Bích Na là một nữ bác sĩ và chị cũng đối mặt với chứng trầm cảm sau sinh như bất kỳ một người phụ nữ nào đã từng trải qua hành trình làm mẹ. Dù là người hiểu rõ về sinh lý, tâm lý của bản thân và có điều kiện nuôi con tốt nhưng chị hiểu rằng rối loạn nội tiết tố sau sinh là một điều không thể tránh khỏi do mức thay đổi của các hormone sinh sản trước và sau sinh bé.
Chị Bích Na được biết đến ngoài tư cách là một nữ bác sĩ chuyên ngành da liễu, chị cũng là giám đốc 1 spa và thẩm mỹ viện, nguyên giảng viên Đại học y dược TP.HCM. Người phụ nữ này vừa trải qua hành trình mang thai đôi để thành mẹ của hai bé gái song sinh Mina và Pona, hiện 2 bé đã được gần 3 tháng tuổi.
Dù là người có nhiều chia sẻ tích cực về quan điểm sống, hôn nhân gia đình và làm đẹp trước đó, dù đã chuẩn bị tinh thần trầm cảm sau sinh có thể sẽ xuất hiện, nhưng phải đến khi chính bản thân mình trải qua cảm giác ấy chị mới thực hiểu nó tồi tệ thế nào. Nhưng con người lí trí trong chị đã biết tự tìm giải pháp để vượt qua.
Lần đầu sinh con cũng là lần đầu làm mẹ 2 đứa trẻ và cảm giác bất an xuất hiện
Khi mang bầu, chị Na đã chuẩn bị sẵn tâm lý vì hiểu rằng rối loạn nội tiết tố sau sinh là một điều không thể tránh khỏi do mức thay đổi của các hormone sinh sản trước và sau sinh bé. Trường hợp của Na lại là mang thai đôi, có dùng một số thuốc nội tiết tố progesterone để kéo dài thêm tuần thai nên mốc nội tiết tố trước và sau sinh chênh lệch rất nhiều, suy giảm sau sinh cũng rất rõ rệt. Mặc dù chị Na khá tự tin bản thân sẽ thích ứng nhanh với cuộc sống sau sinh bởi có sự yêu thương hỗ trợ từ gia đình, sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý hay điều kiện kinh tế để nuôi con. Thế nhưng thực tế hoàn toàn khác!
Chị Na cảm nhận được tình trạng rối loạn nội tiết tố từ ngày thứ 5 sau sinh. Nếu như trước đó ở bệnh viện, căng thẳng duy nhất là làm sao để sữa mẹ về kịp cho bé bú, còn lại chỉ lo nghỉ ngơi phục hồi thì sau khi xuất viện lại là một câu chuyện khác. Cuộc đời bỉm sữa lúc này thực sự mở ra vì hai em bé đã trở thành tâm điểm trong nhịp sinh hoạt của toàn gia đình. Dù chị có sự phụ giúp của ba mẹ người thân hai bên gia đình, cộng thêm vú nuôi… nhưng tâm lý lần đầu làm mẹ cầu toàn, vẫn muốn chính tay mình làm tất cả mọi thứ tốt nhất cho con trong khi sức khỏe lại không cho phép.
Vết mổ còn đau, cơ thể yếu ớt nhạy cảm, lần đầu có con vẫn còn những điều chưa thích nghi, nhuần nhuyễn… cảm giác mọi thứ đều làm chị lo lắng, căng thẳng. Mỗi lần con khóc, mỗi khi con mất ngủ giữa đêm, những lúc con ốm sốt hay ọc sữa, thậm chí đơn giản chỉ là khi con oằn ẹo vặn mình vì táo bón hoặc khó đi vào giấc ngủ - tất cả đều khiến cho "người mẹ mới" như chị thật sự loay hoay và sự bất an xuất hiện.
Trầm cảm sau sinh không chừa... một bác sĩ
Suốt thời gian 2 tuần sau khi về nhà chị Na cảm nhận rõ là mình "có vấn đề", đặc biệt là các thay đổi tiêu cực về tâm lý. Cùng một câu nói, sự việc xảy ra trước đây chị đón nhận nó rất bình thường thì bây giờ tất cả trở nên vô cùng nhạy cảm, dễ tủi thân, dễ khóc, thấy mọi chuyện sao mà mệt mỏi, bế tắc, luẩn quẩn.
Đặc biệt là vào khung giờ nội tiết tố suy giảm nhiều nhất, cũng là thời điểm chênh vênh nhiều nhất trong ngày mà chị Na tạm gọi là "khoảng thời gian tuột mood", từ 5-6h chiều đến 7-8h tối. Ngoài việc dễ bực bội, buồn bã thì trong khung giờ này, chị còn thấy người cứ lâng lâng, nhớ trước quên sau, cảm giác năng lượng, tinh thần cạn kiệt chẳng khác nào chiếc điện thoại sắp sập nguồn cả. Mọi việc như ăn uống, ẵm con, cho con bú... đều thực hiện trong vô thức chứ không hoàn toàn tỉnh táo minh mẫn.
Khi sự tuột mood này kéo dài và ngày càng trầm trọng hơn, chị Na quyết định nói với mẹ và ông xã tình trạng của mình, rằng mình thấy quá nhạy cảm, buồn phiền, dễ bực tức, mất tự chủ và cần được hỗ trợ vào khung giờ đó. Chị thực sự thấy mình may mắn vì bên cạnh sự thấu hiểu, cảm thông, yêu thương của mẹ, ông xã thì vì là một bác sĩ nên chị cũng có thêm kiến thức để kịp nhận thức được thay đổi của mình.
Nghĩ lại, với điều kiện tốt như thế, bản thân chị cũng thuộc tuýp người mạnh mẽ và có sự chuẩn bị kỹ từ tài chính đến nhân lực khi nuôi con mà vẫn rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh này thì việc các bà mẹ khác sau sinh có những giai đoạn xuống đáy là rất dễ hiểu.
Rất may là những cảm giác “tuột mood” không kéo dài, khi vượt qua giai đoạn khó khăn này sau khoảng 2 tuần nhờ chính sự can thiệp của bản thân chị trước nhất để điều chỉnh tâm trạng của chính mình.
4 liệu pháp tự thân khắc phục các chị em có thể học tập
Sau khi đã vượt qua được trầm cảm sau sinh, chị Na đã đúc kết được một vài kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất: Đừng chịu đựng một mình, hãy chia sẻ với người thân, bạn bè rằng mình đang cảm thấy thế nào, buồn phiền ra sao, mong được hỗ trợ như thế nào. Nói ra sẽ giúp tâm trạng tiêu cực của mình được giảm nhẹ đi một phần nào đó.
Thứ hai: Hãy cố gắng dành thời gian riêng cho bản thân mình. Chị quyết định dành riêng cho mình 2 tiếng của "khung giờ tuột mood" để vào phòng đóng cửa, bật đèn mờ, mở nhạc nhẹ nhàng, ngủ được thì ngủ, không thì làm những việc trước đây mình thích như dưỡng da, massage mặt, đọc sách, mua sắm online… cố gắng gạt bỏ mọi lo lắng về em bé, để đầu óc thoải mái nhất có thể. Chị nói cố gắng là vì nhiều mẹ không có người giúp việc hay ông bà giúp, phải tự tay lo mọi việc cho con, khi con ngủ hãy cố gắng mẹ cũng được ngủ, hoặc chia bớt thời gian trông con cho ông xã/ người thân để mình luôn được chợp mắt khi mệt hay nghỉ ngơi một khung giờ nào đó trong ngày.
Thứ ba: Cố gắng tìm thấy niềm vui trong việc chăm sóc em bé. Chẳng hạn khoảnh khắc thấy con nằm ngủ cười mơ màng hay ngước nhìn mình, khi con hóng chuyện, khi nắm tay con, khi ẵm con bú... nếu chú tâm và cảm nhận bằng trái tim hạnh phúc của người làm mẹ, niềm vui trong bạn sẽ lan tỏa và giúp vượt qua cảm giác tiêu cực nhanh chóng.
Thứ tư: Luôn nhớ rằng chăm sóc bản thân không phải chỉ ở tinh thần. Vết mổ đau đớn sau sinh, mình mẩy như bị ai rút cạn sinh lực, sức khỏe giảm sút… là điều bất cứ phụ nữ nào cũng đối mặt sau sinh. Vì vậy, nếu có điều kiện thì nên book dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sẽ giúp cho tâm trạng và thể chất cải thiện cực kỳ rõ rệt. Cơ thể mình được nhẹ nhàng khỏe khoắn sau mỗi lần được xông hơi, massage, gội đầu thảo dược. Và tất cả những thoải mái từ thể chất giúp đầu óc thư thả hơn và vượt qua giai đoạn rối loạn nội tiết sau sinh dễ dàng hơn. Đừng tiết kiệm khoản này vì đời mình cũng chỉ có 1-2 lần được chi tiền cho khoản chăm sóc sau sinh này mà thôi.
Sau 2 tuần chị Na tự tìm giải pháp cho chính mình thì hiện tại tâm lý chị đã được cân bằng trở lại, không còn khung giờ "tuột mood" nữa, những lo lắng căng thẳng thái quá trước đó dần dần được điều hòa.
Có thể mỗi bà mẹ sẽ có những cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này khác nhau, tùy điều kiện mỗi người. Chị Na nhắn nhủ tới chị em hãy chuẩn bị tâm lý vững vàng, sau sinh học cách giữ cho tinh thần luôn thư giãn, lạc quan, vui vẻ và tránh xa các suy nghĩ tiêu cực để giúp cân bằng nội tiết tố hiệu quả hơn và không để mình rơi vào tình trạng “xuống đáy” khi có những biểu hiện trầm cảm sau sinh xuất hiện.
Theo helino.ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.