không chỉ bằng các bác sĩ mà còn bằng các thông tin cũng như các hành động để làm người dân an tâm và tin tưởng hơn trong công tác phòng chống dịch".

Những cuộc "đi dạo" khắp các bệnh viện

Theo bác sĩ San, sau khi nắm bắt được "bệnh" của đồng nghiệp, các chuyên gia tâm lý sẽ nhẹ nhàng đến "bắt chuyện". Ban đầu là những hỏi han, sẻ chia công việc để nắm được "bệnh lý" của đồng nghiệp. Bước kế tiếp mới bắt đầu "kê đơn".

"Thực ra nói điều trị tâm lý nghe nặng nề quá. Chúng tôi là những đồng nghiệp với nhau nên hiểu rõ công việc và áp lực trong nghề nên cùng nhau trò chuyện, sẻ chia và tâm sự để vơi đi những căng thẳng, giúp công việc đạt hiệu quả tốt nhất", bác sỹ Bùi Văn San chia sẻ.

Những người đi dạo trong 3 bệnh viện đang bị phong toả ở Đà Nẵng - Ảnh 4.
Những người đi dạo trong 3 bệnh viện đang bị phong toả ở Đà Nẵng - Ảnh 5.

Những hoạt động trợ giúp tâm lý, giải tỏa căng thẳng cho thầy thuốc Đà Nẵng

Ngoài bác sỹ Bùi Văn San còn có bác sỹ Bùi Xuân Tùng cũng là người "đi dạo" khắp các bệnh viện bị phong tỏa suốt những ngày qua. Họ được vào để thực hiện nhiệm vụ hết sức đặc biệt, "trò chuyên" để chia sẻ với các đồng nghiệp. Hết bệnh viện C ở trung tâm Đà Nẵng, đến các cơ sở y tế ở địa bàn lân cận như Trung tâm Y tế Hòa Vang (Đà Nẵng), Bệnh viện Điện Bàn (Quảng Nam), tất cả đều chung tay xông vào trận chiến đầy cam go, thử thách.

Thêm một phương pháp nữa mà chuyên gia tâm lý "chỉ định" với các đồng nghiệp của mình ở Đà Nẵng là nên sử dụng tư thế ngồi vào những lúc nghỉ ngơi sau ca làm việc. Tưởng là chi tiết nhỏ, nhưng tư thế ngồi thoải mái nhất, thả lỏng cơ thể nhất lại có hiệu quả rất lớn trong việc giải tỏa tâm lý căng thẳng.

"Khi giải lao chúng tôi hướng dẫn mọi người một số tư thế ngồi thật thoải mái. Từ đó gợi ý các thầy thuốc hướng suy nghĩ đến những điều tốt đẹp như đang chơi đùa cùng với vợ con hay nhớ tới những trận thi đấu thể thao mình yêu thích… Lúc đó sự căng thẳng sẽ vơi đi phần nào", bác sỹ Bùi Văn San chia sẻ.

Với kinh nghiệm của mình, các bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai nhận thấy, bất cứ người nào, làm nghề gì cũng sẽ có nguy cơ dẫn đến tâm lý căng thẳng khi có sự cố. Nhưng điều quan trọng nhất là phải biết điều tiết tâm lý, giúp đầu óc luôn trong trạng thái tốt nhất: "Không chỉ là các đồng nghiệp mà ngay đến bản thân chúng tôi nếu với cường độ làm việc cao, thời gian cách ly ít giao tiếp lớn, sự lo lắng sự lây lan dịch bệnh…như trong thời gian qua ở Đà Nẵng chắc chắn sẽ có sự căng cẳng tâm lý".

Ngoài "hạ nhiệt" tâm lý cho đồng nghiệp, đội công tác đặc biệt này còn trực tiếp gặp gỡ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện để sẻ chia, động viên họ vững tin sớm vượt qua giai đoạn khó khăn bằng chính những trải nghiệm thực tế của mình.

"Sau những cuộc nói chuyện thấy người bệnh vui vẻ, lạc quan hơn. Đây cũng là một cách điều trị bệnh trong lĩnh vực tâm thần mà chúng tôi áp dụng rất hiệu quả. Đúng như cha ông hay ví một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", bác sỹ Bùi Văn San vui vẻ nói.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/nhung-nguoi-di-dao-trong-3-benh-vien-dang-bi-phong-toa-o-da-nang-215409

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang