Một cô bé 6 tuổi đã viết như thế lên mẩu giấy nhỏ gửi cho bố mẹ. Người mẹ 34 tuổi tên Vũ Thị Hường nghẹn ngào thổ lộ sự bất lực, vì không hiểu được tại sao con gái nhỏ lại nghĩ như thế.
Không phải người mẹ nào cũng dành thời gian để đi tìm câu trả lời. Thậm chí nhiều người mẹ tin rằng, con cái phải hiểu bố mẹ yêu thương mình là một lẽ đương nhiên. Họ thậm chí còn không hề biết các con của mình đã trải qua những tổn thương tâm lý nặng nề khó chữa lành trong nhiều năm trời. Mà vết thương đó cho chính họ gây nên.
Đó là trường hợp của chị Trang, 40 tuổi, một giảng viên âm nhạc tại Hà Nội, nhân vật trung tâm của tập 1 chương trình Cha mẹ thay đổi do VTV7 sản xuất. Tập phim nhanh chóng tạo được sự chú ý mạnh mẽ vì đã chạm tới những góc khuất nhạy cảm của rất nhiều gia đình Việt, nơi mà phương pháp dạy con kiểu “mẹ hổ” duy trì từ truyền thống “thương cho voi cho rọt” được áp dụng qua nhiều thế hệ.
Khác với cô bé 6 tuổi con chị Hường, hai con gái của chị Trang là Nhím (21 tuổi) và Cún (11 tuổi) đã không thổ lộ được suy nghĩ, cảm xúc của mình với mẹ. Hệ quả của sự thiếu kết nối mẹ con rất nặng nề. Nhím ở tuổi trưởng thành thu mình vào thế giới của riêng cô, không cãi mẹ nhưng cũng không bao giờ làm theo lời mẹ, gắn bó với chú gấu bông vì nó biết im lặng mỉm cười khi cô khóc thay vì ngồi cạnh làm phiền bằng hàng loạt câu hỏi tại sao như mẹ. Nhím không có nhu cầu ôm mẹ vì “không cần nữa”. Cô cũng đã hoàn toàn quên thời điểm mà mình cần được ôm mẹ là bao giờ, chỉ nhớ là “lâu lắm rồi”.
Cún ở tuổi 11 cũng bắt đầu tránh dần cái ôm của mẹ sau những giờ tập đàn lõng bõng nước mắt. Cô bé nói: “Buổi sáng chỉ muốn nhanh đến giờ đi học để được chơi với các bạn, còn buổi tối chỉ muốn nhanh tới giờ đi ngủ để không phải tập đàn”. Nhưng chị Trang không hề biết với hai cô con gái của mình “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” còn mỗi ngày ở là một ngày cực nhọc.
Cún đã từng có ý định muốn trả thù, muốn làm điều gì đó “khiến cả họ phải bẽ mặt” và sẽ “chỉ nói sự thật khi mẹ đã già để mẹ phải hối hận”. Rất may cô bé chưa làm điều đó. Và với sự sắc sảo bẩm sinh, Cún là người chủ động đề nghị mẹ tham gia chương trình với lý do: “Mẹ phải thay đổi đi, chứ thế này thì không được”.
Sau này, trải qua thời gian tham gia chương trình Cha mẹ thay đổi và có mối quan hệ cởi mở hơn với mẹ, Cún mới viết thư gửi mẹ, thổ lộ ý định trả thù kia kèm theo lời cầu cứu thống thiết: “Mẹ phải thay đổi để cứu con, cứu gia đình này và còn cứu cả thế giới nữa”.
Thật may mắn là cô bé 11 tuổi ấy đã có đủ mạnh mẽ và tỉnh táo để biết bản thân đang gặp nguy hiểm. Cún đã cầu cứu mẹ. Trong mắt Cún, mẹ chính là thủ phạm gây ra những đau đớn. Nhưng cũng chỉ có mẹ là người có khả năng cứu mình. Trái tim cô bé 11 tuổi vẫn còn niềm tin cháy bỏng dành cho mẹ, vẫn còn khao khát được kết nối với mẹ. Khác với người chị của mình.
Chị Trang, như nhiều “mẹ hổ” khác, hẳn đã không ít lần bỏ qua những lời cầu cứu non nớt. Những mẩu giấy hay những câu nói “Mẹ không yêu con” thường bị xem như trò dỗi dằn của con trẻ. Và sẽ là hàng loạt những câu tra hỏi, chỉ trích, mắng mỏ thay cho an ủi, dỗ dành. Nhiều bà mẹ không tin rằng, con mình nói ra câu ấy là vì nó thực sự cảm thấy như thế, thực sự cảm thấy bị bỏ rơi, bị chán ghét, bị ruồng rẫy, thực sự cảm thấy bị đau - nỗi đau nếu quy đổi ra tổn thương thể xác tương đương với vết bỏng độ 3 trên làn da mỏng manh của trẻ con.
Trong bản Báo cáo Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại Việt Nam, UNICEF đã chọn một tâm sự của cậu bé 16 tuổi sống tại An Giang để làm lời mở đầu: “Em hạnh phúc nhất là khi được ở bên các bạn”.
Không phải cha hay mẹ mà là bạn, không phải ở nhà mà là ở trường, mới khiến cậu bé 16 tuổi cảm thấy an toàn, vui vẻ. Sự đứt gãy trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là vấn đề nghiêm trọng mà các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn là việc chọn trường gì cho con. Bởi cũng theo bản báo cáo, khi một đứa trẻ gặp vấn đề tâm lý, phần đa lý do đến từ phía gia đình. Trong đó ngoài nguyên nhân cha mẹ bỏ bê, cha mẹ ly hôn, cha mẹ bạo hành, còn có cả nguyên nhân “bị” cha mẹ yêu sai cách, yêu bằng roi vọt và quát mắng.
Giáo sư người Hàn Quốc Peck Cho - cố vấn chuyên môn của “Cha mẹ thay đổi” không ngại nói thẳng về cách cha mẹ Việt sử dụng đòn roi để dạy con: “Đánh con không phải là cách để giúp những đứa trẻ thành công và hạnh phúc mà chỉ vì nó rất tiện. Bố mẹ có thể đánh bất cứ lúc nào, hoàn toàn miễn phí.”
Một nhận xét phũ phàng, nhưng không thể không thừa nhận. “Không có tình yêu đâu ạ”, vị Giáo sư tâm lý học người Hàn Quốc khẳng định. Đánh đòn thực chất là cách cha mẹ giải quyết những dồn nén cảm xúc của chính mình mà thôi.
Nhiều cha mẹ đánh con của mình vì tâm lý cố hữu tin vào sức mạnh của đòn roi trong việc rèn luyện phẩm chất, hoặc có thể vì “đó là cách dạy con duy nhất mà họ biết”.
Dạy dỗ con bằng đòn roi chỉ vì nó… tiện là điều mà không phải cha mẹ nào cũng dám nhìn thẳng vào sự thật để nhận sai. Khó hơn cả là thay đổi một thói quen ứng xử đã hình thành trong nhiều năm, thậm chí là nhiều chục năm, và chịu ảnh hưởng qua nhiều thế hệ. Chị Liên (Bắc Ninh) trong tập 3 Cha mẹ thay đổi đã tự thú rằng: “Trước đây khi chưa có con mình nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm thế này thế kia. Nhưng giờ mình thấy mình rất giống với mẹ mình ngày xưa”.
Nhưng, nói như Giáo sư Peck Cho: Có một tin tốt là, ai cũng có thể thay đổi và mọi tổn thương đều có thể chữa lành.
Khi Cha mẹ thay đổi lên sóng, đã có những ý kiến trái chiều từ phía khán giả. Họ cho rằng, chương trình xây dựng theo hướng chĩa mũi dùi vào những bậc làm cha mẹ, khiến họ cảm thấy lỗi lầm, trách cứ dằn vặt bản thân, trong khi thực tế con trẻ không phải lúc nào cũng đúng, chúng cũng cần phải thay đổi.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm sản xuất chương trình Thầy cô thay đổi, bà Nhật Hoa - Giám đốc sản xuất của Cha mẹ thay đổi - có một suy nghĩ khác.
“Sau thành công của Thầy cô thay đổi, mọi người nói tôi làm tiếp Học sinh thay đổi đi. Nhưng chúng tôi thì nghĩ tới bố mẹ. Trong quá trình làm việc với các chuyên gia tâm lý hàng đầu, chúng tôi nhận ra rằng những đứa trẻ có phát sinh bạo lực hay các vấn đề tâm lý tâm thần luôn có bi kịch gia đình nhất định.
Tất nhiên ở Việt Nam, cha mẹ là nhóm đối tượng rất khó để chạm tới do truyền thống văn hóa, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm, vẫn casting và nhận được những phản hồi rất tích cực. Tới giờ phút này, tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi sẽ không làm Học sinh thay đổi hay Con cái thay đổi nữa. Trẻ con, chúng là thiên thần. Khi nào người lớn thay đổi, trẻ con sẽ lập tức thay đổi. Không chỉ thay đổi, chúng còn sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của người lớn."
Ekip thực hiện chương trình
Nhà sản xuất Vũ Việt Nga tiết lộ, vượt ra ngoài hình dung của ê kíp sản xuất, số lượng gia đình tham gia casting vô cùng đông đảo, lên tới hơn 300 hồ sơ. Tuy nhiên, không có quá nhiều bậc cha mẹ đủ dũng cảm phơi bày cách họ làm cha mẹ, cách họ đã lỗi lầm. Thể diện, với số đông cha mẹ Việt, vẫn có vị trí quan trọng ngang bằng hoặc cao hơn hạnh phúc chân thật của con.
