Dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp với hàng ngàn ca mắc COVID-19 phải nhập viện mỗi ngày. Áp lực lớn đè nặng lên vai của những người y bác sĩ, những "chiến sĩ áo trắng" nơi đầu chiến tuyến chống dịch.
Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 đã chia sẻ một phần "trận chiến với tử thần" của các y bác sĩ của bệnh viện mỗi khi phải di chuyển bệnh nhân: "Chỉ cần di chuyển ra khỏi đơn vị của mình là bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi, phải lập tức nhào vào để đặt nội khí quản. Lúc ấy không có kịp nghĩ đến việc bảo vệ cho mình. Đôi khi không kịp để mang cặp găng tay để phòng hộ."
Bác sĩ Linh cho biết không có thời gian để đọc những tin nhắn, lời động viên của gia đình
Lằn ranh sinh tử của các bệnh nhân COVID-19 cũng là nơi các bác sĩ tuyến đầu phải đối mặt và chiến đấu với tử thần để giữ lấy sinh mạng từng bệnh nhân, chiến đấu với tử thần để giữ lấy chính bản thân họ. Các bác sĩ ở đây đều phải trực tiếp tiếp xúc với những ca bệnh nặng, chỉ cần một sơ sót nhỏ chính họ cũng trở thành F0.
Mỗi cuộc điện thoại gọi đến là một ca bệnh nặng. Không nói lời chối từ, các bác sĩ ở đây đều chỉ biết cố gắng hết sức để cứu chữa cho bệnh nhân.
"Chúng tôi không biết hôm nay là thứ mấy cũng không biết đến ngày cuối tuần. Bởi vì ngày nào cũng như ngày đó. Hôm qua tôi cũng làm như vậy, hôm nay tôi cũng làm như vậy. Những tin nhắn hay động viên của người thân, gia đình còn không có thời gian để đọc bởi vì những bệnh nhân khác vẫn đang đứng xếp hàng. Cố gắng giải phóng bệnh nhân các lầu trại. Không cho mình khoảng thời gian để mình nghĩ tới những chuyện khác. Nghe tiếng điện thoại là mình biết phải nhận bệnh thôi. Mình cố gắng thôi" - Bác sĩ Trần Thanh Linh kể về những ngày tháng chiến đấu trong bệnh viện.
Thậm chí đến thời gian thảnh thơi ăn uống hay nghỉ ngơi trong ngày cũng trở thành một điều xa xỉ. Điều dưỡng Nguyễn Trúc Phương - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy nói: "Nhịn thôi, vào ca là nhịn luôn. Nhịn tiểu, nhịn ăn nhịn uống, hết ca mới dám ăn. Có khi nhịn ăn sáng, vào đây nhịn ăn trưa rồi đến chiều mới được ăn cơm chiều. Ra xong ca ai cũng đờ người hết."
Một nam bác sĩ khác tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 chia sẻ về những vất vả trong bệnh viện, đôi khi, mong ước lớn nhất chỉ là một giấc ngủ tròn: "Cứ 5h30 chiều hôm trước là mình nhận ca đến 8h sáng hôm sau. Rất đuối và nóng, người ướt nhem à."
"Ở đây bác sĩ làm luôn điều dưỡng, làm luôn trợ lý. Một bác sĩ trung bình nhận 6 bệnh nhân. Mà bệnh hồi sức khá là cực. Bốn ngày liên tục hầu như là không ngủ luôn. Các bác sĩ ở đây chỉ mong được đi ngủ thôi."
Áp lực cứu sống bệnh nhân không chỉ theo họ trong ca trực mà còn trong cả những giấc ngủ mơ màng: "Rất áp lực, tính mạng của nhiều bệnh nhân đang nằm trong tay mình. Thực sự rất sợ. Tối về nằm ngủ mà nghe toàn tiếng máy thở kêu liên tục. Mình cứ mơ mơ màng màng, hầu như là không ngủ được. Phải cố gắng để làm sao cứu được càng nhiều người càng tốt."
"Có những đêm anh em đi cấp cứu mà ECMO. Mình thấy Sài Gòn vắng lặng. Cảnh đó đau lòng lắm. Thực sự mọi người đều rất mệt mỏi, rất đuối nhưng không cho phép mình dừng lại, không cho phép chúng ta được bỏ cuộc, được buông tay". Hàng ngàn bệnh nhân có thể khỏe mạnh xuất viện có lẽ chính là niềm vui và động lực lớn nhất giúp các bác sĩ nơi đây vực dậy tinh thần và sức khỏe, tiếp tục cùng TP.HCM chiến đấu và chiến thắng đại dịch.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.