Thời tiết chuyển lạnh đột ngột, bà mẹ họ Lý ở Hồ Nam (Trung Quốc) đang nuôi con nhỏ mới 2 tháng tuổi nên cô rất sợ con sẽ bị cảm lạnh. Ban đêm, cô để bé ngủ trên giường riêng và nửa đêm tỉnh dậy sợ con lạnh đã kéo 3 lớp chăn để đắp cho con. Nhưng nếu những đứa trẻ khác chỉ mặc 1 bộ đồ ngủ phù hợp thì trước khi ngủ, bé con nhà cô Lý đã mặc đến 3 lớp áo gồm 1 bộ đồ trong cùng, 1 áo sát nách và 1 áo khoác, cộng thêm đắp 3 lớp chăn. Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến bi kịch xảy ra.
4 giờ sáng, cô Lý dậy cho con bú rồi cho bé đi ngủ tiếp. Đây chính là lúc cô kéo chăn đắp thêm cho con. Trong 3 lớp chăn bông đắp cho con, có 2 lớp là chăn điều hòa, 1 chiếc là chăn nhỏ của riêng bé.
7 giờ sáng, cô Lý dậy kiểm tra thì thấy con tím tái, mồ hôi nhễ nhại, lập tức đưa con đi cấp cứu.
Bác sĩ Cai Zili, phó trưởng khoa Y tế chăm sóc sức khỏe quan trọng số 1, Bệnh viện Nhi Hồ Nam cho biết: Khi em bé đến viện, bé đã được điều trị tại bệnh viện địa phương trước đó 5 ngày nhưng cháu bé vẫn không tỉnh, tím tái khắp người, không tự thở được, phải thở máy.
Sau khi tìm hiểu bệnh sử và hoàn thành các xét nghiệm liên quan, bác sĩ chẩn đoán kết quả ban đầu con cô Lý bị mắc hội chứng muggy và hiện đang được chăm sóc tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện.
Hội chứng muggy (Muggy Syndrome) có các triệu chứng là thiếu oxy và thiếu máu cục bộ do nhiệt độ cơ thể tăng cao, ở trong phòng nhiệt độ quá ấm và lâu ngày không mở cửa sổ để không khí lưu thông. Do các bà mẹ lo lắng con bị lạnh nên bao bọc, mặc quần áo quá nhiều cho con, chữ muggy có nghĩa là nóng ẩm, ngộp, hay ngột ngạt.
Trẻ có hiện tượng trao đổi chất mạnh mẽ, trong khi khả năng điều hòa thân nhiệt lại kém, nên khi mặc nhiều quần áo sẽ dẫn đến hiện tượng tăng thân nhiệt, mồ hôi vã ra ướt lớp quần áo bên trong. Ngoài các biểu hiện nóng bức, ngột ngạt, trẻ mắc hội chứng muggy còn đi kèm với các triệu chứng ho, sổ mũi, sốt, tiêu chảy, mất nước, ở mức độ nặng hơn hệ thần kinh có thể bị tổn thương như em bé kể trên.
Hội chứng muggy chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, đa số do người lớn ủ ấm bé quá mức hoặc bế bé quá lâu, ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể và là một hội chứng nguy hiểm, cần cấp cứu.
Hiện các bộ phận khác trên cơ thể con cô Lý đã phục hồi tốt, tuy nhiên các bác sĩ cho biết tổn thương hệ thần kinh phải một thời gian dài nữa mới có thể hồi phục.
Những sự cố tương tự như trên không phải hiếm khi xảy ra. Một trường hợp khác, người bà ở Kim Hoa, Chiết Giang, Trung Quốc đã từng mặc cho cháu 1,5 tuổi đến 9 lớp quần áo. Bố bé cho biết thấy cháu bị cảm lạnh mà mặc ít áo quần nên người bà đã mặc thêm cho cháu nhiều lớp áo bên ngoài với suy nghĩ bảo vệ cháu đỡ lạnh.
Giữ ấm cho con khi đi ngủ trong những ngày lạnh
Các bác sĩ khuyến cáo muốn xem trẻ có bị lạnh hay không, không được sờ vào tay, vào mặt mà cần kiểm tra ở gáy. Nếu gáy hồng hào nghĩa là bé không bị lạnh. Nếu gáy bé đổ mồ hôi nhẹ có thể bé đang hơi nóng. Nếu bé ra nhiều mồ hôi ở gáy tức là bố mẹ cần cởi bớt quần áo cho con.
Vào mùa đông, người lớn có thể đắp chăn để giữ ấm khi ngủ nhưng chăn bông, chăn lông dày lại tiềm ẩn nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), cản trở sự hô hấp của trẻ trong lúc ngủ. Các chuyên gia cho biết với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, an toàn nhất là sử dụng túi giữ nhiệt. Giữ ấm cho trẻ trong khi ngủ cũng cần đảm bảo nguyên tắc: 4 ấm - 1 lạnh.
4 ấm: Giữ bàn tay, bàn chân, lưng và bụng ấm.
1 lạnh: Không nên che đầu trẻ quá ấm, nhất là khi sốt hoặc trong khi ngủ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.