Bà Vũ Việt Nga cho biết, chương trình giữ nguyên tắc là không thuyết phục các cha mẹ, chỉ những ai thực sự sẵn sàng, thực sự mong muốn thay đổi nhất mới được lựa chọn vào hành trình khó khăn này.
"Từ 300 hồ sơ gửi về casting, sau cuộc gọi liên hệ đầu tiên, với câu hỏi "các anh chị có sẵn sàng và chấp nhận làm điều này vì thực sự các anh chị muốn", chỉ còn 100 gia đình nói sẵn sàng. Cuộc gọi lần thứ hai, nói rõ cách thức thực hiện, sẽ đặt máy quay tại nhà ra sao thì còn 50 gia đình nói sẵn sàng. Cuộc gọi thứ ba, chúng tôi thông báo sẽ vác máy tới nhà quay khảo sát, chỉ còn 24 gia đình nói sẵn sàng.
Nhưng cũng có gia đình sau khi đã quay được toàn bộ hình ảnh thì từ chối. Sau cùng, chúng tôi họp với ban cố vấn và chọn ra 10 gia đình. Chúng tôi hỏi lại câu hỏi "các anh chị có sẵn sàng và chấp nhận làm điều này vì thực sự các anh chị muốn", thì còn 8 gia đình chấp nhận. Họ đã đi cùng chương trình trong 1 năm trời với không ít lần định bỏ cuộc, nhưng cuối cùng đã không ai bỏ cuộc cả."
Song, đúng như dự báo, hành trình 1 năm để cha mẹ thay đổi không hề dễ dàng.
Hồng Hạnh - đạo diễn tập 3 của Cha mẹ thay đổi - đã vô cùng đau khổ khi tâm sự với Giáo sư Peck Cho: “Thưa Giáo sư, em rất bế tắc vì bố mẹ trong tập phim của em không thay đổi. Em cảm thấy mình đã thất bại.” Nhưng Giáo sư Peck Cho đã nói: “Tất cả những gì của hôm nay được tạo ra bởi hơn 40 năm sống của một con người, không dễ gì thay đổi trong 1 năm 2 năm.”
Chứng kiến những sự thay đổi vội vã của các người mẹ, GS Peck Cho đã phải can ngăn vì ông nhận ra những kết quả xấu: “Dạy con không phải chặng đua cự ly 100m. Cô ấy đang trên chặng đường dài của cuộc đời. Cô ấy nên từ từ, cô ấy sẽ đi được quãng đường rất xa”.
Theo nhà sản xuất Việt Nga, trở ngại lớn của nhiều cha mẹ là họ sử dụng lí trí để phân tích, lập luận quá nhiều, họ tin vào tư duy logic hơn cảm nhận của trái tim. Hay nói như Giáo sư Peck Cho: “Càng những người có tri thức, thay đổi càng khó khăn”.
Kim Anh - đạo diễn tập 1 Cha mẹ thay đổi - chia sẻ, cô thường xuyên phải làm bác sĩ tâm lý bất đắc dĩ, nghe những cuộc điện thoại thổn thức lúc nửa đêm, nhìn những giọt nước mắt bất lực vô vọng rơi xuống trong một năm theo sát hành trình nỗ lực thay đổi của những người cha người mẹ. Nhưng điều đáng quý là họ đã không bỏ cuộc. Nhận diện và thừa nhận những sai lầm của bản thân đã khó, dám đi đến cùng để sửa chữa những sai lầm càng khó hơn. Đó không chỉ là tình yêu lớn lao dành cho con cái mà còn là lòng can đảm đáng trân trọng của 8 cặp cha mẹ tham gia chương trình. Họ đúng nghĩa “Vì con, cha mẹ có thể làm tất cả”.
Mặc dù vẫn còn những ý kiến tranh cãi trong cách thực hiện nhưng nhà sản xuất Vũ Việt Nga cho rằng, điều quan trọng là các gia đình cảm thấy hài lòng với những giá trị mà họ thu nhận được sau 1 năm đồng hành với chương trình. Bà Việt Nga cũng bày tỏ, bà không tham vọng ôm đồm tất cả các vấn đề giáo dục gia đình vào một chương trình để giải quyết. Mục đích của Cha mẹ thay đổi không gì khác là truyền đi thông điệp về hạnh phúc và thành công - điều mà bậc cha mẹ nào cũng khao khát cho con mình: “Muốn có một tương lai hạnh phúc thì phải hạnh phúc ngay ở hiện tại, và muốn thành công thì phải hạnh phúc trước.”
Link bài gốc: http://ttvn.vn/gia-dinh/noi-vi-tuong-lai-cua-con-cha-me-co-the-lam-tat-ca-nhung-may-ai-dam-thay-doi-ban-than-de-cho-con-mot-hien-tai-hanh-phuc-hon-2220208117207913.htm
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.