Niềm hạnh phúc có đứa con để nương tựa tuổi già của người mẹ cụt tay

Thiếu đôi bàn tay, chị Trần Thị Cậy ở Sóc Sơn, Hà Nội, làm mọi việc bằng đôi chân, gắng vượt lên số phận để nuôi con khôn lớn.

Chị Cậy vào bếp chuẩn bị bữa trưa cho hai mẹ con. Mọi thao tác đều được chị thực hiện bằng đôi chân.

Chị Cậy vào bếp chuẩn bị bữa trưa cho hai mẹ con. Mọi thao tác nấu nướng đều được chị thực hiện bằng đôi chân.

Con đường dẫn vào thôn Lương Đình, huyện Sóc Sơn, ngoằn ngoèo vắt lên triền đồi rải rác hai bên là những ngôi nhà cấp 4 được thiết kế kiểu biệt thự. Nhiều năm trước, người dân ở đây mưu sinh và giàu lên nhờ bám vào bãi rác Nam Sơn gần đó. Khuất sau ngôi nhà cao tầng khang trang ở cuối thôn, căn nhà hơn 50 m2 mới xây lợp mái tôn đỏ, tường nhà chưa quét vôi là tổ ấm mơ ước của mẹ con chị Cậy, 35 tuổi.

Nghe có tiếng người lạ, người phụ nữ thấp bé vịn một bên cánh tay cụt vào tường nhà làm điểm tựa, một bên chân tập tễnh bước lên bậc thềm, ngó đầu qua cửa. Chị Cậy đang nấu bữa trưa cho hai mẹ con trong gian nhà lụp xụp cũ. Lấy chân múc gáo nước trong thùng, chị đổ vào nồi thức ăn đang nấu trên bếp rồi kẹp đôi đũa vào ngón chân để đảo. Một lát sau, bữa ăn nóng hổi với hai món đơn giản được bày ra, chị Cậy lấy chân xúc cơm cho con và hạnh phúc nhìn bé ăn ngon lành.

Cách đây hơn ba mươi năm, người dân thôn Lương Đình tò mò kéo đến nhà của một đôi vợ chồng để được tận mắt trông thấy con gái họ chào đời với thân hình dị tật. Cô bé ấy là chị Cậy, không tay và đôi chân khập khiễng. Nhiều người khi đó khuyên bỏ nhưng bố mẹ chị Cậy quyết giữ con lại nuôi bằng cả tình yêu thương và sự che trở. So với bốn người em ruột, chị Cậy kém may mắn hơn khi thiếu đôi bàn tay.

Ngày còn nhỏ, chị Cậy không được đến trường vì phải ở nhà trông em cho bố mẹ ra đồng cấy hái. Không biết chữ nên dù giờ có điện thoại di động, chị chỉ có thể nghe mà không biết nhắn tin hay đọc tin nhắn. Cuộc sống của chị chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ, với những công việc nhà quen thuộc. Không muốn phiền người khác, chị tự chăm sóc bản thân và sáng tạo ra các cách làm mọi việc như bao người lành lặn khác.

"Trời sinh ra đã thế rồi nên tôi buộc phải nghĩ cách để làm được mà không cần ai dạy. Giờ muốn quét nhà, tôi kẹp chổi vào nách. Ngoài ra, tôi cũng rửa bát, lau bàn, giặt quần áo, nấu nướng... bằng chân, còn cánh tay cụt này dùng để di chuyển đồ vật", chị Cậy nói.

Bé Khôi nhà chị Cậy không được đi mẫu giáo do gia đình không có điều kiện.

Bé Khôi chỉ quanh quẩn ở nhà với bà và mẹ. Những hôm bà đi vắng, bé theo mẹ lên đồi chăn bò.

Đến tuổi lấy chồng, chị Cậy có tình cảm với một chàng trai. Yêu nhau một thời gian, chị Cậy chủ động dừng lại vì nghĩ không thể gánh vác công việc gia đình nếu về làm dâu nhà họ. Người yêu không muốn từ bỏ nhưng chị khuyên anh lấy vợ, còn bản thân chỉ mong có đứa con để nương tựa lúc tuổi già. Không lâu sau, chị Cậy biết mình có bầu.

Biết tin, bố mẹ và các em của chị Cậy cảm xúc hỗn độn. Cả nhà bất ngờ, lo lắng nhưng vui vì chị có em bé. Hàng xóm xung quanh cũng mừng cho chị Cậy. Họ hỏi thăm và mang đồ ăn đến cho chị tẩm bổ. Mang bầu đến tháng thứ 5, chị Cậy chuyển ra ở riêng trong gian nhà mượn tạm của người em gái. Lần đầu làm mẹ, chị háo hức nhưng cũng lo liệu đứa con trong bụng có bị dị tật giống mẹ hay không. Chị nhờ các em đưa đi siêu âm nhiều nơi để chắc rằng con lành lặn và phát triển tốt.

Trước lúc ra ở riêng, chị Cậy dành dụm được một số vốn nhỏ, khoảng 5-7 triệu đồng. Khoản tiền này chị có được nhờ tích cóp từ tiền trợ cấp 700 nghìn đồng mỗi tháng. Nhờ đó, chị có tiền dưỡng thai và chuẩn bị cho sinh nở. Tháng 6/2015, bé Minh Khôi, con trai chị, chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình. Cậu bé đầy đủ chân, tay và nặng 3,3 kg.

Lúc có con, chị Cậy không quá bỡ ngỡ do từng chăm các cháu. Chị tự quấn tã, cho ăn và mặc đồ cho con. Cậu bé quấy khóc và chỉ ngủ yên khi được bế trên tay, thế nên mẹ con chị Cậy phải chia ca, người trông bé Khôi, người ngả lưng nghỉ. Từ ngày con gái có bầu, mẹ chị Cậy chuyển sang ở cùng để đỡ đần sớm tối.

"Tôi muốn được làm mẹ dù biết có con sẽ tốn kém và vất vả, nhất là với người khuyết tật như tôi. Nhìn con khôn lớn, tôi hạnh phúc biết bao. Lủi thủi một mình cũng chán, có đứa con là thêm người bầu bạn; tôi cũng có động lực vươn lên. Giờ không chỉ sống cho mình, tôi còn phải sống vì con nữa. Sau này con lớn, tôi chỉ mong cháu có ích cho xã hội và nuôi được mẹ", chị Cậy chia sẻ.

Đang nhắc tới con trai, chị Cậy vội reo lên khi thấy cậu bé đầu để chỏm từ đâu chạy sà vào lòng mẹ. Bé nắm lấy cùi tay cụt của mẹ rồi nũng nịu đòi ăn bánh. Người mẹ thoăn thoắt cắp lấy chiếc bánh, đưa lên miệng bóc cho con. Xong xuôi, chị quay sang ôm bình nước để rót nước cho bé.

Cuộc sống của mẹ con chị Cậy giờ trông chờ ở khoản trợ cấp hơn một triệu đồng mỗi tháng.

Cuộc sống của mẹ con chị Cậy giờ trông chờ ở khoản trợ cấp hơn một triệu đồng mỗi tháng.

Bé Khôi nói chưa sõi nhưng hoạt bát và tình cảm. Hàng ngày, bé quanh quẩn bên bà và mẹ, hoặc chạy ra ngõ chơi với bạn. Thỉnh thoảng bà bận việc, Khôi cùng mẹ lên đồi chăn bò. Khôi chưa được đi mẫu giáo vì nhà không có điều kiện. Cuộc sống của mẹ con chị chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp hơn một triệu đồng mỗi tháng. Chị Cậy cũng muốn có một công việc làm thêm phù hợp để kiếm tiền nhưng quanh nơi chị sống, không có nghề phụ; chăn nuôi cũng không thuận lợi.

Trong ngôi nhà thiếu người đàn ông, chị Cậy vừa làm bố, vừa làm mẹ; lúc phải cứng rắn, khi lại mềm mỏng với con. Thương con nhưng chị không nuông chiều mà dạy bảo từ tấm bé. Khôi già dặn hơn so với tuổi và đã có thể tự lo nhiều việc cho mình.

Kể về bố của con trai, chị Cậy dành những lời trân trọng. Chị tâm sự, anh không bỏ mặc con mà vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm và hàng năm gửi hỗ trợ, dù không nhiều. Anh hiện đã có gia đình và chị không muốn cuộc sống của người cũ bị ảnh hưởng. Chị không oán giận, đòi hỏi mà chỉ nghĩ vì hoàn cảnh nên hai người không đến được với nhau.

Một năm nay, mẹ con chị Cậy vơi đi phần nào khó khăn nhờ các tấm lòng nhân ái. Năm ngoái, các mạnh thường quân xây tặng mẹ con chị ngôi nhà kiên cố. Ngoài tổ ấm khang trang, chị Cậy còn được địa phương hỗ trợ một con bò. Người mẹ nghèo nâng niu tài sản này và hy vọng tới lúc Khôi vào lớp một, nó sẽ giúp chị có tiền trang trải cho con đi học. 

"Nhiều người thấy chăn bò vất vả nên xui bán nhưng bán đi rồi nay mai tôi lấy gì trông vào? Hơn nữa, làm như vậy phụ lòng mọi người nên dù thế nào tôi cũng phải chăm 'con của' ấy. Thấy tôi vươn lên trong cuộc sống, chắc họ cũng phấn khởi", chị Cậy tâm sự.

Ngôi nhà khang trang do các mạnh thường quân xây tặng mẹ con chị Cậy hoàn thành cách đây chưa lâu. Từ giờ mẹ con chị không còn phải sống trong gian nhà dột nát, nóng bức trước đây.

Ngôi nhà khang trang do các mạnh thường quân xây tặng mẹ con chị Cậy hoàn thành cách đây chưa lâu. Từ giờ mẹ con chị không còn phải sống trong gian nhà dột nát, nóng bức trước đây.

Ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng thôn Lương Đình, cho biết, chị Cậy có hoàn cảnh đặc biệt trong thôn. Chị hiền lành, chịu khó và hòa thuận với những người xung quanh. Hàng tháng, mẹ con chị Cậy được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định. Thôn không có quỹ để hỗ trợ bằng vật chất nhưng vẫn quan tâm, thăm hỏi mẹ con chị. 

"Cô Cậy là người phụ nữ nghị lực. Giàu con mắt, khó đôi bàn tay, vậy mà... Hy vọng sau này khi con lớn lên, cô ấy sẽ được bù đắp", ông Ngà nói.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang