Những phụ huynh nghĩ ngày 20/10 giáo viên "thắng quả đậm", xin đừng tặng hoa quà cho chúng tôi!

20-10 hay 8-3 hay 20-11 cũng chỉ là 1 ngày lễ để tôn vinh phụ nữ hay tôn vinh nghề nghiệp, tự mặc định trong đầu mình rằng phải tặng quà cho cô rồi sau đó lại ngồi than thở với nhau rằng "không tặng không được", hành động và suy nghĩ đó của phụ huynh đã thể hiện thiếu sự tôn trọng đến giáo viên dạy con mình và không "đồng bộ trước - sau" rồi đó.

Đọc bài viết của một vị phụ huynh lên án gay gắt vấn đề tặng quà thầy cô ngày 20/10, là một người giáo viên, tôi không khỏi cảm thấy tự ái. Tôi là một giáo viên trẻ, nhưng cũng đã đi dạy được 5 năm nay. Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, cứ mỗi đợt lễ đến 8/3, 20/10 hay 20/11 cũng như học sinh bây giờ, tôi háo hức xin mẹ tiền để đi mua tặng cô giáo bó hoa, hay món quà. Khi đó tôi mang tâm trạng của một học sinh tràn ngập niềm vui vì được tặng thầy cô một món quà nhỏ, đơn giản chỉ là lời cảm ơn, là cách để thể hiện tình cảm với người thầy của mình.

Giờ đây khi đã là một giáo viên, mỗi lần nhìn gương mặt háo hức của học sinh khi được tự tay mang một bông hoa, một gói quà nhỏ đến tặng cô giáo, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của mình ngày trước. Chỉ khác là, bây giờ tôi đã ở một cương vị khác, người được nhận quà thay vì đi tặng quà. Cũng từ lúc này, tôi mới hiểu hết áp lực của người thầy khi được nhận những món quà của học sinh.

(Ảnh minh họa)

Xin đừng đánh đồng tất cả giáo viên đều là người tham lam, chỉ trực chờ lễ Tết để “thắng quả đậm” như nhiều phụ huynh đã nói. Chắn chắn ai được tặng quà thì đều vui, nhưng giáo viên chúng tôi nhận quà trong sự áp lực. Nếu khi xưa, việc học trò tặng quà thầy cô chỉ đơn thuần là hành động tri ân, là niềm vui được thể hiện tình cảm với thầy cô giáo. Thì ngày nay, mỗi món quà chúng tôi nhận ấp ủ trong đó biết bao nỗi niềm gửi gắm của phụ huynh. Nhiều người nghiễm nhiên cho rằng khi chúng tôi đã nhận quà thì phải có sự quan tâm đặc biệt hơn tới học sinh đó. Nhưng một lớp mấy chục học sinh, nếu ai cũng đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt hơn thì giáo viên chúng tôi thực sự lực bất tòng tâm.

Chúng tôi không đòi hỏi được nhận quà, càng không bao giờ bắt ép phụ huynh phải tặng quà cho giáo viên. Thế nhưng cứ những ngày lễ, phụ huynh không bao giờ quên mang quà đến đặt vào tận tay chúng tôi. Người giáo viên luôn ở vào thế bị động và khó xử. Không nhận quà thì mang tiếng kiêu căng, nhận quà rồi thì lại bảo tham lam. Dù nhận hay không nhận quà, chúng tôi đều bị gán cho những tiếng xấu.

Thật sự thêm vài món quà của phụ huynh không giúp chúng tôi giàu lên, mà bớt đi những món quà đó chúng tôi cũng không nghèo đi. Hà cớ gì phụ huynh mang quà đến để rồi gán vào người giáo viên chúng tôi đủ thứ điều tiếng.

(Ảnh minh họa)

Chúng tôi đi theo nghề giáo vì cái tâm và lòng yêu nghề, yêu trẻ. Có ai giàu lên bằng cách làm nghề gõ đầu trẻ hay không? Nếu thực sự tham lam hay ham tiền, có lẽ tôi đã chọn một nghề khác dễ làm giàu hơn. Tôi không phủ nhận rằng vẫn có một vài đồng nghiệp trong nghề dù rất ít thôi có thế này, thế khác. Nhưng đừng bao giờ đánh đồng tất cả. Bởi chúng tôi không chỉ đi dạy để trông chờ vào phòng bì hay quà tặng ngày lễ của phụ huynh.

Giáo viên chúng tôi sẽ vui hơn rất nhiều, nếu những ngày lễ đó chỉ nhận được lời chúc mừng, hay đơn giản là bông hoa nhỏ của học sinh. Như thế chúng tôi có thể thanh thản nhận chúng mà không phải bận tâm suy nghĩ xem người ta sẽ gán cho mình điều tiếng gì, hay làm sao để đáp trả lại những kỳ vọng của phụ huynh về việc phải quan tâm hơn, hay nhẹ tay hơn khi chấm điểm cho con họ.

20-10 hay 8-3 hay 20-11 cũng chỉ là 1 ngày lễ để tôn vinh phụ nữ hay tôn vinh nghề nghiệp, tự mặc định trong đầu mình rằng phải tặng quà cho cô rồi sau đó lại ngồi than thở với nhau rằng "không tặng không được", hành động và suy nghĩ đó của phụ huynh đã thể hiện thiếu sự tôn trọng đến giáo viên dạy con mình và không "đồng bộ trước - sau" rồi đó.

Nghề giáo từ xưa vẫn luôn là một nghề cao quý. Xin hãy để chúng tôi được giữ lấy sự thanh cao của mình. 

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang