Federico Fellini - một đạo diễn và biên kịch nổi tiếng người Ý, người được coi là một trong những đạo diễn có ảnh hưởng nhất của điện ảnh thế giới thế kỷ 20, từng nói rằng: “A different language is a different vision of life” (Tạm dịch: Một ngôn ngữ mới là một thế giới mới - PV).
Trịnh Ngọc Mai (học sinh lớp 12 chuyên Trung, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) cũng là một “languageholic” (ý chỉ những người yêu thích học ngoại ngữ - PV) chính hiệu. Dù học chuyên Trung, nhưng Ngọc Mai lại có thể thành thạo cả tiếng Nhật và tiếng Anh. Chưa dừng lại ở đó, nữ sinh còn có dự định học thêm ngôn ngữ khác trong tương lai.
Bố mẹ là người truyền động lực học ngôn ngữ
Trong tiếng Anh, có một cụm thành ngữ “the apple doesn’t fall far from the tree”, dịch theo nghĩa đen là “quả táo không rơi xa cây”, nhưng nghĩa chính xác của nó tương đương trong tiếng Việt là: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Ở phần này, Ngọc Mai cũng tự nhận mình là một “the apple” không thể rời xa được “the tree” được bởi bố mẹ cô bạn cũng là những người rất siêu ngoại ngữ.
“Cả bố và mẹ đều là những người truyền động lực học tập cho mình, vì bố là người giỏi tiếng Anh còn mẹ thì thông thạo tiếng Nhật”, Ngọc Mai nói.
Ngay từ khi còn nhỏ, thay vì được nghe bố mẹ hướng học song ngữ chẳng hạn như tiếng Việt - tiếng Anh hay tiếng Việt - tiếng Nhật, thì nữ sinh được phụ huynh dạy nói 3 ngôn ngữ cùng lúc luôn. Dù được tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ từ sớm, nhưng Ngọc Mai chỉ bắt đầu học một cách quy củ tiếng Anh từ lớp 1 và tiếng Nhật từ lớp 6. Khi bắt đầu một ngôn ngữ mới, chắc chắn không ít thì nhiều sẽ gặp đôi chút khó khăn, mỗi lần như vậy nữ sinh lại tìm đến “gia sư” bố mẹ để gỡ rối.
Nữ sinh tâm sự: “Mỗi khi gặp khó khăn gì trong quá trình học, mình đều sẽ xin bố mẹ lời khuyên từ họ, bản thân mình cũng luôn lấy đó làm động lực và mong muốn bản thân có thể đạt được trình độ ngoại ngữ như bố mẹ”.
Với nền tảng tiếng Anh và tiếng Nhật tốt, nhiều người nghĩ Ngọc Mai sẽ dự thi và học ở một trong 2 lớp chuyên tiếng kể trên. Nhưng không, nữ sinh lại quyết định học lớp chuyên Trung của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, dù đã đỗ chuyên Anh của trường THPT chuyên Sư phạm (trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Về lý do, một phần là vì nữ sinh đã nuôi trong mình niềm đam mê với tiếng Trung từ trước và luôn muốn thử thách bản thân với ngôn ngữ này. Hơn nữa, Mai đã theo dõi các anh chị “tiền bối” học ở chuyên Trung ở Ams từ lâu và thấy rất ngưỡng mộ với thành tích của họ, nên nữ sinh quyết tâm vào chuyên Trung của trường Ams cho bằng được.
Và cuối cùng, chính Ngọc Mai đã trở thành thủ khoa đầu vào chuyên Trung trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với 9,7 điểm môn chuyên (Tiếng Nhật).
Đương nhiên, tiếng Trung cũng giống như mọi ngoại ngữ khác, không hề dễ để học. Những ngày đầu mới vào cấp 3, Ngọc Mai gặp kha khá khó khăn trong việc tiếp cận với ngôn ngữ mới, đặc biệt là nhớ được phiên âm pinyin cũng như cách viết chữ Hán. May sao, việc học tiếng Nhật từ trước cũng đã giúp nữ sinh nhanh chóng bắt nhịp được với cách học ngôn ngữ tượng hình. Nữ sinh quan niệm viết càng nhiều thì khả năng nhớ càng cao, mỗi lần viết một chữ Hán thì cô bạn lại viết kèm pinyin bên cạnh để giải quyết việc nhớ phiên âm. Còn trong quá trình luyện viết chữ Hán, Ngọc Mai sẽ đếm nét hay nhớ chữ theo các bộ thủ.
“Mỗi bộ thủ sẽ có một câu chuyện khác nhau, trong quá trình học mình sẽ được cô giáo kể về nguồn gốc của các bộ thủ. Hay khi học một từ mới, giáo viên sẽ chỉ cho mình từ vựng này được cấu tạo từ những bộ thủ nào. Chẳng hạn, khi phân tách từ 安 (nghĩa: yên tĩnh, yên lành, an toàn - PV) ta được hai bộ thủ là bộ miên 宀 và bộ nữ 女. Người xưa quan niệm rằng, người phụ nữ ở trong nhà là an toàn nhất. Cũng có thể hiểu rằng trong một gia đình có bàn tay của người phụ nữ sẽ an ổn và bình an, hạnh phúc”.
Hiện tại, Ngọc Mai đã là học sinh cuối cấp và nữ sinh có thể tự tin khẳng định vào Ams là một trong những quyết định đúng đắn nhất mình từng có.
“Ams vẫn luôn là một ngôi trường cấp 3 mơ ước có lẽ không chỉ của riêng em mà còn của rất nhiều bạn học sinh khác. Có thể có nhiều người cho rằng học Ams rất áp lực và căng thẳng, nhưng sau 3 năm là học sinh khối chuyên Trung trường Ams, có cơ hội trải qua nhiều sự kiện lớn nhỏ của trường, em chưa từng có suy nghĩ hối hận mà thay vào đó càng cảm thấy may mắn và biết ơn khi được học trong môi trường tuyệt vời và gặp gỡ nhiều người bạn tài năng như vậy” , Ngọc Mai bộc bạch.
Bí quyết học ngoại ngữ
Để thuần thục một ngoại ngữ không phải là chuyện của ngày một ngày hai, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng “đu” nhiều ngoại ngữ nhưng lại “đứt gánh giữa đường” vì thiếu động lực, thời gian để theo đuổi đến cùng. Với Ngọc Mai, mỗi lần thấy chán nản, nữ sinh lại nhắc nhở bản thân rằng việc học nói chung và học ngoại ngữ nói riêng là hành trang vô cùng bổ ích cho tương lai sau này:
“Mình luôn nhìn vào mục tiêu và những gì muốn đạt được ở phía trước để lấy động lực cho bản thân tiếp tục cố gắng. Hoặc đôi khi chỉ đơn giản là xem một bộ phim để có thêm hứng thú với ngôn ngữ đó nữa” .
Nhưng đó vẫn chưa đủ bởi Mai quan niệm để học tốt ngôn ngữ, thì việc chăm chỉ và kiên trì chính là yếu độ cực quan trọng để quyết định xem bạn có thuần thục ngôn ngữ được hay không. Lý giải về điều đó, Ngọc Mai nói mỗi ngôn ngữ sẽ có một hệ thống ngữ pháp, từ vựng khác nhau và để có thể thực sự ghi nhớ và hiểu rõ bản chất thì chúng ta cần rất nhiều thời gian cũng như công sức, đòi hỏi sự bền bỉ trong thời gian dài để học hỏi. Chúng ta cũng sẽ cần xác định rõ một điều là nhiều khi dù học rất kỹ một chủ điểm ngữ pháp hay từ vựng, nhưng chỉ cần 1 tiếng sau là bạn có thể quên sạch. Lúc này thay vì hoảng loạn thì cần tập trung ôn lại bởi mưa dầm thì mới thấm lâu được.
Ngoài ra, nữ sinh tin rằng để có thể học một ngoại ngữ dễ dàng hơn, ta cần thực sự đắm chìm bản thân vào ngôn ngữ đó. Chính vì thế, trong quá trình học, mọi người có thể thay đổi cách tiếp cận, đừng chỉ đọc sách và học thuộc mà hãy thử nghe nhạc, xem phim hay những video trên YouTube để cảm thấy hứng thú hơn.
Nhiều người thường nói trăm hay không bằng tay quen, thà học thêm một ngoại ngữ rồi thuần thục còn tốt hơn là biết nhiều nhưng không sâu cái nào. Theo quan điểm của nữ sinh, có thể thông thạo và hiểu sâu nhiều hơn một ngoại ngữ vẫn là điều tốt nhất. Chính vì vậy, cô bạn luôn cố gắng phân bổ thời gian cho cả ba ngoại ngữ sao cho hợp lý, có từng mục tiêu riêng để phấn đấu đạt được trình độ nhất định thay vì ôm đồm quá nhiều cùng lúc dẫn tới bị loạn mà không đi tới đâu. Chẳng hạn, khi cần lấy chứng chỉ IELTS thì Mai sẽ tập trung toàn tâm toàn lực vào nó, còn các thứ tiếng khác sẽ dành ít thời gian hơn nhưng vẫn phải giữ nhịp độ ôn tập đều đặn nếu không rất dễ quên.
Với sự kiên trì của mình, nữ sinh đã đạt được nhiều thành tích học tập xuất sắc như: Chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N3, chứng chỉ tiếng Anh IELTS 8.0, giải khuyến khích môn Tiếng Trung cấp Thành phố năm 2022, nhận học bổng chính phủ của Nhật Bản - Asia Kakehashi Project năm 2021, được tài trợ 100% học trao đổi tại Nhật trong nửa năm.
Không chỉ học tốt, Ngọc Mai còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như Cheerleader của CLB Cheer Ams; Trưởng ban Diễn giả mùa Unboxing Day 2022, Leader group học tập Anh Điều kiện mùa Maska 2021 dự án High School Help Kit; Đại sứ truyền thông Dash For Impact và Mini Mentor sự kiện Business Discussion Hub thuộc tổ chức thanh niên AIESEC in Vietnam; Top 10 Đại sứ Ams 2023…
Trong số thành tích mà bản thân đạt được, Ngọc Mai tự hào nhất khi nhận được học bổng 100% của chính phủ Nhật Bản để sinh sống tại đất nước mặt trời mọc nửa năm. Tại đây, nữ sinh đã có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống như một học sinh Nhật, ở homestay với người bản địa, làm quen với nhiều bạn mới và có thêm rất nhiều kỷ niệm đẹp tại nơi đây. Đặc biệt là được giao tiếp với người bản địa bằng tiếng Nhật từ đó khả năng ngoại ngữ của Mai đã cải thiện rất nhiều.
Hiện tại nữ sinh đang nỗ lực hết sức để hết cấp 3 có thể nhận được học bổng đi du học, và Mai cũng mong rằng có thể tiếp tục duy trì những ngoại ngữ mình đang có để sử dụng hiệu quả trong tương lai. Nếu có đủ thời gian, có thể cô bạn sẽ tiếp tục học thêm một ngoại ngữ khác như tiếng Hàn hay Tây Ban Nha chẳng hạn.
Ảnh: NVCC
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.