Ở cữ nhà ngoại, quyền lợi chính đáng, hà cớ gì nhà chồng ngăn cấm?

Bữa nay đọc được bài tâm sự của một mẹ bị mẹ chồng ngăn cản chuyện đưa con về ở cữ ở ngoại mà tôi bức xúc. Quyền lợi chính đáng của chúng tôi, nhà chồng lấy quyền gì mà ngăn cấm?

Đàn bà sinh nở trăm đường khổ. Đau đớn, tủi nhục ai biết đấy là đâu. Cùng kiếp phụ nữ, cũng đã từng sinh nở mà cớ sao các bà mẹ chồng không đồng cảm, không thấu hiểu được cho con dâu. Có ai đẻ xong mà không mong nhanh nhanh chóng chóng qua tháng đầu tiên để được về nhà đẻ. Cũng chẳng phải tự nhiên mà như thế.

Một lần đẻ là một lần đi qua cửa tử. Sinh xong bao đau đớn, lại tất bật từ sáng sớm đến nửa đêm quần quật tã, sữa đến độ một giấc ngủ dài mấy tiếng cũng trở nên xa xỉ. Nỗi vất vả chăm con mọn dường như đã hút cạn sinh lực của chúng tôi. Ở nhà chồng ai nào dám kêu, ai nào dám nửa đêm con khóc nhờ mẹ chồng bế đỡ một lúc để tranh thủ chợp mắt cho hồi sức.

Bữa cơm ở cữ nhà nào tử tế thì cũng đầy đặn, không thì trường kỳ thịt nạc rau ngót. Có ai ăn cả tháng cơm cữ 10 bữa như nhau cả 10 mà không phát ngán. Nhưng nào có dám than nửa câu, có mà ăn là tốt rồi. Chưa kể bao nhiêu người, mang tiếng ở cữ nhưng quần áo, tã lót, nhà cửa vẫn cứ phải làm tất. Trăm thứ việc đổ lên đầu. Thôi thì nhà chồng vẫn mãi chỉ là nhà chồng, mẹ chồng chẳng bao giờ là mẹ đẻ. Khác máu thì tanh lòng, dẫu có tốt đến đâu cũng vẫn không thể là ruột thịt. Cho dù có đau đớn, có tủi hơn, có mệt đến tưởng như ngất ngay được cũng không thể nhõng nhẽo than thở, hay khóc lóc mà kêu “Mẹ đỡ con tý đi, con mệt quá rồi.”

Chỉ có về nhà ngoại chúng tôi mới thực sự được sống với bản ngã của mình. Muốn ăn gì có thể đòi hỏi, mệt mỏi quá có thể nhờ bà ngoại đỡ đần. Lắm lúc tủi thân cũng có người tâm sự. Tôi từng đọc đâu đó rằng “Về nhà ngoại – Liều thuốc lợi sữa và chống trầm cảm sau sinh”. Quả thực đúng là như thế. Nếu không về ngoại, không có mấy tuần được nghỉ ngơi, giải tỏa ấy dễ có đến hơn nửa bà đẻ rơi vào cảnh trầm cảm, phẫn uất.

Từ bao đời nay, như một luật bất thành văn, hễ qua tháng đầu ở cữ thì bà đẻ sẽ được về dưỡng sức bên nhà ngoại, ít thì 1 tuần, nhiều thì cả tháng. Chẳng ai quy định nhưng thiết nghĩ đó là quyền lợi chính đáng của phụ nữ chúng tôi. 9 tháng mang thai cực nhọc rồi bao đau đớn, vất vả vượt qua cửa tử để ôm được đứa con về. Suy cho cùng, phụ nữ cũng mãi chỉ là loài sinh vật yếu đuối. Trải qua ngần ấy khổ ải, chúng tôi cũng cần phải được nghỉ ngơi, được lấy lại sức để rồi sau đó lại tiếp tục nghĩa vụ là vợ, làm dâu.

Con tôi đẻ ra không chỉ có ông bà nội, con tôi cũng có ông bà ngoại. Dù nội hay ngoại cũng đều là tiếng ông, bà thiêng liêng. Hà cớ gì ông bà nội tự cho mình cái quyền “độc chiếm” cháu để rồi cấm chúng tôi đưa con về nhà ngoại. Nếu không có nhà ngoại, thì lấy đâu ra đứa con dâu về đẻ cháu cho ông bà nội? Thử hỏi, nếu con gái của ông bà sinh xong không được về nhà, ông bà có cảm thấy tủi hờn, nhung nhớ không? Nếu có thì hà cớ gì ngăn cấm con dâu.

Các mẹ ạ, quyền lợi của chúng ta thì cứ đấu tranh mà giành lấy. Đừng vì sợ sệt hay ngại ngần mà tự vứt bỏ quyền được về ngoại, để rồi ôm lấy bao uất ức, tủi hờn, không khéo rồi trầm cảm thật thì khổ mình, khổ con.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả).

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang