Nữ sinh trúng học bổng 7,3 tỷ đồng của ĐH Stanford: Nghỉ học 1 năm, nỗ lực gấp 20 lần để nếm trái ngọt và bí kíp học tiếng Anh cực đỉnh

Nguyễn Hà Vi là minh chứng cho câu nói: Thất bại cũng chẳng sao, ta có tuổi trẻ thì hãy cứ đi! Có quyết tâm, thành công tự đến gõ cửa...

6 tuổi vào cấp 1; 12 tuổi vào cấp 2, 15 tuổi vào cấp 3 và 18 tuổi vào đại học - đó là hành trình đến trường "chuẩn chỉnh" của bao thế hệ học sinh. Tuy nhiên không phải ai cũng quyết định đi theo con đường đó.

Có người sẵn sàng "chệch đường ray", chậm lại một chút để khám phá hết tiềm năng của mình. Câu chuyện của Nguyễn Hà Vi (19 tuổi) - cựu nữ sinh chuyên Anh K23, trường THPT chuyên Hà Tĩnh là một ví dụ. 

Không thi đại học sau khi tốt nghiệp THPT, cô bạn quyết định "gap-year" 1 năm để theo đuổi mơ ước của mình. Từng thất bại, gục ngã, bị nghi ngờ khả năng nhưng Vi vẫn mạnh mẽ bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Để rồi quả ngọt cuối cùng đã đến với cô gái trẻ. Đầu tháng 3 năm nay, Vi chính thức nhận được mail thông báo trúng tuyến từ Đại học Stanford - đại học danh giá tốp đầu nước Mỹ và thế giới, cùng học bổng 7,3 tỷ đồng.

Vi chính là minh chứng cho câu nói: Thất bại cũng chẳng sao, ta có tuổi trẻ thì hãy cứ đi! Có quyết tâm, thành công tự đến gõ cửa...

Nữ sinh trúng học bổng 7,3 tỷ đồng của ĐH Stanford: Nghỉ học 1 năm, nỗ lực gấp 20 lần để nếm trái ngọt và bí kíp học tiếng Anh cực hữu ích - Ảnh 2.

Nguyễn Hà Vi, cựu nữ sinh THPT chuyên Hà Tĩnh.

"Khi gặp ai nói với em rằng: Em không thể làm được đâu, em chỉ cảm ơn và tiếp tục về nhà làm..."

Từ khi còn học lớp 11, Hà Vi đã bắt đầu săn học bổng UWC - United World Colleges (Anh) nhưng không được nhận. Đó chính là cú sốc đầu đời với cô gái sinh năm 2002. Từ chỗ tràn đầy tự tin, Vi dần nhìn lại bản thân và rút ra bài học đầu đời. 

"Thất bại là một cách tự nhìn nhận lại bản thân, xem liệu mình có đang nghiêm túc với hành trình đã chọn hay không? Và khi đã buồn đủ, khóc đủ thì sẽ lại đứng lên tiếp tục tìm cơ hội. Mình muốn đi, muốn cống hiến và cho đi hết mức có thể", Vi chia sẻ.  

Đến cuối năm lớp 11, Vi bắt đầu tìm hiểu về học bổng du học Mỹ. Cô bạn nộp đơn vào nhiều trường nhưng chỉ được nhận vào một số với mức hỗ trợ rất ít. Sau nhiều đắn đo, Vi quyết định hy sinh thêm một năm: "Gap -year" và bắt đầu lại từ đầu!

Nữ sinh trúng học bổng 7,3 tỷ đồng của ĐH Stanford: Nghỉ học 1 năm, nỗ lực gấp 20 lần để nếm trái ngọt và bí kíp học tiếng Anh cực hữu ích - Ảnh 3.

Vi quyết định "gap-year" 1 năm để theo đuổi ước mơ du học.

Tốt nghiệp THPT vào năm 2020, trong khi bạn bè ngồi ở giảng đường thì cô gái trẻ bắt đầu ôn thi chuẩn hóa, tham gia một vài cuộc thi quy mô quốc gia, quốc tế. Không chỉ vậy, Hà Vi còn đăng ký làm thực tập sinh, nghiên cứu sinh và tình nguyện viên tại các tổ chức giáo dục, tâm lý, xã hội trong và ngoài nước.

Trong thời gian thực hiện các dự án xã hội cá nhân về phụ nữ, trẻ em và giáo dục, Vi quyết định sẽ du học ở Mỹ. Cô bạn từng tự hỏi bản thân: "Tại sao lại là Mỹ? Tại sao lại là giáo dục? Tại sao lại là giấc mơ giúp những bạn gái và phụ nữ?". Rất nhiều nguyên nhân nảy lên trong đầu nhưng quan trọng nhất, Vi thích học rộng trước khi học sâu! Còn hệ thống giáo dục khai phóng ở Mỹ lại nổi tiếng với mô hình giáo dục này.

Quá trình xin học bổng với Vi chẳng hề dễ dàng. Cô bạn bắt đầu mọi thứ với con số 0: Không người hướng dẫn, không ai ủng hộ, không một giải quốc tế, không ở trong đội tuyển quốc gia, cũng không nhận sự hỗ trợ từ trung tâm. Tuy nhiên, chính sự bắt đầu muộn khiến Vi nhận ra mình cần phải nỗ lực gấp 10, 20 lần so với những bạn khác. 

Nguyễn Hà Vi

Những gì mọi người nhìn thấy là lá thư gọi nhập học của Đại học Stanford, nhưng những gì em và những người thân yêu thấy là hơn 20 lá thư từ chối từ những năm trước. Hơn 20 emails báo “không thể nhận vào thực tập” từ nhiều tổ chức khác nhau.

Trong khoảng thời gian "gap-year", Vi từng nộp đơn vào 23 trường đại học. "Khi gặp ai nói với em rằng: Em không thể làm được đâu, em chỉ cảm ơn và tiếp tục về nhà làm", Vi kể lại. "Em chính là ví dụ điển hình cho sự trầy trật, thất bại, vấp ngã, để rồi lại đi tiếp như vậy. Những gì mọi người nhìn thấy là lá thư gọi nhập học của Đại học Stanford, nhưng những gì em và những người thân yêu thấy là hơn 20 lá thư từ chối từ những năm trước. Hơn 20 emails báo “không thể nhận vào thực tập” từ nhiều tổ chức khác nhau. 

Khi em chọn tự mình đi con đường này, em chấp nhận mất hết và bắt đầu lại từ đầu, chấp nhận luôn cả những ánh mắt hoài nghi mọi người đổ dồn lên mình. Nhưng những lúc đó, chỉ cần có một người ủng hộ và tin em thôi thì cũng đủ".

Nữ sinh trúng học bổng 7,3 tỷ đồng của ĐH Stanford: Nghỉ học 1 năm, nỗ lực gấp 20 lần để nếm trái ngọt và bí kíp học tiếng Anh cực hữu ích - Ảnh 5.

Sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng Vi đã chạm tay đến Đại học Stanford danh giá.

Trong các bài luận, Vi nói về giáo dục, phụ nữ, những trăn trở về thứ gọi là quy chuẩn của xã hội và cách mọi người đang bị bó hẹp trong giới hạn. Cô bạn cũng tâm sự về cách bản thân nhìn nhận cuộc sống cùng mối quan hệ giữa người với người qua các thời kỳ.

Vi còn trẻ và chẳng ngại "gap -year". Với cô gái bé nhỏ này, giáo dục là chuyện cả đời.  Những quy định về số tuổi phải vào cấp 1, 2, 3 hay đại học đều do xã hội tự đặt ra, trong khi khả năng phát triển và con đường của mỗi người là khác nhau.

Được biết ngoài Đại học Stanford thì mới đây, Vi đã nhận được thêm tin vui từ trường Pitzer College. Đây là một trường lọt tốp 35 Đại học khai phóng Mỹ. Hiện tại, Vi đang chờ tin từ các trường khác. Dự kiến đến tháng 4, cô bạn sẽ nhận được hết thông báo từ các trường còn lại.

Hiện tại Vi vẫn chưa quyết sẽ học trường nào bởi lựa chọn ban đầu của cô bạn là một trường khác. "Bọn em có thời hạn đến tháng 5 để quyết định nên cũng chưa vội", Vi hào hứng kể lại. 

"Đối với Vi, hành trình học tiếng Anh quan trọng không kém so với đích đến..."

Nếu muốn đi du học thì phải giỏi tiếng Anh. Đây chính là điều kiện bắt buộc nếu bạn muốn vi vu tới các quốc gia nói ngôn ngữ này. Nhưng làm sao để giỏi tiếng Anh thì không phải ai cũng biết cách.

Nói về bí kíp học tiếng Anh, dựa trên những trải nghiệm của bản thân, Hà Vi đúc rút thành 2 loại là "Học tiếng Anh tự nhiên" và "Giai đoạn học chứng chỉ". Đối với loại thứ nhất, cựu nữ sinh chuyên Anh chia sẻ: "Giai đoạn học tự nhiên là trước khi em ôn thi các chứng chỉ như IELTS/SAT/...

Trong quãng thời gian này có một yếu tố làm em thích học tiếng Anh là cách nhìn nhận những gì mình học. Hồi đó em không xem tiếng Anh là ngôn ngữ, bài kiểm tra hay thành tích để thi đua. Em chỉ nghĩ mình đang học một văn hoá mới, biết về những gì đang xảy ra bên ngoài cộng đồng của mình.

Nữ sinh trúng học bổng 7,3 tỷ đồng của ĐH Stanford: Nghỉ học 1 năm, nỗ lực gấp 20 lần để nếm trái ngọt và bí kíp học tiếng Anh cực hữu ích - Ảnh 6.
 

Hồi đó, em thường coi các video về tiếng Anh, hoạt hình, chơi trò chơi, xem các kênh Youtube về sự khác nhau giữa Anh - Anh, Anh - Mỹ, Anh - Úc,... Càng xem em càng thấy có nhiều điều hay mà mình chưa biết. Cứ thế, tình yêu tiếng Anh trong em lớn dần" .

"Giai đoạn học chứng chỉ thì khác. Lúc này em học khá căng thẳng và buộc phải học nhiều hơn. Tuy nhiên, có một điều em nhận ra trong quá trình học. Đó là với công cuộc học IELTS/SAT, hay học sinh giỏi các cấp, thứ mình nhận được không chỉ là điểm số sau khi ra khỏi phòng thi mà còn là cả quá trình dài mình bỏ tâm trí cho những bài thi đó.

Đối với em, hành trình học quan trọng không kém so với đích đến. Em luôn tâm niệm: "Mình đang học cho mình, đang tiếp nhận những bài học, kiến thức hay ho về thế giới xung quanh" chứ không phải đang khổ sở cày cuốc. Nhờ đó mà em không bị trì trệ bởi học cho bản thân mình mà! Tâm trí em luôn thoải mái và vui vẻ hơn", Vi tâm sự.

Nữ sinh trúng học bổng 7,3 tỷ đồng của ĐH Stanford: Nghỉ học 1 năm, nỗ lực gấp 20 lần để nếm trái ngọt và bí kíp học tiếng Anh cực đỉnh - Ảnh 7.
 

Nói về việc ghi nhớ từ vựng tiếng Anh, cựu nữ sinh THPT chuyên Hà Tĩnh bật mí: "Cách học từ vựng thì có rất nhiều, và mỗi phương pháp sẽ hợp với từng người khác nhau". Hồi cấp 2, cấp 3, em từng học theo kiểu đọc đến lúc nào thuộc thì thôi.

Đến một lần phải học mấy trang từ vựng liền thì em hãi và biết: "Thôi! Không học kiểu này được". Thế là em đi tìm cách khác. Em sáng tạo nên các câu chuyện từ từ vựng, đặt từ vào nhiều ngữ cảnh khác nhau. Vì nếu học riêng nghĩa của từ sẽ dẫn đến việc nhớ từ nhưng không biết cách sử dụng chính xác. Em cũng chơi đố từ với các bạn,...".

Để nhớ lâu, Vi thường để cho não có thời gian tiếp nhận. Sau ngày đầu học thì mấy ngày, mấy tuần sau, Vi sẽ ôn lại để củng cố. "Phương pháp này gọi là "spaced-repetition" (lặp lại ngắt quãng). Não chúng ta đều cần thời gian để làm quen và ghi nhớ. Vậy nên em nghĩ việc nhớ từ không phải ở chuyện mình có phải là người nhớ giỏi hay không, mà là mình có biết cách để nhớ hiệu quả và tối ưu hay không?

Nữ sinh trúng học bổng 7,3 tỷ đồng của ĐH Stanford: Nghỉ học 1 năm, nỗ lực gấp 20 lần để nếm trái ngọt và bí kíp học tiếng Anh cực hữu ích - Ảnh 8.
 

Đối với những từ ít sử dụng thì lâu ngày em và các bạn thường sẽ quên. Em nghĩ đây cũng là điều bình thường vì tần suất sử dụng của mình không nhiều. Từ kinh nghiệm của mình, em mong mọi người không đặt áp lực lên bản thân quá nhiều về việc vì sao mình lại không thể nhớ 100% những từ đã học. Tâm trí phải thư giãn, thoải mái thì việc học mới trọn vẹn, đạt hiệu quả cao", cựu nữ sinh THPT chuyên Hà Tĩnh cho hay. 

Biết nhiều từ vựng là một chuyện, nói được hay không lại là chuyện khác. Thực tế có rất nhiều học sinh sở hữu kỹ năng Writing, Reading tốt nhưng Speaking lại không mấy trơn tru và thường bị vấp khi nói. Về điều này, Hà Vi chia sẻ:

"Khi nói, mọi người có thể bị ngại vì sợ sai, sợ bị đánh giá, chê cười. Nhưng em thấy người khác thường không quan tâm nhiều đến thế. Nếu họ có quan tâm thì cũng chỉ nhớ một chút rồi sẽ quên luôn về những lỗi lầm ngố tàu của mình. Em nghĩ mỗi khi có cơ hội, ta cứ mạnh dạn nói chuyện với mọi người và cũng không nên sợ sai. Bởi ai cũng có những lần đầu tiên cả.

Nữ sinh trúng học bổng 7,3 tỷ đồng của ĐH Stanford: Nghỉ học 1 năm, nỗ lực gấp 20 lần để nếm trái ngọt và bí kíp học tiếng Anh cực hữu ích - Ảnh 9.

Hà Vi luôn nỗ lực hết mình.

Còn nếu vẫn ngại thì mình có thể luyện tập ở nhà. Có một cách khá hay để ta vừa giải trí vừa học, như là xem videos, phim, đoạn cắt bằng tiếng Anh và nhại theo tiếng diễn viên. Bằng cách này mình biến việc xem phim (thụ động) thành việc học phát âm và giọng điệu của riêng bản thân (chủ động).

Mấu chốt sau cùng vẫn là không được sợ sai. Bởi không ai có thể nói hoàn hảo ngay từ đầu và cũng không cần đặt nặng sự hoàn hảo. Kỹ năng nói thuộc vào phạm trù giao tiếp. Chìa khoá của giao tiếp là người này hiểu người kia đang cố truyền tải thông điệp gì. Vậy nên nếu không thể nói hay như chim hót hoặc diễn viên nước ngoài thì mình có thể tập truyền tải ý tưởng qua mỗi lần giao tiếp. Như vậy là rất tốt rồi".

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang