Có thể nói, làm cha mẹ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Còn bé thì lo sức khoẻ, thể trạng, cân nặng. Lớn lên, đi học thì lại lo việc học hành, lo chơi với bạn bè thế nào, lo suy nghĩ, cách ứng xử của con. Thậm chí con 18, 20 tuổi vẫn lo chuyện tốt nghiệp đi làm ở đâu, thế nào. Rồi lo chuyện con yêu đương, kết hôn ra sao? Sinh ra một đứa con là tự khoác vào mình vô vàn lo lắng. Mà càng lo thì càng sợ, càng sợ thì càng xây lên những bức tường hòng bảo vệ con…
nhiều phụ huynh đã vô tình xây nên những bức tường mang tên "Cấm đoán" |
Các cụ có câu: "Sinh con ra chính là dứt trái tim mình ra khỏi lồng ngực". Chúng là trái tim của chúng ta đang lang thang ngoài kia. Cuộc sống càng hiện đại, mối lo của cha mẹ càng nhiều. Trước chỉ lo chúng nó đá bóng bị gãy chân, đi bơi bị đuối nước, bị bạn bè xấu lôi kéo này nọ. Giờ thì thêm vạn nỗi lo nữa từ mạng mẽo, từ những thứ mà chính cha mẹ cũng chưa được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng để chia sẻ - đối thoại cùng con. Đó cũng là lý do khiến nhiều vị phụ huynh trở nên co cụm, sợ hãi chọn cách xây những bức tường bảo vệ con em họ trước những điều xấu xí ngoài kia.
Và cũng chính vì lý do đó mà nhiều phụ huynh đã vô tình xây nên những bức tường mang tên "Cấm đoán". Và cứ không hiểu, không biết, không kiểm soát được là cấm cái đã rồi tính sau. Là nhốt con trong bức tường mình đã xây lên chứ không còn là bảo vệ con nữa, càng yêu con bao nhiêu càng xây bức tường dày bấy nhiêu. Thậm chí còn nhiều bức tường có cả dây thép gai bằng những hình phạt, những lô cốt chỉ có lỗ nhỏ từ cha mẹ để con hít khí trời. Mà cũng phải là khí trời do cha mẹ kiểm duyệt, đưa vào chứ không phải khí trời tự nhiên.
Ngoài ra, còn một kiểu xây tường nữa, đó là xây tường bằng kinh nghiệm của cha mẹ. Ngày xưa cha mẹ cũng thế này nên ngày nay con cái cũng phải thế này. Không được sai, thậm chí không được đúng nếu như cái đúng đó không giống cái đúng của cha mẹ. Kinh nghiệm của người làm cha mẹ năm 1980 không thể áp dụng cho người làm cha mẹ năm 2018 được. Cơ mà họ vẫn áp dụng: "Ngày xưa ông nội dạy bố, bà ngoại dạy mẹ thế này nên con cũng phải theo".
xây tường bằng kinh nghiệm của cha mẹ. |
Rồi thì là "nghe người ta nói". Đây cũng là một dạng xây tường cho cả hai phe: Cha mẹ và con cái. Cứ thấy trên mạng rộ lên cái gì là về xây tường bảo bọc con cái ngay. Đi một bước cũng đụng tường. Con cái phải đi theo sơ đồ chỉ dẫn của cha mẹ.
Có thể thấy, vấn đề xây tường cũng là bởi yêu con, lo lắng cho con. Trong mắt bố mẹ, con cái lúc nào cũng bé "xíu xìu xiu" mà. Nhưng việc xây quá nhiều những bức tường đầu tiên đó là chúng ta sẽ khiến con thụ động, mất kỹ năng ứng phó với cuộc sống mai này. Chúng ta bảo vệ con hay bảo bọc con? Chúng ta muốn giữ lũ trẻ tránh xa những thứ xấu xí hay chúng ta đang nhốt lũ trẻ vào một cái lồng kính vô trùng? Vẫn biết rằng ngoài kia nhiều thứ không tốt, nguy hiểm nhưng cái cách chúng ta tìm đường đi vòng qua nó hoặc không dám đi qua nó sẽ khiến những đứa trẻ nhiều tuổi mà vẫn chỉ là những đứa trẻ.
Vì thế, để vẫn bảo vệ con mà không xây tường bịt kín lối con thì việc làm đầu tiên là hãy xây những “cây cầu”. Bởi cuộc sống này phát triển là nhờ xây những cây cầu chứ không phải là xây những bức tường. Chính cha mẹ hãy trở thành những cây cầu của các con. Hãy cùng con kết nối với thế giới bên ngoài bằng việc đồng hành cùng đám trẻ. Hãy cho con được quyền sai để tìm ra đáp án đúng.
Đừng "đánh chừa" đất để khiến trẻ học cách đổ lỗi. |
Nhiều người vẫn hay nói về việc vấp ngã và đứng dậy. Đừng "đánh chừa" đất để khiến trẻ học cách đổ lỗi. Nhưng cũng đừng bỏ mặc trẻ vấp ngã để trẻ tự đứng dậy. Nhiều cha mẹ hay chọn cách để trẻ tự đứng dậy và học từ thất bại nhưng như thế cũng chưa đúng. Việc trẻ bị bỏ mặc cũng sẽ khiến trẻ bị tổn thương, cảm giác bỏ rơi. Việc muốn trẻ thất bại để trưởng thành cũng vậy, sẽ khiến trẻ nhìn cuộc đời tiêu cực. Tôi nghĩ cha mẹ hãy trở thành những cây cầu có tay vịn cho trẻ. Tức là trẻ vấp ngã, đừng đánh chừa đất, đừng bỏ mặc. Hãy cổ động trẻ đứng dậy, cùng trẻ bàn luận về việc đứng dậy thế nào, tại sao chúng ta ngã, chúng ta có thể thay đổi điều gì ở chúng ta để sau này không ngã lặp lại không? Tôi nghĩ trẻ luôn cần những tham vấn từ cha mẹ. Nghĩ trẻ còn bé là sai mà nghĩ trẻ cần tự lập để trưởng thành cũng là sai. Phải là trưởng thành cùng trẻ.
Và hãy cùng con sai để tìm đáp án đúng. Cùng con xây dựng thế giới này theo cách mà con muốn và bố mẹ an tâm. Tôi vẫn cho rằng chúng ta - những người làm cha làm mẹ cũng cần phải học mỗi ngày. Kiến thức sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sợ hãi. Kiến thức sẽ giúp chúng ta giải quyết được những nỗi sợ hãi. Mà phải học cùng con những kiến thức đó. Xây thêm nhiều cây cầu chính ý nghĩa là vậy. Đập bỏ bức tường sợ hãi đi, cùng con bước ra thế giới ngoài kia. Đừng sống thay con - hãy sống cùng con là vậy!
Nếu làm được những việc trên thì chắc hẳn, những đứa trẻ sẽ trưởng thành hơn, đi xa hơn, tiếp cận và trải nghiệm với thế giới bao la ngoài kia nhiều hơn. Có trưởng thành nào mà không phải vượt qua đôi ba lần đau đớn? Nhưng đau đớn đó, vấp ngã đó một khi có cha mẹ ở bên, ngã cùng hoặc chia sẻ cùng thì hẳn là trưởng thành đó sẽ bớt đi nhiều phần đau đớn.
Trưởng thành cùng con chỉ đơn giản là dành cho con mình một đôi tai mở: từ cha mẹ! Là tin vào con mình và cho chúng thấy chúng luôn có 1 người tin tưởng chúng. Là xây thêm nữa nhiều cây cầu giúp con vượt qua những khó khăn của năm tháng dậy thì. Đó mới chính là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dành tặng con mình!
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.