Các bệnh nhân chưa xuất viện tại một phòng của khoa nội soi vào sáng 3-6 - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Tất cả các trường hợp này đều có triêu chứng như sốt, ho, nhức mỏi, không ghi nhận trường hợp nào có diễn tiến nặng.
Hiện 8 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh đã được nghỉ làm. Đa số các bệnh nhân của khoa cũng đã được về nhà nên bệnh viện chưa biết được những bệnh nhân về nhà có thêm bệnh nhân nào bị nhiễm nữa hay không.
Bệnh nhân đông nên lan nhanh
Trước đó, sáng 1-6, một bệnh nhân phẫu thuật nội soi cắt tử cung được dời phẫu thuật vì bệnh nhân sốt. Đến 15h cùng ngày, đột ngột xuất hiện cùng lúc 17 bệnh nhân đang nằm điều trị cùng khoa có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ.
Ngay lập tức, Bệnh viện Từ Dũ tiến hành phân nhóm, cách ly các bệnh nhân sốt, hướng dẫn, khai phòng ngừa cho bệnh nhân và thân nhân khoa nội soi. Đồng thời Bệnh viện Từ Dũ đã báo cáo Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng, tiến hành hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Kết quả hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không loại trừ bệnh nhân nhiễm cúm và lây lan trong khoa.
Ngay trong đêm, Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới triển khai xét nghiệm PCR cúm cho 16 bệnh nhân và 2 nhân viên y tế của khoa. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã khẩn trương cho thực hiện xét nghiệm tất cả các mẫu bệnh phẩm trong đêm.
Kết quả: 16/18 mẫu dương tính với cúm A/ H1N1 (cúm mùa).
Không dùng máy điều hòa ở khu vực có cúm
Ngay sau khi phát hiên ca bệnh đầu tiên Bệnh viện Từ Dũ đã cách ly, vệ sinh khử khuẩn, không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ tại khu vực xảy ra chùm ca bệnh.
Tất cả những người có triệu chứng viêm hô hấp đều đã được điều trị bằng Tamiflu. Tất cả bệnh nhân tại khoa đủ điều kiện xuất viện sẽ được cơ quan y tế dự phòng tiến hành theo dõi sức khỏe tại nhà. Trung tâm Y tế dự phòng TP tổ chức theo dõi đối với các bệnh nhân cư ngụ tại TP.HCM. Các bệnh nhân cư ngụ tại tỉnh khác sẽ được báo cáo về Viện Pasteur TP.HCM để triển khai theo dõi theo hệ thống.
Chưa từng có ổ dịch lớn như vậy trong bệnh viện
Bác sĩ Lê Hồng Nga, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết từ trước đến nay chưa từng ghi nhận một ổ dịch nhiễm cúm A/H1N1 có số ca mắc lớn như vậy từ một bệnh viện.
"Tại sao lần này lại có một ổ dịch cúm A/H1N1 với số ca mắc nhiều như vậy?". Bác sĩ Hồng Nga cho rằng do trong khoa nội soi có số bệnh nhân nằm điều trị đông, phòng bệnh kín, có cả những bệnh nhân nằm ở hành lang nên dễ làm bệnh lây lan.
Tuy nhiên, khi trao đổi điều này với bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, thì bác sĩ Nhi cho rằng đúng ra bệnh nhân không được nằm hành lang.
Nhưng tối 1 và 2-6 bệnh viện đã phải đưa tất cả các ca đi mổ về khoa. Những bệnh nhân được mổ xong (thường sẽ đăng ký các phòng dịch vụ nằm điều trị chứ không về lại khoa) thường không ở lại khoa nhưng vì sợ những người này có thể đã bị nhiễm bệnh mà đi tới khu hậu sản thì sẽ lây bệnh cho những bà mẹ đang mang thai, nên mới phải ra hành lang nằm, chứ bình thường không có bệnh nhân nằm ở hành lang.
Sáng 3-6, khoa nội soi chỉ còn 17 bệnh nhân nằm điều trị, buổi chiều sẽ tiếp tục cho bệnh nhân xuất viện và hôm nay 4-6, 2-3 bệnh nhân cuối cùng sẽ được xuất viện. Sau đó, bệnh viện sẽ phun sát khuẩn toàn bộ khu nhiễm khuẩn, 12h sẽ mở cửa làm việc như bình thường.
Có tiếp tục lây lan?
"Bệnh viện Từ Dũ là nơi có nhiều bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ, nhiều người lo lắng nếu bệnh cúm A/H1N1 lây lan đến những đối tượng này sẽ ra sao vì thai phụ và trẻ nhỏ mắc bệnh, bệnh có thể sẽ diễn tiến nặng?". Bác sĩ Hồng Nga cho biết hiện Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Từ Dũ đã nỗ lực để hạn chế thấp nhất sự lây lan. Khoa nội soi nằm xa khu hậu phẫu của bệnh viện nhưng đến giờ vẫn chưa thể trả lời được ổ dịch này có tiếp tục lây sang những khoa khác hay không.
Theo bác sĩ Hồng Nga, cúm A/H1N1 là một loại cúm thông thường khá lành tính. Những người bình thường mắc không nhất thiết phải uống thuốc đặc trị mà chỉ cần chăm sóc điều trị triệu chứng, sau đó là vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay sạch sẽ... Tuy nhiên, nếu bệnh nhiễm lên thai phụ, bệnh nhân có những bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ chưa được chích ngừa... nó có khả năng gây diễn tiến nặng.
Đối với các bệnh viện, đề nghị nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân phải tuân thủ phòng hộ cá nhân (đeo găng tay, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên sau khi chăm sóc một bệnh nhân) vì nhân viên y tế cũng có thể là trung gian gây bệnh, hoặc bản thân nhân viên y tế có bệnh sẽ lây sang người khác.
Người xuất viện được lưu ý tránh lây lan cộng đồng
Chị Huỳnh Thị Nhớ (47 tuổi, Bình Định), một bệnh nhân bị sốt do nhiễm cúm, cho biết hiện tại chị đã hết sốt, chiều 3-6 chị được xuất viện. Chị Nhớ cho biết mình bị phát sốt sau ca mổ tử cung. Sau đó, chị được các bác sĩ lấy máu xét nghiệm và dương tính với H1N1. Thời gian bị sốt chị Nhớ cảm thấy nóng khó chịu, người mệt mỏi.
"Những bệnh nhân bị sốt do cúm được xếp vào các phòng riêng trong khu nội soi để bác sĩ dễ theo dõi và điều trị, đồng thời các bác sĩ liên tục kiểm tra, theo dõi tình trạng bệnh nhân cả đêm. Tôi cũng như mọi người được bác sĩ nhắc nhở uống nhiều nước, uống thuốc đúng liều và được hướng dẫn đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh" - chị Nhớ nói.
Theo BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, trước khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được tập trung để được bác sĩ hướng dẫn các biện pháp tự bảo vệ bản thân và người thân, tránh lây lan cộng đồng. Đặc biệt, những trường hợp sau khi về bệnh nhân bị phát sốt, cảm thấy khó thở thì ngay lập tức buộc phải đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để theo dõi và điều trị.
Theo tuoitre.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.