Nơi tận cùng khổ đau trên thế giới: Những bé gái bị chồng, người thân bán cho nhà thổ, bị hãm hiếp liên tục trong ngày và những sự thật chua chát khác

Bị coi là một thứ hàng hóa bởi những kẻ buôn người, bị hãm hiếp nhiều lần trong ngày và không tìm được lối thoát, đây là cuộc sống của hàng ngàn trẻ em gái chưa đủ tuổi vị thành niên ở Bangladesh.

Sau 5 năm ở trong nhà thổ, Labonni đã thôi hy vọng mình sẽ được giải cứu khỏi địa ngục này. Kể từ khi bị bán cho "má mì" từ năm 13 tuổi, rất nhiều khách hàng đã hứa với cô sẽ giúp Labonni chạy thoát nhưng theo thời gian, lời hứa ngày một phôi phai và đi theo những người đàn ông mà Labonni không còn nhớ rõ mặt.

"Đôi khi tôi thức dậy và không hiểu tại sao mình chưa chết", Labonni cho hay. Năm nay 19 tuổi, Labonni nói rằng cô đã cam chịu cuộc sống địa ngục của mình ở Mymensingh, một địa bàn hoạt động của các nhà thổ ở trung tâm Bangladesh. Tại đây, có khoảng 700 - 1000 người phụ nữ và trẻ em gái làm việc trong ngành công nghiệp buôn bán tình dục, đa phần trong số họ là bị ép buộc.

Cái giá cho 10 phút quan hệ tình dục sẽ rơi vào khoảng 3,66 bảng Anh nhưng số tiền đó chủ yếu lọt vào túi của những người điều hành nhà thổ. Giống như phần lớn các cô gái ở Mymensingh, Labonni bị bán vào đây để hoạt động mại dâm. Khi mới 13 tuổi, Labonni là một nạn nhân của nạn tảo hôn. 

Cô đã bỏ lại con gái 6 tháng tuổi để chạy trốn người chồng vũ phu mới kết hôn được 1 năm. Labonni chỉ biết chạy mải miết cho đến khi một người phụ nữ nhìn thấy cô đang nước mắt đầm đìa ở một nhà ga xe lửa. Người phụ nữ này đưa thức ăn cho cô và dẫn cô đến một chỗ ngủ qua đêm. Hai ngày sau, Labonni bị người phụ nữ tưởng chừng như rất tốt bụng ấy bán cho nhà thổ với giá 180 bảng Anh.

dia-1

Nhiều trẻ em gái trở thành nạn nhân của buôn bán tình dục.

Qua một đêm, cô trở thành một gái mại dâm, bị giam cầm trong nhà thổ và bỗng nhiên cô phải gánh một khoản nợ trên vai. Người phụ nữ đã mua Labonni hối lộ cho cảnh sát và nói rằng Labonni đã 18 tuổi (tuổi hợp pháp cho một gái mại dâm đã được đăng ký). Má mì này buộc tội Labonni nợ bà ta 914 bảng Anh và Labonni phải trả hết số tiền đó mới thoát khỏi nhà thổ này.

 

  •  

Sau đó, cô bị "má mì" tịch thu điện thoại và nhốt Labonni trong phòng ngủ. Mỗi lần cô định chạy trốn sẽ bị đánh thừa sống thiếu chết. Khoảng 2-3 tháng sau, Labonni từ bỏ việc cố gắng chạy trốn. "Họ sẽ luôn tìm thấy bạn", Labonni nói.

Trong hơn 5 năm qua, kể từ khi bị mắc kẹt trong nhà thổ, Labonni liên tục phải "làm việc" để trả hết nợ. Mỗi ngày cô phải tiếp liên tục các vị khách khác nhau, không ngừng nghỉ. Trong suốt thời gian đó, cô đã kiếm về cho nhà thổ 46.500 bảng Anh, trong khi cô chỉ được nhận 37 bảng Anh, gọi là tiền trợ cấp hàng tháng cho thực phẩm, quần áo và đồ dùng vệ sinh cá nhân. Số tiền ảo mà Labonni nợ "mami" bỗng tăng lên gấp 50 lần tiền lãi.

Ngay cả khi làm lấy tiền trả nợ, Labonni vẫn phải trả một nửa thu nhập hàng tuần của mình là 78 bảng Anh để chi phí cho tiền điện và chỗ ở. Vào năm ngoái, cuối cùng Labonni được thông báo là đã trả hết nợ nhưng cô không có ý định rời đi. Labonni không còn một chút sức lực nào, cơ thể và tinh thần cô đã bị bào mòn.

"Tôi cảm thấy mình thật vô giá trị. Con gái tôi thậm chí còn không biết tôi là mẹ của nó", Labonni nói trong chua chát.

dia-2

Cuộc sống mỗi ngày trôi qua của họ là ngục tù.

Mohammed Muktal Ali, 30 tuổi, là khách hàng thường xuyên của cô. Anh là một tài xế xe buýt đã kết hôn ở thị trấn gần đó, anh ta đến với Labonni mỗi ngày trong bốn năm rưỡi, kể từ khi cô ấy 14 tuổi. Mohammed Muktal Ali thừa nhận anh ấy yêu Labonni và từng nói rằng sẽ tìm mọi cách giải cứu cô ấy.

"Tôi không tin bất cứ điều gì mà những người đàn ông nói với tôi. Tất cả đều là dối trá", Labonni nói.

Cùng chung phòng ngủ với Labonni là cô Farada, 33 tuổi, đã bị bán vào nhà thổ này từ năm 1999. Sau 12 năm vướng vào nô lệ tình dục, cô được một khách hàng giải cứu nhưng sau đó hắn lại ép cô tiếp tục làm gái. Farada tìm cách trốn thoát nhưng lại bị bán đi lần thứ 2 với giá 137 bảng Anh. Tại Bangladesh, cảnh sát được mua chuộc với giá cao để cấp chứng chỉ hợp pháp cho phép những phụ nữ, trẻ em gái hoạt động bán dâm nhưng thực chất là họ bị ép buộc và nhiều trường hợp chưa đủ tuổi.

4700 (1)

Nhiều bé gái sau khi kết hôn bị chính chồng bán cho nhà thổ.

Vì buôn bán tình dục là một công việc cực kỳ sinh lời nên các nhà thổ hoạt động công khai, có bảo kê, không ai dám động đến. Hoạt động mại dâm đã được hợp pháp hóa ở Bangladesh vào năm 2000. Phụ nữ ở đây không được bảo vệ, họ bị áp bức theo nhiều cách khác nhau. Cứ 5 bé gái thì có một em kết hôn trước năm 15 tuổi và chỉ có 1/4 các trẻ em gái hoàn thành giáo dục trung học. Việc được phát triển như bao người khác là một thứ xa xỉ của những bé gái nơi đây.

Trong khi hoạt động mại dâm là hợp pháp, buôn bán người và hoạt động mại dâm mang tính chất cưỡng bức là bất hợp pháp. Tuy nhiên, tại đây, việc thực thi pháp luật còn hạn chế, trẻ em và phụ nữ trở thành con mồi của những kẻ buôn người. Chính phủ Bangladesh ước tính rằng 100.000 phụ nữ và trẻ em gái đang làm việc trong ngành công nghiệp tình dục của đất nước và một nghiên cứu báo cáo rằng, chỉ khoảng 10% trong số này là tự nguyện tham gia vào hoạt động mại dâm. Cuộc điều tra này cho thấy, hàng trăm cô gái thừa nhận rằng họ bị người lạ, người thân hoặc chồng bán cho nhà thổ mà không có sự đồng ý của họ.

Vào tháng 4 vừa qua, tờ Tribune báo cáo rằng tỷ lệ kết án với những kẻ bị bắt liên quan đến buôn bán người trái phép là rất thấp. Vào năm 2013, hơn 6000 đối tượng đã bị bắt giữ vì liên quan đến nạn buôn người nhưng chỉ có 25 người bị kết án. Vào năm ngoái, chỉ có 8 kẻ buôn người bị kết án tại Bangladesh.

Artboard 4

Trước tình trạng bị ép buộc bán vào nhà thổ, đã có hàng trăm cô gái tìm đến tự sát để giải thoát cuộc đời mình. Con số tự sát nhiều đến nỗi mà ít nhất hai nhà thổ ở miền trung Bangladesh, dọc bờ sông Padma, đã phải xây dựng nghĩa địa riêng để chôn cất những cô gái tìm đến cái chết.

Shilpi, 57 tuổi, người bị bán cho nhà thổ Daulatdia năm 1977, cho hay hàng tháng đều có người chết ở nhà thổ. Bà chính là người chôn cất những nạn nhân xấu số ấy và bà không thể nhớ rõ chính xác mình đã tiếp xúc với bao nhiêu thi thể nhưng bà khẳng định là phải hơn 100 người. Ở Mymensingh, không có nghĩa địa như vậy nhưng các thi thể sẽ được bí mật chuyển về nông thôn khi màn đêm buông xuống và bị vùi lấp trong những ngôi mộ không tên, sơ sài.

Nghĩa địa công cộng là một nơi bất khả xâm phạm vì người dân kì thị những người hành nghề mại dâm, họ không được phép chôn cất ở trung tâm thành phố. Labonni cho hay, cô cũng đã cố gắng tự sát nhiều lần nhưng đều bất thành. Đối với Labonni, niềm hy vọng về việc nhận được sự giúp đỡ tinh thần là điều không thể. Hiện tại, niềm vui hiếm hoi của cô mỗi ngày là được trò chuyện với con gái, cô bé đang sống với chị gái của Labonni nhưng không biết cô là mẹ đẻ.

"Một ngày nào đó, khi con bé đủ trưởng thành, tôi sẽ nói với con bé tôi là mẹ đẻ của nó", Labonni nghẹn ngào nói.

40,3 triệu

Là số người sống ở trong tình trạng "nô lệ" thời hiện đại trên khắp thế giới. Buôn bán tình dục là một hình thức nô lệ hiện đại liên quan đến việc bắt cóc, lừa đảo, ép buộc để kiềm tiền cho những tổ chức, nhóm người, cá nhân khai thác tình dục.

70%

trong số 4,8 triệu nạn nhân bị buôn bán tình dục trên thế giới nằm ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

150 tỷ đô la

Là số tiền có được bởi buôn bán nô lệ hiện đại, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Những kẻ buôn bán tình dục có thể kiếm tới 29.000 bảng Anh trên mỗi nạn nhân hàng năm.

Nguồn: The Guardian

 

Theo Trí Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang